Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 13: Xạ thủ thích trồng rau

20/02/2013 00:45 GMT+7

Gặp “lão tướng” của làng bắn súng Việt Nam Đặng Thị Đông vào ngày đầu xuân, chị khoe gia đình vừa đón thêm một bé gái vào đúng mùng 1 tết. Cựu xạ thủ đã được "thăng chức" bà nội.

Gặp “lão tướng” của làng bắn súng Việt Nam Đặng Thị Đông vào ngày đầu xuân, chị khoe gia đình vừa đón thêm một bé gái vào đúng mùng 1 tết. Cựu xạ thủ đã được "thăng chức" bà nội. 

>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 12: Mai Công Hiếu “ước được sinh ra trễ một chút”

Là xạ thủ nổi danh ở đâu không biết, nhưng về nhà, Đặng Thị Đông vẫn là người phụ nữ thích chăm cây, trồng rau. Ngay trước cửa nhà chị, mảng tường rực rỡ những giò phong lan đủ loại và cây khế ngọt xanh mướt. Cây khế này chị bứng về từ nhà một người bạn, cũng là đồng nghiệp thân thiết của chị, VĐV Nguyễn Quốc Cường 7 năm trước. Có lẽ chị “mát tay”, nên trước tết vừa hái vào mấy rổ đầy, mà giờ trên cành vẫn chi chít quả đã hườm hườm.

Ngày chuyển về làm HLV tại trường bắn thuộc Trung tâm huấn luyện TDTT quân đội cách đây 10 năm, thấy trong đơn vị có mảnh đất để hoang, chị lại lúi húi trồng rau. Mùa nào thức ấy, sau giờ dạy chị lại mải mê tưới tắm, vun gốc cho mấy luống rau. Nhà chị có 5 người, ăn chẳng là bao, thi thoảng lại cho mấy đồng nghiệp cùng đơn vị muốn có rau sạch cho con nhỏ, nhưng chị vui lắm. “Đi đâu cũng muốn có cái vườn. Già rồi, cuốc đất trồng rau thấy lòng nó nhẹ đi”, chị nói.

Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 13: Xạ thủ thích trồng rau
Đặng Thị Đông - Ảnh: T.T

Trông nhàn nhã là thế, nhưng chị lại là VĐV trụ lại lâu nhất với nghiệp thi đấu. Cách đây 12 năm, ở tuổi 42, Đặng Thị Đông vẫn tham dự SEA Games 21 và giành được một HCĐ cá nhân và HCB đồng đội. Khoảng cách tuổi tác giữa chị và những xạ thủ trẻ trong đội tuyển khi đó đã là cô-cháu.

Khi tham dự SEA Games 18 năm 1995, Đặng Thị Đông vừa sinh con gái thứ hai được một năm. Cai sữa cho con xong, chị tập trung tập luyện. Con trai đầu của chị khi ấy mới 12 tuổi, đều do một tay bà nội chăm bẵm. Cả năm trời, chị được về nhà thăm con tuần hai lần vào tối thứ tư và hai ngày thứ bảy, chủ nhật. Nhiều đêm, chị và các nữ VĐV khác kể chuyện con cái cho nhau nghe mà nước mắt cứ trào ra. Thi đấu xong trở về nhà, giây phút nhìn thấy con, mọi cảm xúc, kìm nén suốt thời gian đó như vỡ òa.

Cống hiến cho bắn súng Việt Nam lâu dài như vậy, vừa là duyên, vừa nhờ vào sự ủng hộ của chồng, cũng là đồng nghiệp của chị: VĐV bắn súng Lê Tuấn Đồng. Thời gian chị tham dự SEA Games 21, anh Tuấn Đồng cũng bắt đầu học Đại học TDTT. Việc học chiếm nhiều thời gian, con còn nhỏ, trong khi khả năng của chị vẫn được đánh giá rất cao, anh quyết định: Nghỉ thi đấu để lùi về làm hậu phương cho vợ. Đến nay, hai vợ chồng lại cùng làm HLV của Trung tâm huấn luyện TDTT quân đội và đeo lon thượng tá. 

