Sài Gòn cuối năm, dòng nước mắt khi chợ hoa tàn cuộc

08/02/2016 14:28 GMT+7

Trong tiếng rè rè của xe rác ép đi những cành đào nở đón mùa xuân, nước mắt của những người trồng hoa đã rơi, họ đã ngồi bệt xuống lề đường và quay về hướng khác, giấu đi đôi mắt ráo hoảnh và nỗi lòng nặng trịch.

Trưa 29 tết, tôi dạo quanh công viên 23.9 ở trung tâm TP.HCM ghi nhận tình hình mua bán hoa Tết. Công viên quy định đúng 12 giờ trưa mọi gian hàng phải ngừng hoạt động, trả lại mặt bằng để ban tổ chức dọn dẹp đón chào năm mới. Tới những giờ phút chót của cuộc bán buôn, người mua đổ ập đến ngã giá, thậm chí đến tận xe rác để chở bông về, người bán ngồi bệt xuống đường, bật khóc.
Đào được chất lên xe rác để nghiền nát - Ảnh: Bùi Thư 
Nhiều người buôn đào cho biết tết năm nay khó khăn, có người kêu lỗ vốn từ 50 triệu trở lên. Tới cuối giờ, khi loa phát thanh của công viên vẫn đều đều nhắc: “Ban tổ chức chúng tôi xin thông báo đúng 12 giờ trưa sẽ tiến hành giải tán chợ hoa. Đề nghị mọi người sắp xếp trả mặt bằng để chào đón năm mới”, chủ các gian hàng bán hoa mếu máo vì tất cả vốn liếng, công sức mấy năm trời chăm sóc nên được một cây hoa giờ phải bỏ lên xe rác, nghiền nát.
Nhiều cây đào gốc to, có giá tới 6, 7 triệu đồng cũng chịu chung cảnh ngộ. Một anh trật tự đô thị chạy tới một chủ hàng hỏi sao chú không thuê xe chở hết về, ông Thành – quê Tiền Giang nhập đào từ ngoài bắc vào - lắc đầu: “Bây giờ chỉ còn tiền để mình về, tiền đâu nữa mà mang hoa về chú ơi”. Rồi ông im bặt, lẳng lặng nhìn từng chậu hoa bị xốc lên xe, tiếng máy ép rè rè cán nát từng cành đào có những nụ đã nở hoa. Số đào đó, nếu không bị cho vào xe rác, đêm giao thừa chắc sẽ nở hồng cả một góc nhà.
Chỉ khoảng 30 phút sau đó, người dân đi ngang thấy cảnh đào chất đống, đổ nát liền tấp vào. Người chèo kéo, người xin xỏ, đủ mọi xúc cảm diễn ra trong khoảnh khắc những bông hoa đào hồng rực dưới ánh nắng gay gắt của Sài Gòn sắp bị nghiền nát trong máy ép rác.
Tôi đã tự hỏi, tấm lòng ở đâu trong mùa xuân này, khi người nông dân của mình bật khóc vì phải bán đứt cây hoa trị giá 600.000-700.000 đồng còn những người trụ lại Sài Gòn đón tết lại đổ xô đi giật từng chậu hoa phía dưới xe rác?
Hàng chục cây đào bán không hết nằm la liệt, người dân đến lấy đem về chứ không mua - Ảnh: Bùi Thư
Người dân tấp vào ngày càng đông. Người xin, kẻ canh chừng không ai để ý liền giật một chậu đem lên xe rồi dọt đi. Các chủ vườn thấy liền chạy theo, đòi lại, mặt méo xệch đi và cay đắng: “Tôi thà liệng hết lên xe rác, nhìn nó ép nát còn hơn để người ta mang về. Tôi bán 50.000 đồng/cây còn không mua, giờ chờ đến lúc này thì nhào đến giật”.
Một anh nhân công vệ sinh, người chất từng cây đào lên xe, lắc đầu ngao ngán: “Chủ vườn đã khổ, ép giá làm gì có mấy chục ngàn ngày cuối năm. Không ngó coi người ta khổ như thế nào”.
Phía bên kia, những người bán mai cũng chật vật khi lực lượng trật tự đô thị, bảo vệ công viên nhào đến bắt dọn dẹp. Một anh trật tự đô thị quát: “Dọn lẹ không tôi cho xe tới hốt đi hết bây giờ”, rồi ông bảo vệ đi đến chỗ anh chủ bán mai yêu cầu dọn nhanh để ông thực hiện nhiệm vụ. Anh chủ bán mai liền dúi vào tay người bảo vệ 500.000 đồng để xin ít phút vì giờ cuối người dân đổ đến mua đông quá, biết đâu còn hy vọng kiếm thêm đủ tiền xăng chở mai về bãi.
Nhưng hy vọng nào có, khi những người đến mua giờ phút cuối cùng đều có tâm lý muốn ép giá, mua được mai đẹp, giá rẻ về chưng trong nhà. Người chủ vườn lúc này như nô lệ chịu một ách hai tròng: bỏ tiền ra để xin thêm vài phút mua bán nhưng lại giảm giá, chấp nhận bao luôn công chở để khách chịu mua.

Sài Gòn, nơi có đủ thứ miễn phí: đánh giày, bơm vá xe, bánh mì, quà tết và nhiều thứ khác, vậy mà sao không có nổi một tấm lòng miễn đi tâm lý thích rẻ, thích mua được món hời và thậm chí mót và hôi hoa đến giờ phút cuối của một năm.

Trong tiếng rè rè của xe rác ép đi những cành đào nở đón mùa xuân, nước mắt của những người trồng hoa đã rơi, họ đã ngồi bệt xuống lề đường và quay về hướng khác, giấu đi đôi mắt ráo hoảnh và nỗi lòng nặng trịch.
Như ông Lê Văn Phố, người tôi đã trò chuyện, bảo: “Coi như năm nay không có tết, một cây đào ở nhà mình còn không có, ở đây thì phải đổ đi. Mình cho mà có người còn bảo đem về lấy củi nấu bánh chưng hay chi. Đau lắm”. Rồi ông thất thểu bước đi, bảo ra nhà vệ sinh công cộng tắm cho sạch sẽ lên ga về với gia đình.
Tết này, có những gia đình đã không có mùa xuân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.