Hiện nay, chuyện trồng rồi chặt xảy ra đối với cả những cây, con đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Như ở Vĩnh Long khoai lang tím đang “nuốt” hàng ngàn hecta lúa do lợi nhuận cao gấp 5 lần; bất chấp giá lúa đang ở mức rất cao, khoảng 6.600đ/kg. Tương tự, ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre cũng đau đầu khi nông dân ồ ạt phá bỏ vườn dừa để nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT), dù giá dừa khô hiện lên đến 180 ngàn đồng/chục (12 trái), cao nhất từ trước tới nay. Theo tính toán của nhiều nhà nông, một hecta đất trồng dừa mỗi năm chỉ có thể thu lãi trên 100 triệu đồng; trong khi nuôi TTCT thì chỉ cần 1 công đất cũng có thể thu được lợi nhuận tương đương.
Sản xuất theo phong trào đã và đang là vấn đề rất đáng lo ngại vì nó sẽ dẫn đến mất cân bằng về nguồn cung hàng hóa. Có thể dẫn chứng ở nghề nuôi cá tra, sau một thời gian phát triển quá “nóng” đã lâm vào cuộc khủng hoảng thừa, sau hơn 3 năm trôi qua, nghề này vẫn chưa thể phục hồi lại được. Nghiệm ra, những mặt hàng nông sản nào bị nông dân “chê” thì thường sau đó giá tăng rất cao. Điều đó chứng tỏ nhu cầu thị trường đang rất lớn, nếu diện tích cứ bị thu hẹp thì giá cả sẽ càng tăng. Chính vì vậy người nông dân cần cân nhắc thật kỹ trước khi có ý định chạy theo một loại cây, con nào đó.
Việc sản xuất theo phong trào của nông dân cũng là điều dễ hiểu vì ai chẳng muốn thu được nguồn lợi tối đa trên một diện tích có giới hạn. Khổ nỗi, chu kỳ sản xuất nông nghiệp thường khá dài, do đó nếu hôm nay chặt cây này để chạy theo cây khác, đến khi thu hoạch gặp cảnh ế thừa, rớt giá thì chính người nông dân phải hứng chịu hết mọi thiệt thòi. Nghiệm ra, trong chuyện này không thể chỉ trách bà con nông dân, bởi vai trò định hướng sản xuất của nhà nước là hết sức quan trọng.
Chí Nhân
Bình luận (0)