Sân khấu cải lương trong mắt ai ?

20/11/2004 16:04 GMT+7

Sân khấu cải lương đang tưng bừng trở lại với sự ra đời của nhiều nhóm nghệ sĩ, họ tập hợp với nhau, phục hồi một trung tâm cải lương lớn nhất nước là TP Hồ Chí Minh. Bây giờ đi ngang rạp Hưng Đạo, sẽ thấy ánh đèn rực rỡ... Và khán giả đang ngồi xem là những ai?

Ba vở cải lương ăn khách nhất hiện nay là Tình mẫu tử của nhóm U.50 (tác giả Viễn Châu, đạo diễn NSND Diệp Lang), Cung đàn nào cho em của nhóm Thắp sáng niềm tin (tác giả Huỳnh Anh, đạo diễn Hoa Hạ), và Xử bá đao Từ Hải Thọ của nhóm Vũ Luân. Tình mẫu tử đã diễn gần 30 suất, doanh thu hơn 500 triệu đồng, quá lý tưởng trong bối cảnh hiện nay. Khi Minh Vương vừa đi Mỹ, thì Trọng Hữu bèn thế vai. Chuyện chữ hiếu ngày xưa và ngày nay đều không khác. Một bà mẹ có 4 đứa con nhưng rốt cuộc chẳng sống yên với ai. Đứa con gái thì vô tâm vô tánh, ham cờ bạc. Ba thằng con trai, đứa sợ vợ, đứa giữ của, còn một đứa có hiếu nhưng lại đi tù. Khán giả sụt sùi thương cảm, và có dịp nhìn lại đạo lý của xã hội. Cung đàn nào cho em thì suất nào cũng trên 300 vé, tương đương với số ghế của IDECAF, thật đáng mừng. Chuyện cô Út Lượm quê mùa, nhờ giọng ca hay trở thành cô đào nổi tiếng, nhưng sớm phụ bạc tình nghĩa quê hương và người yêu thuở hàn vi. Sau bao thăng trầm, bị lừa gạt, cô mới thấm thía, và trở về với nghệ thuật chân chính cùng mối tình chân chất xưa.

Chị Lâm Thị Phước Giang - 43 tuổi, nhân viên Cục Thuế TP Hồ Chí Minh: Tôi thích cải lương, nhất là nghệ sĩ thế hệ trước, vì họ có giọng đặc trưng, nghe là biết ai liền. Nghệ sĩ bây giờ giọng na ná nhau, khó phân biệt. Kịch bản ngày trước cũng hay hơn, bố cục chặt chẽ, lời thoại đẹp, nghe thấm thía. Theo tôi, cải lương bây giờ tiết tấu phải nhanh hơn phù hợp với đời sống công nghiệp hóa. Nên chú trọng đạo đức nghệ sĩ, đừng mang bệnh ngôi sao, bởi một cá nhân cũng không hát được nguyên tuồng mà phải dựa vào tập thể. Khán giả không bỏ cải lương đâu, chỉ cần cải lương đáp ứng được những yêu cầu thời đại.

Tạ Anh Vũ - học sinh lớp 11 Trường PTTH Nguyễn Trãi: Cải lương có cái hay riêng, lớp trẻ cũng nên biết, chứ không lẽ mình chỉ thưởng thức nhạc trẻ, pop, rock, hip hop gì đó. Biết sản phẩm của nước ngoài, mà không biết qua sản phẩm nước mình, thấy... kỳ kỳ. Còn nếu "mê" luôn thì càng tốt. Có bạn chất giọng ca được nhạc trẻ, có bạn chất giọng chỉ ca được cải lương, cứ phát huy ưu thế, tội gì mà mắc cỡ.

Diệu Liên

Xử bá đao Từ Hải Thọ đã diễn suốt mấy năm mà vẫn đông khách. Cặp Vũ Luân - Tú Sương được khán giả yêu mến. Đây là vở tuồng cổ khá nhiều xung đột, cũng là nhân tình thế thái, và khai thác được chất giọng rất tốt của Vũ Luân.

Nhìn qua "kịch mục" ăn khách ấy, rồi nhìn lại khán giả đang đến xem, thấy có mối liên hệ mật thiết.

Những khán giả “ghiền” cải lương...

Thật sự thành phần khán giả đông nhất của cải lương vẫn là giới buôn bán, tiểu thương, lao động bình dân. Họ yêu cải lương một cách rất tự nhiên, như yêu những gì gần gũi quanh mình. Thế nên, họ tâm đắc chuyện trong gia đình, chuyện mẹ con, anh em, không cần triết lý xa xôi. Rồi bờ sông, cây cầu, mảnh ruộng, hàng dừa... Muốn một chút màu sắc rực rỡ thì họ xem tuồng cổ, với vũ điệu đẹp mắt, với áo quần lấp lánh, đủ thoát ra khỏi đời sống thực căng thẳng hằng ngày. Và khi đến rạp, họ cũng "tự nhiên" như... ở nhà. Có khi mặc đồ bộ, có khi mang quà bánh vào ăn vui vẻ, có khi dẫn con theo cho nó ngủ khì, có khi đeo vàng đầy tay như một cuộc "trình diễn" cùng người khác... Thật tình mà nói, nhìn họ đi coi hát thấy hào hứng lắm, rất có "không khí", có lẽ do ảnh hưởng của thói quen đi xem cúng đình, tự nhiên và đầy tính lễ hội.

