Sài Gòn sống chung với triều cường - Bài 4: Chống ngập bằng "hồ điều tiết"

12/11/2010 08:17 GMT+7

(TNO) Không chỉ lên xuống theo con trăng, triều cường tại TP.HCM còn đang bị tác động bởi nhiều nguyên nhân. >> Bài 3: Đỉnh triều còn tăng >> Bài 2: Nghèo vì chống ngập >> Bài 1: Nhà nhà xây "đê

Một trong những giải pháp mạnh để chống triều cường, chống ngập tại TP.HCM là xây hồ điều tiết phân tán tại các khu vực trên địa bàn thành phố. Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP.HCM đang đề xuất lập quy hoạch mạng lưới hồ điều tiết này.

Chống ngập, chống thế nào?

Theo Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP.HCM, tình trạng ngập lụt tại TP ngày càng trở nên trầm trọng.

Hiện nay có khoảng 100 điểm ngập trên toàn thành phố. Các điểm ngập không chỉ xảy ra tại các vùng trũng thấp mà còn phát sinh ở các vùng cao và các quận trung tâm.

Ngoài ra, do tác động của quá trình đô thị hóa thiếu kiểm soát, tình trạng san lấp các ao hồ, sông rạch và những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cục bộ và toàn cầu (vũ lượng mưa và mực nước cực trị không ngừng gia tăng) dẫn đến nguy cơ phát sinh những điểm ngập mới cũng như tái ngập những điểm cũ. 

Hiện nay thành phố đang triển khai các dự án nhằm giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường và ngập lụt đô thị, như: dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, dự án cải thiện môi trường nước lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé, dự án nâng cấp đô thị lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm…

Việc phát triển đô thị trên vùng cao có thể là tác nhân gây ngập cho các lưu vực thấp hơn liền kề nếu không có biện pháp ngăn ngừa. Một trong những yêu cầu cơ bản của việc quản lý ngập bền vững là không để cho những dự án phát triển ở những khu vực thuận lợi gây ảnh hưởng bất lợi cho những khu vực khác.

Hầu hết các dự án đã và đang được triển khai được tiếp cận theo giải pháp tiêu thoát nước mưa ra hệ thống sông rạch càng nhanh càng tốt.

Tuy nhiên, các thông số tính toán thiết kế (mưa, mực nước...) chưa tính đến những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và đô thị hóa. Kích thước các công trình được tính toán dựa theo những biến cố mưa triều lũ cực đoan đã xảy ra trong quá khứ.

Ảnh hưởng của đô thị hóa và biến đổi khí hậu thể hiện ngày càng rõ nét hơn trong thời gian vừa qua, những trận mưa có vũ lượng lớn hơn 90 mm xuất hiện ngày càng nhiều, mực nước triều tại trạm Phú An liên tiếp xuất hiện đỉnh lịch sử trong các năm 2008, 2009.

Những diễn biến bất thường của mưa, triều, lũ theo xu thế ngày càng bất lợi dẫn đến nguy cơ quá tải của các hệ thống thoát nước đang được thiết kế và xây dựng.

 
Người dân và cả vật nuôi điêu đứng quá lâu vì triều cường - Ảnh: D.Đ.Minh

Do đó, số điểm ngập cũng như thời gian và chiều sâu ngập trên địa bàn thành phố sẽ tăng lên và nghiêm trọng hơn, bất chấp các nỗ lực khắc phục, giảm nhẹ của các cơ quan quản lý.

Rất cần hồ điều tiết

Theo ông Nguyễn Ngọc Công, Phó giám đốc thường trực Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP, vai trò của hồ điều tiết là tiếp nhận nước mưa, điều hòa, chia sẻ khả năng tiêu thoát nước khi xảy ra mưa vượt quá tần suất thiết kế của hệ thống cống thoát nước.  

Những dự án xóa ngập của TP.HCM

TP.HCM đang triển khai hai dự án quy hoạch nhằm giải quyết cơ bản ngập nước, đó là Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước thành phố đến năm 2020 theo Quyết định 752/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước) và Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực thành phố theo Quyết định 1547/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (xây dựng hệ thống cống kiểm soát triều, hệ thống đê bao dọc sông Sài Gòn…, cải tạo các trục tiêu thoát nước chính).

Có năm dự án liên quan đến chống ngập đang được triển khai, gồm: dự án Cải thiện môi trường nước TP lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi Tẻ; dự án Vệ sinh môi trường nước lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè; dự án Nâng cấp đô thị; Dự án tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên; các tiểu dự án thuộc lưu vực rạch Hàng Bàng.

