Sao lại gọi là 'vặt'!

08/10/2019 04:44 GMT+7

Luật Phòng chống tham nhũng định nghĩa “ tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi” và mức tiền, tài sản thấp nhất để xác định dấu hiệu của tội này là 2 triệu đồng.

Luật không xác định hành vi “tham nhũng vặt”, do đó không định khung chế tài. Nhưng trong rất nhiều báo cáo chính thức “tham nhũng vặt” luôn được nhắc đi nhắc lại.
Chưa có định nghĩa thì chúng ta thử một lần định nghĩa: Tham nhũng vặt = tham nhũng + vặt (không đáng kể nhưng thường có, thường xảy ra - từ điển tiếng Việt). Có nghĩa là tham nhũng những khoản tiền, vật chất giá trị nhỏ, khoản hối lộ chưa đến mức truy cứu hình sự, và mặc nhiên được coi là chuyện không quan trọng, chuyện bình thường.
Có lẽ, chính việc chúng ta mặc nhiên coi tham nhũng đó là chuyện thường có xảy ra, nên dù nói bao nhiêu thì như Ủy viên Bộ Chính trị - Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình nhận xét khi làm việc với TP.HCM hôm 6.10 rằng, chống tham nhũng vặt “chưa có chuyển biến mạnh”.
Tham nhũng vặt diễn ra hằng ngày: Xe tải, xe khách quá tải trên quốc lộ được “thông cảm” bằng mãi lộ vài trăm nghìn đồng/xe. Chuyện hồ sơ nộp xong bị trả về làm lại, lại nộp, lại làm lại... nhưng nếu kín đáo kẹp mấy trăm nghìn đồng vào hồ sơ, sự thể sẽ khác.
“Tham nhũng vặt” biểu hiện phổ biến nhất ở hành vi của cá nhân nhưng có sự ngầm đồng ý, cho phép của người lãnh đạo trực tiếp, thông qua việc gây khó dễ cho những công dân để gợi ý “bồi dưỡng”, nếu không muốn đi lại bổ sung giấy tờ, thủ tục nhiều lần; hoặc biểu hiện ở nhóm nhỏ khi đề ra những khoản thu trái quy định pháp luật... Rồi kể cả là tham nhũng cả từ tấm áo, cân gạo, gói mì của các nhà hảo tâm ủng hộ đồng bào vùng lũ lụt.
Tham nhũng vặt do đó nuôi dưỡng những cán bộ, công chức hách dịch, cửa quyền, sách nhiễu người dân. Từ hạch sách hồ sơ cấp phép xây dựng để kiếm vài triệu nhỏ, đến nhận vài trăm triệu để bỏ qua sai phạm khi đi thanh tra xây dựng địa phương hay “vận dụng” cấp phép sai quy hoạch kiếm vài tỉ đồng chỉ là một bước rất nhỏ.
Vậy thì những hành vi hạch sách, nhũng nhiễu của cán bộ công chức trong phục vụ công dân không thể coi là nhỏ, càng không thể gọi là “vặt”. Vì nó làm mất lòng tin của người dân với những giá trị xã hội, vào chính quyền. Tệ nạn này không chỉ hủy hoại phẩm chất cán bộ, công chức mà còn làm méo mó hình ảnh của một đất nước đang nỗ lực phát triển và hội nhập.
Bài học ứng dụng khoa học công nghệ trong cấp hộ chiếu công dân của Hà Nội và TP.HCM thành công cho thấy, để phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ, chúng ta phải thiết kế một hệ thống mà ở đó hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp của cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp khi giải quyết công việc; triển khai rộng rãi hệ thống ghi âm, ghi hình, camera trực tuyến tại các địa điểm có tiếp xúc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp và có bộ phận giám sát thường xuyên.
Và cuối cùng, mọi việc vẫn luôn phụ thuộc vào ý chí của người lãnh đạo; người đứng đầu các cơ quan đơn vị để xảy ra tiêu cực, hạch sách, nhũng nhiễu phải chịu trách nhiệm chính trị trước Đảng, Nhà nước. Chỉ có như vậy, tham nhũng mới không còn là "vặt".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.