Sài Gòn 'biến' phố Tây thành phố đi bộ: Doanh nghiệp lữ hành muốn làm ngay

27/03/2016 10:06 GMT+7

Trong khi TP.HCM đang tái khởi động hình thành phố đi bộ ở khu phố Tây, nhiều doanh nghiệp lữ hành, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho rằng phải làm ngay.

Trong khi TP.HCM đang tái khởi động hình thành phố đi bộ ở khu phố Tây, nhiều doanh nghiệp lữ hành, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho rằng phải làm ngay.

Đường Bùi Viện trong khu phố Tây - Ảnh: Diệp Đức MinhĐường Bùi Viện trong khu phố Tây - Ảnh: Diệp Đức Minh
Trước đây, vấn đề này từng được chính quyền TP.HCM đề cập, nhưng trên thực tế thì khu phố Tây nổi tiếng ở phường Phạm Ngũ Lão (quận 1) đến nay vẫn mang “dáng hình xưa cũ”. Mỗi ngày vẫn thường thấy hình ảnh mất trật tự do hoạt động kinh doanh, đi bộ và lưu thông xe cộ cùng diễn ra trên không gian công cộng với các tuyến đường khá nhỏ hẹp.
Cho đến ngày 25.3, sau nhiều năm gần như “án binh bất động”, UBND quận 1 mới tổ chức họp bàn để tái khởi động việc lập phố đi bộ ở khu phố Tây.
Theo ông Lê Tấn Đạt, Chủ tịch UBND phường Phạm Ngũ Lão, kế hoạch lập phố đi bộ ở khu phố Tây gồm có các tuyến Đề Thám - Bùi Viện - Đỗ Quang Đẩu. Trước mắt dự kiến chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn 1 thí điểm trong 1 năm trên đường Bùi Viện, giai đoạn 2 nhân rộng ra đường Đề Thám, Đỗ Quang Đẩu với thời gian cấm các phương tiện từ 19 giờ đến 0 giờ trên các tuyến đường này. Thời gian còn lại các loại phương tiện lưu thông bình thường.
Sẽ là điểm đến lý tưởng
Việc lập phố đi bộ là một tin vui đối với nhiều doanh nghiệp lữ hành, cơ sở kinh doanh dịch vụ. Ông Nguyễn Đức Minh Trí, Giám đốc Công ty du lịch Nam Á Châu cho rằng việc đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo ra sản phẩm phong phú phục vụ nhu cầu chính đáng của du khách là phải đặc biệt quan tâm, bởi chỉ tính trong năm 2015, TP.HCM đã đón hơn 19,3 triệu lượt khách du lịch trong nước và 4,6 triệu lượt khách du lịch quốc tế, chiếm khoảng 57% lượt khách quốc tế đến Việt Nam. Điều này chứng tỏ TP.HCM là một điểm đến thu hút đông đảo du khách, và đa số du khách đến TP.HCM đều “ghé thăm” khu phố Tây.
Theo ông Nguyễn Đức Minh Trí, không có vấn đề gì quá khó trong việc hình thành nên phố đi bộ. Nếu như thành phố quyết tâm làm thì việc này hoàn toàn khả thi. Khi hình thành, nơi đây sẽ là "điểm đến lý tưởng" cho du khách muốn thưởng thức ẩm thực, giải trí, mua sắm hàng lưu niệm, đặt tour…
Nhiều ý kiến cho rằng cần sớm làm đẹp bộ mặt đô thị khu phố Tây để phục vụ du lịch - Ảnh: Diệp Đức Minh
“Điều tôi trăn trở nhất là vấn đề an ninh trật tự. Phải làm sao triệt tiêu được nạn cướp giật, chứ nếu không thì gây ảnh hưởng chung đến môi trường du lịch, du khách lo lắng, bất an”, ông Trí nói và cho rằng cũng cần tổ chức quy hoạch, cải tạo không gian phố phường mỹ quan hơn, dịch vụ ăn uống đảm bảo hợp vệ sinh, hàng hóa chất lượng, giá cả hợp lý. Một vấn đề quan trọng nữa là siết lại hoạt động lữ hành, đó là chỉ cho những doanh nghiệp có phép hoạt động. Riêng những đơn vị “làm chui” thì cần phải dẹp bỏ ngay. Nếu được như vậy thì mới có thể phục vụ tốt cho du khách.
