Kịch dành cho trẻ em thiệt thòi

27/03/2007 22:31 GMT+7

Quỹ Phát triển và hợp tác quốc tế Thụy Điển (SIDA) thông qua Văn phòng Hiệp hội Sân khấu quốc tế Thụy Điển (ITI) vừa tài trợ kinh phí cho Nhà hát Tuổi trẻ (Hà Nội), Nhà hát Kịch TP.HCM và Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B TP.HCM thực hiện dự án Tiếng nói trẻ thơ (Children's Voice) nhằm tạo điều kiện thưởng thức sân khấu cho những trẻ em thiệt thòi. Ông Trần Khánh Hoàng (ảnh) - Giám đốc Nhà hát Kịch TP.HCM cho biết:

- Đại diện của SIDA và ITI đã tiến hành nhiều đợt khảo sát cũng như thu thập thông tin qua các chương trình hội thảo tổ chức tại Thụy Điển, Hà Nội. Sau khi nắm rõ tình hình hoạt động sân khấu cũng như mặt bằng văn hóa tại TP.HCM và Hà Nội, họ mới quyết định chọn các đơn vị phù hợp với mô hình và mục tiêu mà dự án muốn triển khai: những buổi biểu diễn gọn, nhẹ chứ không cần phải dựng những vở có quy mô lớn nhưng quan trọng là nắm bắt được tâm lý, nhu cầu của thiếu nhi và truyền tải tốt câu chuyện.

Họ rất thích mô hình sân khấu gần gũi, không cần micro như Sân khấu 5B và quan tâm đến những hoạt động biểu diễn mang tính định hướng giáo dục dành cho thiếu nhi của Nhà hát Kịch TP.HCM từ trước đến nay như: rối đen, liên hoan kịch ngắn thiếu nhi, đặc biệt là những chuyến lưu diễn ở vùng sâu, vùng xa. Đây là yếu tố giúp chúng tôi được chọn.

* Sắp tới, nhà hát sẽ triển khai thực hiện dự án này ra sao?

- Theo kế hoạch, mỗi năm SIDA thông qua ITI tài trợ kinh phí gần 700 triệu đồng cho nhà hát dàn dựng tác phẩm và trang trải cho các hoạt động dàn dựng, đào tạo, biểu diễn, khảo sát... với đối tượng chính là trẻ em thiệt thòi dưới 15 tuổi trên địa bàn TP.HCM. Ngoài ra, nhà hát cũng góp một phần vào nguồn kinh phí với số tiền trên 120 triệu đồng/năm dành cho chi phí quản lý, cơ sở vật chất, tuyển và huấn luyện đội ngũ thực hiện dự án.

Trước mắt trong năm 2007, các hoạt động chính của dự án gồm: đầu tư cho 2 tác giả để có kịch bản tốt sử dụng trong năm; dàn dựng 3 kịch bản về trẻ em với vấn đề bình đẳng giới, về trẻ em thiệt thòi, về đề tài các em yêu thích và 1 chương trình tổng hợp gồm các loại hình như: hát, múa rối. Dự kiến sẽ có 100 suất diễn phục vụ miễn phí cho trẻ em thiệt thòi ở vùng sâu vùng xa, trường học, các tổ chức xã hội trong 24 quận, huyện. Kết hợp trong các buổi diễn sẽ là hình thức "sân khấu diễn đàn" để các em đồng hành cùng vở diễn, nói lên suy nghĩ và tham gia giải quyết vấn đề theo ý các em. Có thể suất đầu tiên sẽ diễn thí điểm ở Bình Chánh vào đầu tháng 4 này. Hiện chúng tôi đang tổng hợp yêu cầu từ các đơn vị gửi về để phân bố các suất diễn hợp lý.

* Sau khi dự án kết thúc, nhà hát làm cách nào có thể "tự thân vận động" để duy trì các chương trình trên?

- Số tiền tài trợ trên là nguồn kinh phí ban đầu giúp chúng tôi ổn định, tập hợp lực lượng nghệ sĩ  để rồi trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ phải nỗ lực huy động thêm các nguồn tài trợ khác để tăng thêm kinh phí phát triển dự án và tiến tới "tự thân vận động" .

Vân Anh
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.