Sài Gòn sống chung với triều cường - Bài 2: Nghèo vì chống ngập

10/11/2010 09:19 GMT+7

(TNO) "Tui mới vừa vay tiền để nâng nền nhà, nợ cũ chưa trả xong thì sắp phải đẻ thêm nợ mới để nâng nhà tiếp, vì nước triều cường ngập cao không ngờ...". Đó là tâm sự của ông Tám, 60 tuổi, ngụ ở đường Phạm Thế Hiển, Q.8, TP.HCM. >> Bài 1: Nhà nhà xây "đê

Không chịu thua những cơn triều cường hung hãn, nhiều người dân đã đối phó bằng cách nâng cao nền nhà của mình để chống chọi. Nhưng đó là điều nhiều người muốn, còn việc thực hiện thì lắm gian nan. 

"Phép Sơn Tinh" cũng chào thua...

Phường 7 và phường 8 trên trục đường Phạm Thế Hiển (Q.8) ngăn cách nhau chỉ bằng một chiếc cầu, nhưng nếu phường 8 ít ngập thì phường 7 lại ngập nặng thường xuyên trong những đợt triều cường, đặc biệt là thời điểm triều cường diễn biến phức tạp như nhiều ngày qua.

Nhà ông Tám nói trên thuộc phường 7 và cũng giống như nhiều gia đình khác, những ngày gần đây, ông Tám phải đau khổ đối phó với các đợt triều cường liên tục xảy ra.


Nước ngập tràn lan vào nhà ông Tám - Ảnh: Trí Quang

Mực nước ngoài đường cao hơn nhà ông Tám hơn 10 cm, nên lúc nào, cạnh cổng nhà ông cũng để sẵn hàng chục bao cát. Hễ nước lên lúc nào thì chắn bao cát ngăn nước ngay lúc đó.
 
Ông Tám cho biết, các tủ đồ bằng gỗ trong nhà ngâm nước lâu ngày bị bong tróc hàng loạt. Ngoài ra, nước triều cường cũng làm hư hại nhiều vật dụng, thiết bị có giá trị khác.


Hết ông tát nước, rồi đến cháu tiếp sức - Ảnh: Trí Quang

Song ông Tám chẳng thể chuyển đồ đi đâu được vì không gian nhà quá chật hẹp.

"Bị ngập hoài nên nhiều lúc tui bỏ luôn, khỏi tát nước, để khi nào nước rút thì lau nhà lại. Chẳng hạn mùa này đi, nước ngập ngày hai lần, mình vừa tát nước xong, nước lại ứ lên tiếp, nếu tát nữa thì hơi sức đâu chịu nổi", ông Tám than vãn.


Ông Tám đang tính vay tiền thêm để nâng tiếp nền nhà lần nữa - Ảnh: Trí Quang

Cách đây không lâu, ông Tám vay tiền nâng nền và trần nhà để tránh ngập. Nhưng mấy tháng gần đây, triều cường ngày càng dâng cao. Ông đang tính phải vay thêm tiền để sửa lại nền nhà lần nữa, trong khi còn chưa trả xong khoản nợ cũ.

"Tự cứu mình" và chờ đợi...

Nhà ở cá nhân như ông Tám còn có cơ hội nâng nền tránh ngập, song, đối với người dân sống tại các khu chung cư, muốn nâng nhà không phải chuyện dễ. Chị Võ Thị Minh Trang, chủ nhà số 039 chung cư Thanh Đa (Q.Bình Thạnh) là một trong những trường hợp như thế.


Nhà chị Trang không thể nâng nền lên được nữa vì trần nhà quá thấp và nhà chị thuộc tầng trệt của chung cư Thanh Đa - Ảnh: Trí Quang

Nhà chị nằm ở tầng trệt của chung cư. Trước đây, cứ mỗi đợt triều cường, nhà chị đều bị ngập.

Chị Trang quyết định nâng nền, trong khi không thể nâng trần nhà. Điều này đồng nghĩa với việc thu hẹp đáng kể chiều cao giữa nền và trần, do vậy muốn nâng thêm nền là chuyện không thể.

"Nếu đợt này nâng tiếp nền nhà thì trần nhà thấp lắm, ở không tiện. Tôi đành phải gắn tạm tấm chắn bằng gỗ để ngăn nước bớt", chị Trang nói.
 
Trong khi đó, chị Lê Thị Liên, sống ở lô A cùng chung cư này thì kêu khổ vì nước triều cường gần đây lên xuống rất "hỗn", báo hại nhà chị ngập từ trong ra ngoài suốt nhiều ngày liền.