Trong khi đó, ông Trịnh Nguyễn Hùng Dũng, Giám đốc Công ty du lịch Thiên Niên Kỷ cho rằng nhà nước “đừng có làm một mình mà phải tính đến việc xã hội hóa”. Theo đó, trước khi làm phải đề ra lộ trình cụ thể, tổ chức cho đoàn các doanh nghiệp lữ hành, kinh doanh dịch vụ, kể cả đại diện cộng đồng dân cư… đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm, mô hình hoạt động của phố đi bộ ở một số nước trong khu vực.
“Hầu hết các doanh nghiệp đều có khả năng tự bỏ tiền ra để đi, nhưng đi chung sẽ có tiếng nói chung, đồng thuận hơn. Thật sự khi mới nghe nói thôi thì ai cũng muốn có phố đi bộ rồi nhưng lộ trình làm cần thông báo rõ ràng, tránh khỏi chuyện bị sốc”, ông Dũng nói và đề nghị trước mắt cần thông báo cấm ô tô lưu thông vào khu phố Tây, sau đó tiến tới cấm các loại phương tiện khác theo khung giờ phù hợp, tránh đảo lộn sinh hoạt của cư dân sở tại.
“Lập phố đi bộ thì chắc chắn ai cũng thấy là phải làm rồi. Vấn đề là sự đồng thuận, hài hòa lợi ích giữa các doanh nghiệp với người dân sở tại thì mới phát triển bền vững được, chứ người dân không đồng thuận thì rất phiền”, ông Dũng nói thêm.
Đảm bảo sự đồng lòng tham gia của cộng đồng dân cư
Khu phố Tây nhiều năm nay là nơi thu hút, tập trung nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, lưu trú dưới loại hình du lịch Tây ba lô, trở thành một thương hiệu du lịch cho TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung. Theo UBND phường Phạm Ngũ Lão, hằng ngày bình quân có 500 du khách nước ngoài đến lưu trú, cao điểm lên đến 1.000 - 1.200 du khách. Riêng đường Bùi Viện là nơi tập trung đông số lượng khách về đêm. Cơ sở kinh doanh dịch vụ đa phần hoạt động 24/24 và xuyên suốt quanh năm. Vào các dịp như halloween, tết dương lịch có hàng ngàn lượt du khách đến vui chơi.
Chỉ tính riêng đoạn Bùi Viện (từ ngã 4 Đề Thàm đến ngã 3 Đỗ Quang Đẩu) có đến 23 khách sạn, 25 cơ sở kinh doanh quán ăn, 15 cơ sở kinh doanh cà phê, giải khát, 33 cơ sở kinh doanh quà lưu niệm, 14 quán bar, 12 cửa hàng dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, 8 cơ sở dịch vụ lữ hành, 7 cửa hàng tiện lợi… Ngoài ra còn có 2 chung cư, nhà dân với khoảng 1.000 nhân khẩu.
“Về giải quyết chỗ để xe máy, với xe của khách thì dự kiến để ở công viên 23.9, ngã ba Phạm Ngũ Lão và Đề Thám, còn xe của cư dân sở tại thì được cung cấp logo dán trên xe để phân biệt và được ưu tiên vào ra phố đi bộ một cách phù hợp”, Chủ tịch UBND phường Phạm Ngũ Lão, ông Lê Tấn Đạt cho biết.
Theo Phó chủ tịch UBND quận 1 Nguyễn Thị Thu Hường, việc lập phố đi bộ ở khu phố Tây đảm bảo sự đồng lòng tham gia của cộng đồng dân cư, các tổ chức xã hội và doanh nghiệp trong khu vực để xây dựng nếp sống văn minh đô thị, nâng cao giá trị hình ảnh khu phố hoạt động du lịch chuyên nghiệp, giảm thiểu và tiến đến xóa bỏ hình ảnh mất trật tự cũng như sự thiếu an toàn cho du khách. Trong tuần tới quận 1 và Sở Du lịch họp bàn để tính toán lộ trình thực hiện cụ thể.
Ông Cao Thanh Bình, Phó trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND TP.HCM, nói: “Lập phố đi bộ là chuyện rất cần phải làm và làm ngay”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.