Sách về giáo dục đại học của tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh đoạt giải Sách hay 2019

Đăng Nguyên
Đăng Nguyên
15/09/2019 17:18 GMT+7

Cuốn sách Đại học - Định chế giáo dục cao thay đổi thế giới - Từ trung cổ đến hiện đại của tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh đã đoạt giải Sách hay năm 2019.

Sáng 15.9, Viện Giáo dục IRED, dự án khuyến đọc sách hay và Sáng kiến OpenEdu đã tổ chức Giải Sách Hay lần thứ IX, năm 2019. 
Giải Sách hay 2019 gồm 7 hạng mục bao gồm: Nghiên cứu, giáo dục, kinh tế, quản trị, văn học, thiếu nhi và phát hiện mới. Ngoài ra, năm nay còn có hạng mục do ngưới trẻ bình chọn.
Cũng như 8 mùa giải đã qua, giải Sách hay gồm 3 vòng tuyển chọn ( đề cử, sơ khảo và chung khảo) với tiêu chí bình chọn cụ thể cho từng hạng mục trao giải nhưng có 2 tiêu chí chung cho tất cả các hạng mục, đó là: Sách đoạt giải mang  tinh thần khai minh và giá trị tiến bộ; Sách được xuất bản hoặc tái bản hợp pháp tại Việt Nam sau năm 1975.

Năm nay, ở hạng mục sách giáo dục, tác phẩm đoạt giải là Đại học- Định chế giáo dục cao thay đổi thế giới - Từ trung cổ đến hiện đại (Tác giả: Nguyễn Xuân Xanh). Giải cùng hạng mục dành cho dịch phẩm Những nguyên tắc đạo đức trong giáo dục (tác giả: John Dewey, dịch giả: Cao Tuấn).

Sách đoạt giải của tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh

BTC

Đọc diễn từ tại buổi trao giải, tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh cho biết: "Muốn chấn hưng quốc gia phải chấn hưng đại học. Đại học đã ra đời trên nhiều phần đất của thế giới để chấn hưng và cứu rỗi quốc gia... Nếu đại học không phải là nơi nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo thì quốc gia cũng không thể đổi mới sáng tạo được."

Ngày nay, đại học nghiên cứu là đầu tàu của các hệ thống đại học các quốc gia trên thế giới. Nó tạo ra khoa học công nghệ và đào tạo tầng lớp chuyên gia lãnh đạo cao cấp trong mọi lĩnh vực xã hội. Muốn có kinh tế cạnh tranh, phải có khoa học công nghệ mới, có những nhà lãnh đạo có tầm nhìn và tri thức đẳng cấp thế giới được đào tạo thuông qua các đại học tinh hoa... "Nếu một người ngoài hành tinh đến thăm Trái đất và muốn biết đâu là "đầu não trí tuệ" của một quốc gia, người đó trước hết nên đi các đại học nghiên cứu tinh hoa, nếu có" - tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh chia sẻ.

Muốn chấn hưng quốc gia phải chấn hưng đại học. Đại học đã ra đời trên nhiều phần đất của thế giới để chấn hưng và cứu rỗi quốc gia... Nếu đại học không phải là nơi nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo thì quốc gia cũng không thể đổi mới sáng tạo được 

TS Nguyễn Xuân Xanh

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh tốt nghiệp ĐH Khoa học Sài Gòn, du học năm 1966 tại CHLB Đức. Ông học tập và nghiên cứu tại các ĐH Bonn, Heidelberg, Bielefeld và Berlin. Năm 1975, ông tốt nghiệp tiến sĩ toán. Từ năm 1980 – 1986, ông làm nghiên cứu và dạy học tại ĐH Bielefeld và ĐH kỹ thuật Berlin trước khi về nước sống mười mấy năm nay. Ông đã viết hoặc là chủ biên của những cuốn sách nghiên cứu về lịch sử khoa học giáo dục trước cuốn sách này như Nước Đức thế kỷ 19 - những thành tựu khoa học và kỹ thuật, Einstein, Kỷ yếu đại học Humboldt...
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.