 
Nhà chị Liên phải kê hai tấm ván cao 1 mét mới đủ sức chặn nước triều cường - Ảnh: Trí Quang

"Lúc trước mỗi tháng chỉ đối phó với hai lần triều cường, nhưng dạo này không hiểu sao nước ngập liên tục. Mỗi lần có xe lô tô hay xe máy chạy nhanh qua trước nhà, nước "nhảy" qua vách ngăn ào ào, cả nhà tôi tát không xuể", chị Liên kể.

Để đỡ tát nước, nhà chị Liên phải phân công nhau ra đứng ngoài đường trước nhà, hễ thấy xe nào chạy tốc độ nhanh thì yêu cầu họ chạy chậm lại. 

Mấy hôm nay, máy bơm ở khu chung cư trên bị vô hiệu hóa do cống thoát nước ngập rác, làm tắc nghẽn đường bơm. Do vậy, nước càng dâng cao hơn bình thường, nhà dân càng khốn đốn.

Chị Liên cho hay, nước không chỉ xâm lấn từ bên ngoài mà còn ứ lên từ khắp các ngóc ngách trong nhà, thậm chí là từ bồn rửa chén vốn nằm trên cao, gây hư hại nhiều đồ đạc. 


Trước chung cư Thanh Đa (Q.Bình Thạnh) ngập nặng mỗi khi triều cường lên - Ảnh: Trí Quang

Những gia đình hứng chịu nạn ngập úng sớm nhất ở khu Thanh Đa chính là các hộ tại khu sạt lở, nằm dưới chân cầu Kinh.

Do không thể xây dựng nhà kiên cố trên đất giải tỏa, nên người dân khu này phải sống trong điều kiện hết sức tệ hại mỗi khi nước triều dâng lên, đặc biệt là các nhà sát bờ sông. 

 
Hầu hết các nhà sát bờ sông ở dưới chân cầu Kinh Thanh Đa đều khốn đốn mỗi khi nước dâng - Ảnh: Trí Quang

Đáng thương và cám cảnh nhất là các em nhỏ ở khu này. Mỗi tối học bài, các em phải ngồi cặm cụi giữa biển nước lênh láng khắp phòng.

Mấy hồ nuôi tôm giống của nhà chị Hằng, tại khu vực trên, cũng bị nước triều cường xâm lấn suốt nhiều ngày qua, buộc chị phải xây cao miệng hồ lên thêm 20 cm. 


Người dân đang tự mình đối phó với triều cường - Ảnh: Trí Quang

Có chứng kiến cảnh người dân TP.HCM thức trắng cùng triều cường và tát nước vã mồ hôi mới có cảm giác như từng gia đình phải đơn độc chống chọi với nạn "con nước lên xuống" ngày càng cao.

Thật khó hình dung giữa một đô thị to lớn và hiện đại nhất cả nước như TP.HCM lại phải chịu cảnh bị triều cường "tàn phá"? 

Người dân vùng triều cường đang "tự cứu mình" và chờ đợi những biện pháp căn cơ, hiệu quả từ cơ quan chức năng.

Vẫn có tín hiệu vui

Năm 2007, khu vực nội thành TP.HCM có đến 92 điểm ngập do triều cường, lúc đó đỉnh triều chỉ có 1,47m.

Tuy nhiên, chiều tối 8.11 vừa qua, đỉnh triều 1,50m mà chỉ ngập có 12 tuyến đường và sáng 9.11 chỉ còn ngập 7 tuyến đường khi đỉnh triều ở mức 1,49m. Các tuyến đường trước đây ngập nặng do triều cường như Nguyễn Hữu Cảnh, Ung Văn Khiêm, các con đường trong khu Văn Thánh (Q.Bình Thạnh)… đã giảm ngập đáng kể là nhờ vào... van một chiều. 

Đối với khu vực nội thành, giải pháp cấp bách đã và đang áp dụng là lắp van một chiều để ngăn triều cường tại các miệng cống xả, giúp giảm và xóa ngập tại nhiều khu vực. Các van này tự động đóng lại khi triều cường lên và tự động mở ra khi triều rút. Tính từ khi bắt đầu thực hiện giải pháp này vào tháng 10.2008 đến nay, đã có 319 van một chiều được lắp. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, Trung tâm Chống ngập sẽ lắp thêm 131 van nữa, trên khu vực các quận 1, 5, 7 và H.Nhà Bè.

Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, Trung tâm Chống ngập sẽ lắp thêm 131 van nữa, trên khu vực các quận 1, 5, 7 và H.Nhà Bè. (Mai Vọng)

(Còn tiếp)

Trí Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.