Sài gòn chuyện đời của phố: Tiệm cho thuê sách, dấu ấn một thời

Ở Sài Gòn, không biết chắc khi nào có các tiệm sách, nhà sách cho thuê nhưng chắc chắn là trước 1954 đã có loại hình này rồi.

Ở Sài Gòn, không biết chắc khi nào có các tiệm sách, nhà sách cho thuê nhưng chắc chắn là trước 1954 đã có loại hình này rồi.

Sách cho thuê có sức cuốn hút rất lớn với dân Sài Gòn ghiền đọc sách - Ảnh: P.C.LSách cho thuê có sức cuốn hút rất lớn với dân Sài Gòn ghiền đọc sách - Ảnh: P.C.L
Các tiệm cho thuê sách tồn tại song song với các nhà bán sách, đáp ứng rất tốt nhu cầu của người mê đọc sách nhưng ngân quỹ eo hẹp. Theo ước tính trên báo Thời Nay ra ngày 7.9.1974, đến thời điểm đó đã có khoảng 2 đến 4 ngàn tiệm cho thuê sách riêng ở Sài Gòn.
Trong một bài viết cũ thời blog còn phổ biến, một bác kể rằng trước phong trào di cư (tức năm 1954), việc cho thuê mướn sách đọc chỉ xuất hiện trước các cổng trường. Thuê bữa nay, ngày mai trả, giá chỉ vài cắc. Đến năm 1954, trên đường Nguyễn Kim có mở một tiệm cho thuê sách là dịch vụ chưa từng có ở vùng này. Tiệm cho thuê sách hiệu Thái Bình, do một phụ nữ người bắc trạc ngoài 40 làm chủ. Muốn thuê sách phải đặt tiền thế chân, khoảng 10 đồng một cuốn, tiền mướn 5 cắc.
Một tiệm cho thuê sách được cho là lâu đời có từ giữa thập niên 1950 tại Sài Gòn là tiệm Đức Hưng ở đường Trần Quang Khải, quận Nhứt. Tiệm này đáng nhớ vì có sáng kiến cắt các kỳ truyện kiếm hiệp của Kim Dung, Cổ Long, Từ Khánh Phụng đăng phơi-ơ-tông trên báo, đóng thành từng tập để cho thuê khi các truyện này chưa xuất bản thành sách, nên độc giả rất thích... Lúc đó, chỉ có khoảng 10 tiệm cho thuê sách ở cả Sài Gòn.
Tuy nhiên, tiệm cho thuê sách lớn nhất Sài Gòn có lẽ là tiệm Cảnh Hưng, ở đầu đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu), có tới năm tầng lầu chứa sách. Chủ tiệm sách là ông Huỳnh Công Đáng, một người Việt gốc Hoa rất am hiểu về sách. Đến năm 1971, số sách ông cho thuê đã lên tới 20 ngàn cuốn, đủ các thể loại.
Ở Phú Nhuận trước đây có hai tiệm sách trên đường Nguyễn Minh Chiếu (Nguyễn Trọng Tuyển ngày nay) ngay khu chợ Lò Đúc. Tiệm Tân Dân cũ kỹ từ các dãy tủ kệ đến diện mạo từng cuốn sách giấy đen ngòm vì mồ hôi tay bao độc giả thấm qua sau bao lần đọc. Chủ tiệm là một phụ nữ lớn tuổi không lập gia đình gốc miền Bắc, luôn nở nụ cười có nét móm duyên như Đức Mẹ. Tiệm Toàn Hiệp có chủ nhân là hai vợ chồng già là dân có học cùng ba người con, ai cũng hiểu biết về sách. Anh Hai của tôi khoảng năm 1961 đang học Trường Sư phạm, mỗi buổi chiều đều phải ra sạp báo gần trường học Chánh Tâm cũ của người Tàu góc đường Trương Tấn Bửu - Nguyễn Minh Chiếu (Trần Huy Liệu - Nguyễn Trọng Tuyển) để mua báo có đăng phơi-ơ-tông truyện chưởng Kim Dung cho ba tôi. Sau đó anh vọt xe ra mướn sách ở hai tiệm trên. Rõ là nếu không thuê sách để đọc thì cả nhà tôi không thể