Theo AP, Samsung Electronics hôm 15.3 cho biết dự kiến đầu tư 300.000 tỉ won (khoảng 230 tỉ USD) trong 20 năm tới để xây dựng cơ sở sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới gần thủ đô Seoul. Cụ thể, cụm sản xuất chip sẽ được thành lập tại tỉnh Gyeonggi đến năm 2042, với 5 nhà máy bán dẫn mới.
Theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, cơ sở này nhằm mục đích thu hút 150 công ty sản xuất vật liệu và linh kiện hoặc thiết kế chip công nghệ cao. Các nhà máy mới của Samsung sẽ được đặt gần các nhà máy hiện tại ở trong nước và sẽ sản xuất cả chip bộ nhớ dùng để lưu trữ dữ liệu, cùng với chip logic biên độ cao hơn để thực hiện nhiều chức năng hơn.
Là gã khổng lồ trong lĩnh vực kinh doanh chip bộ nhớ toàn cầu, Samsung đang cố gắng mở rộng sự hiện diện của mình trong lĩnh vực bán dẫn tiên tiến, với dự đoán nhu cầu sẽ tăng cao trong những năm tới song hành cùng việc áp dụng các công nghệ mới như mạng không dây 5G, trí tuệ nhân tạo (AI) và ô tô tự lái.
Cụm sản xuất chất bán dẫn là một phần trong kế hoạch lớn hơn của chính phủ Hàn Quốc được công bố hôm 15.3, nhằm thúc đẩy 6 ngành công nghệ chủ chốt mà nước này coi là quan trọng nhất đối với nền kinh tế vốn phụ thuộc vào xuất khẩu. Bên cạnh chất bán dẫn, kế hoạch còn bao gồm pin sạc, xe điện, người máy, màn hình và công nghệ sinh học. Chính phủ Hàn Quốc hy vọng sẽ thu hút được 550.000 tỉ won đầu tư vào các dự án đó cho đến năm 2026.
Kế hoạch nêu trên được Hàn Quốc đưa ra khi các cường quốc công nghệ khác, bao gồm Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc, đang chạy đua xây dựng cơ sở sản xuất chip trong nước, triển khai nhiều biện pháp bảo hộ, cắt giảm thuế và trợ cấp lớn để thu hút đầu tư ngành bán dẫn.
Trong cuộc họp với các nhà hoạch định chính sách kinh tế và lãnh đạo doanh nghiệp hôm 15.3, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã mô tả các ngành công nghệ là "động cơ tăng trưởng kinh tế quan trọng, an ninh và tài sản chiến lược của đất nước, liên quan trực tiếp đến tạo việc làm và sinh kế".
Tuy nhiên, dù có kế hoạch đầu tư lớn, nhưng Samsung đã chứng kiến lợi nhuận giảm mạnh trong những tháng gần đây do nền kinh tế toàn cầu suy yếu, ảnh hưởng bởi chiến sự Nga - Ukraine và lạm phát cao, làm giảm nhu cầu đối với các sản phẩm điện tử tiêu dùng, chip nhớ. Lợi nhuận của công ty trong ba tháng tính đến tháng 12.2022 giảm gần 70%, một phần do giá chip giảm mạnh khi khách hàng điều chỉnh hàng tồn kho để phản ánh bất ổn kinh tế.
SK Hynix, nhà sản xuất chip lớn khác của Hàn Quốc, cũng báo cáo khoản lỗ hoạt động 1.700 tỷ won trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12.2022, đánh dấu khoản thâm hụt hằng quý đầu tiên kể từ năm 2012.
Bình luận (0)