Sáng tạo trẻ

Thanh Nam
Thanh Nam
06/03/2018 07:27 GMT+7

Năm 2018 được T.Ư Đoàn chọn chủ đề: 'Năm tuổi trẻ sáng tạo' với kỳ vọng tìm cách thúc đẩy người trẻ sáng tạo mỗi ngày, để gặt hái được nhiều thành công, góp phần đưa chỉ số đổi mới sáng tạo của đất nước lên bậc cao hơn.

Thanh Niên xin giới thiệu nhiều ý tưởng, công trình sáng tạo của người trẻ với mong muốn tạo được không gian cho bạn trẻ phát huy hết tiềm năng sáng tạo của mình.
Trồng rau trong... tủ điện
Ba chàng trai đã có ý tưởng nghiên cứu thiết kế một tủ điện, mà khi đưa hạt giống vào đó chỉ cần bấm nút rồi chờ thu hoạch những bó rau tươi sạch.
Ba chàng trai đó là Phan Thanh Phong, cựu sinh viên (SV) Trường ĐH Văn Hiến; Phan Thanh Nhân, cựu SV Trường ĐH Bách khoa TP.HCM và Lê Hoàng Tuấn, SV Trường CĐ Cao Thắng.
Theo Phong, thực trạng các loại rau quả phun hóa chất xuất hiện nhiều, khiến người tiêu dùng luôn hoài nghi về tính an toàn của thực phẩm. Bên cạnh đó, trong quá trình học tập và sinh sống ở TP.HCM, nhận thấy người dân ở đây không có nhiều không gian để tự tay trồng rau nên đã nghĩ ra ý tưởng làm thùng điện để... trồng rau.
Sau khi có ý tưởng, cả nhóm mày mò gia công gỗ, suy nghĩ hình dáng của tủ rồi thiết kế... Để có thể hiểu biết thêm những kiến thức về kỹ thuật, nông nghiệp, sinh học..., các thành viên đã mày mò tự học, tự nghiên cứu từ internet cũng như đi khắp các tỉnh thành, tìm đến các vựa rau, nông trại để gặp gỡ người dân hỏi thêm kiến thức, kinh nghiệm.
Và chỉ trong một thời gian ngắn, nhóm đã biến ý tưởng ấy thành sản phẩm thực tế mang tên IFF. Theo đó, cơ chế hoạt động của thùng điện IFF rất đơn giản. Chỉ cần gieo hạt vào khay đựng, cho nước và dung dịch dinh dưỡng vào khung được quy định sẵn. Chọn loại cây trên màn hình bằng nút bấm và nhấn nút khởi động, chờ ngày có rau sạch.
“Chỉ bấm nút, còn lại tất cả mọi công đoạn sẽ có thùng điện lo, tất cả đều được tự động hoàn toàn. Cho dù ngoài trời mưa gió bão bùng hay nắng nóng đi chăng nữa, thùng điện ấy 'bất chấp' thời tiết, vẫn cho ra đời những bó rau tươi tốt, đủ chất dinh dưỡng”, Phong nói.
“Tủ sử dụng khoảng 10.000 đồng tiền điện mỗi tháng. Và dù trong điều kiện cúp điện thì rau trong tủ vẫn có thể sinh trưởng bình thường, rễ cây không bị khô. Nhiều người lo ngại rau trồng trong tủ thì làm sao quang hợp, nhưng chúng tôi đã sử dụng hệ thống đèn led để thay thế ánh sáng mặt trời, nên chất lượng rau vẫn luôn đảm bảo”, Lê Hoàng Tuấn cho biết thêm.
Cũng theo Phong, với thùng điện trồng rau này, người sử dụng có thể điều khiển nhiệt độ, hàm lượng dinh dưỡng, độ ẩm... và kiểm tra qua ứng dụng điện thoại do nhóm cung cấp. Mỗi lần thu hoạch được hơn 5 kg rau.
Khi được hỏi “sâu hơn” về thùng điện do nhóm sáng chế, Phan Thanh Nhân cho biết hiện tại có thể trồng được 22 loại rau, bao gồm tất cả các loại rau thông dụng như xà lách, rau muống, quế... Theo Nhân, hiện tại ở VN chưa có tủ điện trồng cây “made in VN” như sản phẩm của nhóm, thế nên việc khởi nghiệp với chiếc tủ “hô biến ra rau” này không gặp nhiều cạnh tranh trên thị trường.