Tại thời điểm xảy ra mưa lớn, kết hợp với triều cường, lượng nước mưa không tiêu thoát được sẽ tích trữ tạm thời trong hồ và được thoát ra sông rạch ngay sau đó.

Ông Công cho hay, giải pháp sử dụng hồ điều tiết tuy chưa được sử dụng rộng rãi tại TP. HCM nhưng đã được áp dụng thành công tại các đô thị lớn ở Nhật Bản, Hà Lan, và các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia...

Tại nhiều nước, người ta còn xây dựng hệ thống hồ điều tiết ngầm dưới đất để chứa nước mưa - một trong những giải pháp chống ngập lụt cho đô thị để thích ứng với biến đổi khí hậu, ông Công cho biết.

Ngoài mục đích trữ nước chống ngập, theo ông Công, hồ điều tiết còn được xem là giải pháp hiệu quả nhằm cải thiện môi trường, tăng mỹ quan đô thị cho thành phố, khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước mưa.

Thời gian qua, quá trình đô thị hóa đã biến địa hình thành phố thành những khối bêtông thu nhiệt, làm cho nhiệt độ nóng hơn bình thường. Hơi nước, cây xanh xung quanh các hồ điều tiết sẽ giúp giảm sự nóng bức, thoáng mát hơn cho nhiều khu vực của thành phố.

Chưa hết, tận dụng nguồn nước từ các hồ điều tiết này có thể còn phục vụ cho công tác phòng cháy chữa cháy, cấp nước, tưới nước cho cây xanh, và bổ cập nguồn nước dưới đất đang bị khai thác quá mức như hiện nay.

Gia tăng khả năng tự điều tiết

Hiện nay, các khu vực dân cư mới không ngừng gia tăng, khả năng xuất hiện những điểm ngập mới là chắc chắn. Ngoài ra, các hệ thống thoát nước mới được xây dựng sẽ không đảm bảo chu kỳ tràn cống được thiết kế trong thời gian tới do vũ lượng mưa ngày càng tăng dần.

Nghiên cứu đối với lưu vực Tân Hóa-Lò Gốm và Nhiêu Lộc-Thị Nghè cho thấy giải pháp hữu hiệu nhất là gia tăng khả năng tự điều tiết của lưu vực.

 
Đê bao chống triều cường - một trong những giải pháp chống ngập - Ảnh: D.Đ.Minh

Mỗi dự án phát triển đô thị nên đảm bảo yêu cầu không làm phát sinh dòng chảy tràn thặng dư hay góp phần làm dâng mực nước sông hoặc làm giảm đi khả năng thoát nước của lưu vực.

Giải quyết hậu quả của việc phát sinh điểm ngập mới ở các khu vực đã đô thị hóa là điều rất phức tạp và tốn kém nên tốt nhất nên chủ động giải quyết vấn đề từ lúc chưa phát sinh tình trạng ngập.

Việc định cư trên những khu vực thấp làm gia tăng nguy cơ bị ngập. Trong trường hợp xét thấy việc định cư này là cần thiết, thì cần phải nhấn mạnh quan điểm thích nghi cho cư dân để họ chủ động tổ chức cuộc sống.

Mặc dù chưa thể kết luận chính xác những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với hệ thống thoát nước, nhưng các kịch bản biến đổi khí hậu do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố, cho thấy có những bất lợi rất lớn và thiệt hại nghiêm trọng có thể xảy ra với TP.HCM.

Để ứng phó với biến đổi khí hậu, việc chủ động bổ sung các không gian điều tiết trong quá trình chỉnh trang đô thị là rất cần thiết, nếu không nói là giải pháp duy nhất thay vì ứng phó bằng giải pháp công trình với quy mô xác định.

Nhược điểm của các giải pháp công trình này là hoàn toàn bị động, thiếu tính chắc chắn và linh động khi ứng phó với những diễn biến cực đoan của mưa triều, lũ trong tương lai. Vì vậy, cần phải sử dụng các giải pháp linh hoạt, mềm dẻo, nhằm bổ sung những khiếm khuyết và chưa phù hợp của giải pháp “cứng”.

Như vậy, để giải quyết giảm ngập và ứng phó kịp thời với những biến đổi khí hậu, trong tương lai cần thiết phải lập quy hoạch tổng thể mạng lưới hồ điều tiết phân tán cho khu vực TP.HCM.


Với nhiều giải pháp ngắn và dài hạn của thành phố, hy vọng người dân không còn cảnh phải chống chọi với ngập do triều cường - Ảnh: D.Đ.Minh

Mai Vọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.