xem được nhiều sách như vậy. Sách về mỗi ngày, từ các cuốn trong bộ Z.28 của Người Thứ Tám, truyện chưởng Kim Dung cho hai ông anh. Tiểu thuyết của Bà Tùng Long, Nghiêm Lệ Quân, Bà Lan Phương cho má tôi đọc khi ngồi sạp ở chợ. Tiểu thuyết Quỳnh Dao như Xóm vắng, Bên bờ quạnh hiu, Hải Âu phi xứ, Dòng sông ly biệt cho bà chị đang học Luật. Phần tôi thì đọc truyện tranh Lucky Luke, Xì trum, Lữ Hân Phi Lục và truyện trong tủ sách Hoa Đỏ, Hoa Xanh... Với tốc độ đọc như vậy thì mua sách là điều nan giải. Chỉ có đi thuê như mọi người.
Sau này, khi biết nhà ai có tủ sách lớn từ trước 1975, tôi biết họ thuộc gia đình trung lưu trở lên mới kham nổi. Sài Gòn tuy được nơi khác xem là thành phố mải mê “làm ăn”, “ăn chơi” thâu đêm suốt sáng nhưng nhu cầu đọc sách báo thì ai cũng biết là rất lớn và đặc biệt là giới bình dân thích xem sách xem báo không thua ai.
Loại sách nào được ưa thích nhất ?
Đó là truyện chưởng Kim Dung. Các bộ truyện của ông không có tác giả nào của VN so nổi về số lượng độc giả hâm mộ. Theo tác giả An Phong tường thuật trên báo Thời Nay, riêng bộ bảy tập tiểu thuyết kiếm hiệp Cô gái Đồ Long (sau này dịch tên chính xác là Ỷ thiên đồ long ký) của Kim Dung, tiệm Cảnh Hưng đã mua tới 100 bộ để cho thuê. Riêng các truyện khác như Tiếu ngạo giang hồ, Lục mạch thần kiếm, mỗi tựa mua trên 10 bộ. Xếp sau truyện chưởng là loạt tiểu thuyết gián điệp Z.28 của Người Thứ Tám. Xếp sau sách gián điệp, có lẽ khó phân loại cho chính xác. Tuy nhiên, căn cứ vào số lần mướn nhiều thì nhà văn Việt được đọc nhiều nhất là Duyên Anh, rồi đến sách của nhóm Tự Lực Văn Đoàn.
Tuy nhiên, có khi hạnh phúc của người này là nỗi đau của người kia. Giới nhà văn cho là mình đang bị xâm hại quyền lợi. Một nhà văn gọi đích danh nghề cho thuê sách, hay cho mướn sách tùy theo người gọi là “hút máu văn sĩ”. Một nhà văn khác in thẳng lên trang sách đầu tiên của mình, cuốn Giờ ra chơi, hàng chữ “cấm cho thuê”.
Đến năm 1971, ước tính tiệm Cảnh Hưng thu được mỗi tháng khoảng 150 ngàn đồng thời ấy, một số tiền lớn. Các tiệm cho thuê sách tồn tại đến năm 1975 thì chấm dứt. Lúc đó, ngành làm ăn này đã phát triển tới hồi thịnh nhất. Đến chiến dịch thu gom văn hóa phẩm chế độ cũ khoảng tháng 6.1975, các nhà bán lẻ sách và tiệm cho thuê sách của tư nhân ngưng hoạt động, sách bị thu gom.
Trên báo Tiền Phong ra ngày 24.6.1975, tác giả Kim Nguyên cho biết tiệm Cảnh Hưng đã nộp cho đội công tác sinh viên, học sinh Trường Trí Đức 36 ngàn cuốn sách các loại. Hai tiệm sách ở chợ Lò Đúc gần nhà tôi cũng bị dẹp. Lúc đó, người dân mới biết tiệm Tân Dân lâu nay chính là cơ sở hoạt động bí mật của chế độ mới.
Khoảng đầu thập niên 1990, loại hình kinh doanh cho thuê sách hoạt động trở lại và tồn tại cho đến ngày nay nhưng không còn trở lại thời hoàng kim như trước kia nữa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.