“Nhóm nhắm tới một phân khúc khách hàng là những người có ít không gian và thời gian để trồng rau. Nhu cầu của người dùng ở TP.HCM và các thành phố hiện đại là có nên chúng mình tự tin với việc khởi nghiệp. Sản phẩm này còn đánh vào yếu tố tiện lợi và thẩm mỹ, có thể kết hợp trồng cây cảnh tạo mỹ quan cho nhà thông minh rất tiện lợi. Đây là yếu tố tạo nên sự khác biệt cho IFF. Ngoài ra, trong tủ điện ấy có lắp thêm bộ phận điều hòa nhiệt độ hoạt động theo nguyên lý bán dẫn, giúp sản phẩm hoàn toàn khác lạ so với những sản phẩm “made in nước ngoài”, Nhân cho biết.
Bà Trần Thanh Hoài (ở Q.Gò Vấp, TP.HCM) nhận xét: “Thùng điện trồng rau này rất tiện lợi. Nhìn vào như thùng trồng cây cảnh trong nhà, rất thẩm mỹ, có kích thước vừa phải, nhỏ gọn. Cách trồng rau này có thể thay thế phương pháp trồng rau thủy canh, vốn chưa thẩm mỹ và tốn diện tích. Nhà tôi không có nhiều không gian nhưng vẫn có thể trồng được rau sạch để ăn nhờ sản phẩm hữu ích này”.
Đến thời điểm này, “thùng điện” của nhóm cũng đã đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi khởi nghiệp, như: giải 3 cuộc thi Startup Student Idea do T.Ư Hội Sinh viên VN tổ chức, giải nhì cuộc thi Đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp do Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM và Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao tổ chức... Bên cạnh đó, hiện đã có hai nhà đầu tư đang đàm phán, ngỏ lời muốn đầu tư để phát triển sản phẩm này.
Lê Hoàng Tuấn cho biết, trong thời gian tới sẽ thay đổi lại mẫu mã sản phẩm, phù hợp với thị hiếu nhiều người hơn. Bên cạnh đó cập nhật thêm nhiều loại giống rau, cải thiện tính ổn định... để người dân tin dùng, lựa chọn.
Góp phần thay đổi hình thái nông nghiệp
Trong thời gian tới, nhóm của Phong dự định cho ra đời nhiều sản phẩm giúp việc canh tác nông nghiệp trở nên chuyên nghiệp và đơn giản hơn. Có thể kể như sản phẩm có tính năng đặt theo yêu cầu của từng hộ gia đình ở thành thị, có chức năng chính là hẹn giờ tưới nước đo nhiệt độ, độ ẩm điều khiển chính qua tin nhắn SMS trên điện thoại thông thường. Có thể đặt hàng điều khiển qua ứng dụng trên điện thoại hay web. Hay sản phẩm có chức năng đo lường các thông số về độ pH, lưu lượng nước, mức nước từ đó tự động bơm nước để bảo đảm cây có lượng nước phù hợp cho từng thời kỳ sinh trưởng. Một sản phẩm khác là hệ thống đo lường độ ẩm trong đất, độ bốc hơi của môi trường, hàm lượng dinh dưỡng, độ pH từ đó tiến hành tưới với công nghệ nhỏ giọt đảm bảo tiết kiệm nước, led nông nghiệp, mái che, phun sương và luôn giữ cho cây ở trong điều kiện phát triển nhất…
“Những sản phẩm ấy được tự động hóa hoàn toàn, điều khiển qua SMS, qua remote, qua website, phần mềm chuyên dụng trên laptop, ứng dụng trên điện thoại. Mục tiêu của chúng tôi là góp phần thay đổi dần hình thái nông nghiệp VN từ truyền thống lạc hậu, nhỏ lẻ kém cạnh tranh thành hiện đại, tập trung có quy mô lớn. Thông qua việc đưa công nghệ cao vào quá trình sản xuất, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp sẽ được nâng lên đáng kể”, Phong chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.