Và "thần tượng" của họ là những nghệ sĩ "cũ", kịch bản cũ, thuộc thế hệ U.50. Cho nên NSƯT Lệ Thủy nói: "Chúng tôi vẫn chủ trương dựng lại tuồng cũ, như bảo tồn vậy. Và cũng thông cảm cho nghệ sĩ U.50, 60 trí nhớ kém, học tuồng mới lâu thuộc lắm. Thứ hai, sẽ mời thêm các nghệ sĩ khác tham gia, như chị Bạch Tuyết, anh Thanh Sang... để mọi người cùng góp mặt đông đủ. Thứ ba, dự định mỗi vai sẽ do hai nghệ sĩ đóng, như vậy chia sức ra, vì một nghệ sĩ tuổi gần 60 mà đóng nguyên tuồng rất mệt. Nói thiệt, nghệ sĩ nào cũng có cơ ngơi ổn định, đi hát lại cho vui, cho khán giả "thỏa lòng mong nhớ", chứ đâu có nghĩ đến cát-sê hay danh vọng gì nữa. Thành ra mỗi người nửa vai là vừa sức".

Và những khán giả bắt đầu "ghiền”

Còn những khán giả là trí thức, công nhân viên, sinh viên, học sinh, họ có xem cải lương không? Sự thật thì họ chiếm số lượng không nhỏ, và họ còn rất "mê". Mê, bởi vì họ biết phân tích cái hay cái đẹp của kịch bản, phân tích diễn xuất của nghệ sĩ một cách kỹ lưỡng, rồi thấm thía giai điệu, ý tứ... Có trình độ nên họ cảm nhận sâu sắc hơn. Và cũng chính vì thế mà họ khó tính, xem rất kén chọn. Thấy họ không thường xuyên đến rạp, tưởng họ không mê cải lương, không phải như vậy... Bác sĩ Dương Công Minh, 32 tuổi, làm việc ở phòng khám 87 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q.Bình Thạnh nói: “Tôi chẳng ngại ngần khi nói mình thích cải lương. Vì nó là truyền thống dân tộc, tự hào không hết, sao lại mắc cỡ? Ở đây thấy bình thường quá, nhưng đi xa quê, thí dụ ra nước ngoài, mới thấm thía, đúng

Vũ Luân và Tú Sương - cặp diễn viên ăn khách của cải lương tuồng cổ (ảnh: H.Kim)

như vở Khúc ly hương đã diễn. Còn khi vô rạp, tất nhiên phải ngồi chung với nhiều tầng lớp khán giả, họ có những nét riêng của họ, có sao đâu. Tôi chỉ mong vé cải lương rẻ, để người lao động xem được”.

Có một đối tượng đáng khích lệ cho sân khấu cải lương là khán giả trẻ như thanh niên, sinh viên, học sinh. Họ đang xem cải lương ở mức độ vừa phải. Vấn đề là họ chưa làm ra tiền, nên biện pháp tốt nhất, rẻ nhất là... xem video. Hiện các nhóm đang chủ trương hạ giá vé để thu hút giới này. Hữu Quốc, trong ban chủ nhiệm nhóm Thắp sáng niềm tin cho biết: "Tháng 12 chúng tôi sẽ biểu diễn cho một loạt trường đại học để thăm dò thị hiếu lớp trẻ, và tìm hướng đi phù hợp với họ. Ngoài ra, lực lượng diễn viên trẻ của chúng tôi chắc chắn sẽ đáp ứng được cho họ, nên chúng tôi đang viết tuồng theo kiểu đo ni đóng giày".

Và khán giả trẻ còn là "thị phần" rất lớn của một dạng chương trình tổng hợp vừa có ca nhạc, tấu hài, vừa có cải lương, vì họ thích nghe vài bài vọng cổ hoặc một trích đoạn ngắn. Trưởng đoàn Hoàng Ngọc Ẩn (đoàn Thanh Nga) và trưởng đoàn Nguyễn Văn Giỏi (Sài Gòn 1) đã thành lập hai công ty TNHH tổ chức biểu diễn nghệ thuật để “bê” nguyên thành phần nghệ sĩ, âm thanh, ánh sáng... sang hoạt động. Coi như cải lương "ăn theo" mấy món khác, nhưng sống được cùng khán giả trẻ.

Hoàng Kim  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.