Sân khấu VN có từ khi nào?

21/09/2010 00:15 GMT+7

Sân khấu Việt Nam đã trải qua nhiều chặng đường lịch sử thú vị. Nay chúng tôi chỉ xin lược trích những cột mốc lớn, chủ yếu tập trung ở sân khấu miền Nam.

Hát bội - rực rỡ một thời

Ở miền Bắc có lẽ hát chèo là loại hình nghệ thuật sân khấu cổ xưa nhất. Tương truyền, vua nhà Lý từng phong danh hiệu cao quý cho một nghệ sĩ chèo, gọi là Ưu Bà (hiểu nôm na như Nghệ sĩ Nhân dân bây giờ). Đến thời Trần Nhân Tông, nước ta diệt tan quân Nguyên, bắt sống nhiều tù binh, trong đó có Lý Nguyên Cát biết ca diễn theo nghệ thuật Trung Quốc, nên được yêu cầu dạy thêm cho người Việt. Sân khấu của ta đã có tuồng tích, múa hát rồi, nay chỉ thêm lối vẽ mặt, y phục và các điệu ca múa Trung Quốc nữa là ra một loại hình mới, chính là hát bội. Sau này, nhiều người Trung Quốc có dịp xem hát bội Việt Nam, thấy na ná Kinh kịch của họ, nhưng không hề giống, mà đã mang chất Việt rất nhiều. Hát bội được cả triều đình và dân gian sủng ái.

Đến thời vua Lê Thái Tông, Lê Thánh Tông, hát bội bị đuổi ra khỏi hoàng cung, chỉ còn lại trong dân gian mà thôi. Vua còn ra lệnh cấm con cái nhà hát xướng đi thi. Cho nên về sau, ông Đào Duy Từ là một tài năng xuất chúng về văn chương lẫn binh lược nhưng vì là con nhà hát xướng đã không được đi thi dưới thời chúa Trịnh, phải bôn ba vào Nam đầu quân cho chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Ông không chỉ giúp chúa Nguyễn nhiều lần đánh thắng chúa Trịnh mà còn đem hát bội phát triển rực rỡ ở Bình Định và cả miền Trung, nên ông được xem là tổ của hát bội. Hát bội miền Bắc suy tàn, thì hát bội miền Trung và miền Nam ngày càng thịnh vượng. Và hát bội cũng tiếp thu ảnh hưởng văn hóa Chăm, văn hóa hát Tiều, hát Quảng của người Hoa. Sang thời vua Tự Đức, xứ Bình Định lại xuất hiện một nhân tài hát bội, là ông Đào Tấn. Ông sáng tác và nhuận sắc nhiều tuồng tích rất hay, trong đó nổi tiếng nhất là vở Trầm Hương và San Hậu vẫn còn được diễn đến tận bây giờ.

Ở miền Nam hiện nay, NSND Đinh Bằng Phi được xem là cây đa cây đề của nghệ thuật hát bội. Ông rất đa năng, vừa biết ca, diễn, vừa viết kịch bản, vừa nghiên cứu, giảng dạy về hát bội tại trường Quốc gia m nhạc Sài Gòn trước 1975, và trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM sau 1975.

Hát bội đã đóng vai trò chính trong đời sống văn nghệ miền Nam nửa cuối thế kỷ 20. Hỏi bất kỳ một người trung niên nào thì ký ức của họ đều có dấu ấn tuyệt đẹp của hát bội. Bởi hát bội gắn chặt với cây đa, bến nước, đình làng, với hội hè thôn xóm nghĩa tình, với tuổi thơ trong trẻo nơi chốn quê nhà... Hát bội dạy cho người ta sống trung hiếu tiết nghĩa, những bài học đạo đức nhẹ nhàng. Khoảng 15 năm nay, hát bội phải nhường bước cho các loại hình nghệ thuật hiện đại khác, lớp trẻ hầu như biết rất ít về hát bội. Nhưng may mắn là lễ hội cúng đình được khôi phục, làng xã nào mỗi năm cũng mời hát bội về diễn, nên loại hình này vẫn còn sống được.