Chữ “tình” trong nghiệp bắn

 

Đặng Thị Đông sinh năm 1959, tham dự SEA Games liên tiếp từ lần thứ 15 năm 1989 đến lần thứ 21 năm 2001 (trừ năm 1999 không tổ chức), giành rất nhiều huy chương vàng, bạc, đồng các nội dung đồng đội, cá nhân súng trường tiêu chuẩn, 3 tư thế, súng trường hơi 40 viên... Chị là VĐV tiêu biểu của Việt Nam năm 1981 và từ năm 1990 đến 1993

20 tuổi, cô gái quê lúa Thái Bình Đặng Thị Đông đi bộ đội, chưa hề nghĩ sẽ theo nghiệp bắn. Nhưng rồi cô bất ngờ giành giải nhất bắn súng 3 viên khi thi đấu toàn quân và được giữ lại công tác trong thể thao quân đội từ đó.

Bắn súng với Đặng Thị Đông là cái duyên, cái nghề, cũng là nơi đem đến cho chị nhiều chữ “tình”. Cái tình lớn nhất, chính là tình yêu với chồng chị bây giờ. Gặp nhau ở trường bắn Miếu Môn, cùng tập luyện, thi đấu, nhưng mãi hai năm sau hai người mới chính thức yêu nhau và đến năm 1982 thì tổ chức đám cưới. Sống trong quân đội, nên yêu cũng phải theo kỷ luật. Chị kể, khi ấy ngồi nói chuyện với nhau cũng phải ngồi ở chỗ sáng, có người qua lại, khi xác định tiến đến hôn nhân thì phải báo cáo ngay với tổ chức.

Đến giờ, nghỉ thi đấu đã được 10 năm, nhưng anh chị và những người đồng đội cũ như Quốc Cường, Hoàng Xuân Vinh, Hoàng Thị Mây vẫn thân thiết với nhau như anh em một nhà. Chẳng riêng chuyện thi đấu, huấn luyện, họ vẫn thường chia sẻ với nhau chuyện gia đình, cuộc sống. Có được cái tình giữa những người đồng nghiệp, với chị là điều quý giá nhất. Bởi với mỗi VĐV, thời gian sống ở đội tuyển có khi còn nhiều hơn thời gian sống cùng gia đình. Những khi thi đấu xa nhà, tình cảm đó cũng là động lực để mỗi người vượt qua khó khăn, trở ngại. Bởi vậy, chị vẫn luôn dạy các lứa học trò của mình phải biết thương yêu, giúp đỡ nhau như người một nhà.

Cái tình đặc biệt nhất, có lẽ chính là tình cảm của chị với những khẩu súng mà mình đã từng dùng. Mỗi xạ thủ có một cây súng riêng và sử dụng nó trong suốt quá trình tập luyện, thi đấu cho đến khi thay loạt súng mới. Bởi vậy, nó gắn bó với mỗi người như bạn tri kỷ. Suốt 23 năm thi đấu, chị đã từng dùng qua 3 khẩu súng, trong đó lâu nhất là khẩu súng đầu tiên, từ năm 1979 đến năm 1991. Chăm sóc cho súng dường như đã trở thành phản xạ của mỗi xạ thủ, mỗi ngày vài bận lau chùi, đặt lên đặt xuống cũng “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”.

Chị kể, ngày xưa khó khăn nên xạ thủ dùng súng có khi đến 10 năm trời mới được thay mới, nhưng giờ các xạ thủ trẻ được sử dụng những khẩu súng có giá trị tới vài trăm triệu một khẩu. Bởi vậy các VĐV giữ súng có khi còn cẩn thận hơn giữ xe máy. Chị xuýt xoa, ánh mắt đầy hứng khởi: “Súng bây giờ đẹp lắm. Cầm trên tay mà cứ ao ước, giá như mình trẻ lại được 20 tuổi”.

Nói chuyện với Đặng Thị Đông, tôi thấy chị vẫn có thói quen nheo mắt như đang ngắm bắn. Mắt chị đã đeo kính lão từ hai năm nay, “nhưng ngắm bắn ở cự ly 50 m thì vẫn còn tốt lắm”, chị cười. Con gái út của chị hồi bé tí cũng thích tập tành súng ống, nhưng lên lớp 8 cháu bị cận nên sở thích đành phải gác lại.

Tịnh Tâm

>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 12: Mai Công Hiếu “ước được sinh ra trễ một chút”
>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 11: Thái Xuân và đội tuyển “lạ lùng”
>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 10: “Cứ để bóng bàn nói về tôi”
>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 9: Ngã rẽ của cựu nữ hoàng nhảy cao

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.