Từ đờn ca tài tử đến cải lương

Theo GS Trần Văn Khê, đờn ca tài tử hình thành ở Nam Bộ vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Phong trào Cần Vương tan rã tại miền Trung, nhiều thân sĩ phải chạy vào Nam lánh nạn, trong đó nhiều người đàn hát rất giỏi, hoặc từng phục vụ trong ban nhạc triều đình Huế. Họ mang theo nỗi niềm gửi gắm vào tiếng nhạc lời ca. Ban đầu, nét nhạc còn nhiều chất cung đình, chỉ dành biểu diễn trong các cuộc lễ, đình đám, gọi là nhạc lễ. Sau, họ dần dần tiếp thu khí chất người miền Nam phóng khoáng, tạo nên những nét nhạc mới, gọi là nhạc tài tử. Vừa phóng khoáng, vừa u hoài, vừa vui tươi mạnh mẽ gầy dựng cuộc sống mới, cũng vừa thương cảm xót xa cho thân phận, quê hương, cho nên làn điệu trong nhạc tài tử rất phong phú. Có hàng trăm bài bản, nhưng 20 bài cơ bản nhất gọi là 20 bài tổ (3 Nam, 6 Bắc, 4 Oán, 7 Lễ) thì nghệ sĩ, nghệ nhân phải thuộc nằm lòng.

Nhạc sư Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi) được tôn thờ và được làm lễ cúng hằng năm rất long trọng. Ông là quan nhạc của triều đình nhà Nguyễn, chạy vào Nam sinh sống, sau đào tạo rất nhiều học trò giỏi khắp vùng miền Tây, miền Đông Nam Bộ và Sài Gòn. Ông còn sáng tác nhiều bài bản mới, và hệ thống 20 bài bản tổ cho nhạc tài tử. Bên cạnh đó còn có những tên tuổi lớn khác như nhạc sư Lê Tài Khị, Nguyễn Tống Triều, Kinh Lịch Quờn...

Đờn ca tài tử rộ khắp miền Nam, và Mỹ Tho là giao lộ quan trọng nối Sài Gòn với lục tỉnh Nam kỳ, cũng là trung tâm sản sinh ra những tài năng nghệ thuật. Khoảng 1916, ông Tống Hữu Định là một thân sĩ tiếng tăm của Vĩnh Long, lại ham mê văn nghệ, tình cờ ghé Mỹ Tho thấy ban nhạc nổi tiếng Tư Triều trình diễn nhạc tài tử với bài Bùi Kiệm - Nguyệt Nga hay quá, bèn đem về Vĩnh Long cải cách lại. Ông cho ba người đóng vai Bùi Kiệm, Bùi Ông và Nguyệt Nga, ca xen kẽ nhau, lại ra bộ diễn chút ít, xem ra có kịch tính và sinh động hơn kiểu hát tài tử chỉ ngồi im một chỗ. Mọi người tán thưởng nhiệt liệt. Thế là năm 1917, gánh xiếc của thầy André Thận ở Sa Đéc trình diễn tiết mục này trước giờ diễn xiếc. Năm 1918, ông Năm Tú ở Mỹ Tho mua lại gánh của thầy Thận, nhờ ông Trương Duy Toản soạn thêm mấy tuồng nữa để trình diễn, và ra mắt ở Nhà hát Tây Sài Gòn vở Gia Long tẩu quốc. Năm 1920, gánh Tân Thịnh trương hai câu đối trước cửa rạp: “Cải cách hát ca theo tiến bộ - Lương truyền tuồng tích sánh văn minh”. Tên gọi cải lương mới có từ đó, và tuồng tích, y phục, cảnh trí cũng dần phong phú hơn, đầy đặn hơn những chập ca ra bộ trước kia. Như vậy, công lao khai sáng cải lương có thể nói thuộc về ông Tống Hữu Định, thầy André Thận, ông Năm Tú.

Cũng không thể bỏ qua soạn giả Trương Duy Toản, vì chính ông đã đóng góp phần quan trọng là kịch bản văn học. Ông sáng tác rất nhiều bài tài tử, nhưng đến bài Bùi Kiệm - Nguyệt Nga, Kim - Kiều hạnh ngộ thì đã đặt nền móng cho ca ra bộ vì có đối đáp, có chút kịch tính. Khi cộng tác với gánh của thầy André Thận, ông viết lại thành hai vở dài để biểu diễn là Lục Vân Tiên, Kim Vân Kiều. Cùng với Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền, ông là thầy tuồng hàng đầu của cải lương thời sơ khởi.

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.