Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 73: Người thầy của nhà vô địch

23/04/2013 03:15 GMT+7

Với kế hoạch huấn luyện bài bản, Trần Đức Quỳnh đang góp phần đào tạo nhiều tay vợt triển vọng cho Việt Nam.

Với kế hoạch huấn luyện bài bản, Trần Đức Quỳnh đang góp phần đào tạo nhiều tay vợt triển vọng cho Việt Nam.

Du học quần vợt

Sự nghiệp thi đấu đỉnh cao của Trần Đức Quỳnh rất thành công với 5 lần vô địch đơn và 6 lần vô địch đồng đội tại giải VĐQG. Chính thức gác vợt vào năm 2001, Quỳnh quyết định sang Mỹ du học. Anh tin tưởng những gì được học hỏi tại quốc gia hàng đầu thế giới về quần vợt này sẽ là hành trang quý giá cho công việc huấn luyện sắp tới. Nhờ một chuyên gia người Mỹ giới thiệu, anh được trao học bổng của Trường Independence Community College (ICC, bang Kansas). Trở ngại lớn nhất của Quỳnh là ngoại ngữ nên anh tạm gác mọi việc để tập trung học tiếng Anh trong 6 tháng. Giai đoạn đó, dù rất nhớ quả banh nỉ nhưng anh chỉ dợt vài tiếng vào buổi trưa để giữ thói quen vận động. Đầu năm 2002, Quỳnh bất ngờ bị tai nạn tại nhà, chấn thương khá nặng nên phải dời việc du học lại một năm. Phục hồi sau tai nạn, anh lại gặp khó khăn khi xin visa, có lẽ vì “Lãnh sự quán Mỹ không tin có người 27 tuổi mà còn muốn đi học”. Cuối cùng, nhờ kiên trì, anh cũng được cấp visa ở lần nộp hồ sơ thứ... 5.

Năm 2003, Quỳnh chính thức trở thành sinh viên ngành giáo dục thể chất của ICC. Ngoài thời gian học tập, anh đại diện trường tham gia các giải quần vợt dành cho sinh viên. Không ngờ, Quỳnh thắng hết trận này tới trận khác rồi đoạt chức vô địch sinh viên hệ cao đẳng toàn nước Mỹ. Không chỉ thi đấu, để tăng cường kiến thức chuyên môn, anh còn tranh thủ học và lần lượt thi lấy bằng HLV từ cấp 4 đến cấp 1 của Hiệp hội Quần vợt nhà nghề Mỹ. Sau khi tốt nghiệp ngành giáo dục thể chất tại ICC năm 2005, anh trở về Việt Nam và từ năm 2006 bắt đầu huấn luyện cho đội tuyển quần vợt Hà Nội. Với sự dẫn dắt của anh, VĐV Nguyễn Thùy Dung đã trở thành tay vợt nữ số 1 Việt Nam trong hai năm 2007, 2008.

Bước ngoặt Bình Dương

Năm 2008, Quỳnh chuyển về Becamex Bình Dương. Anh giải thích về lựa chọn của mình: “Nhà tôi ở Thủ Đức nên làm việc ở Bình Dương cũng tiện. Nhưng quan trọng nhất là kế hoạch phát triển quần vợt của tỉnh này đã thuyết phục được tôi”. Về phía Becamex IDC, họ đang thực hiện chủ trương xã hội hóa quần vợt nên đồng ý ngay quan điểm của Quỳnh: “Muốn phát triển lâu dài phải tập trung đào tạo trẻ. Thời gian đầu, mình chấp nhận lùi một bước nhưng rồi sẽ tiến hai bước”. Câu lạc bộ quần vợt Becamex Bình Dương bắt đầu chiêu sinh. Danh tiếng của Trần Đức Quỳnh nhanh chóng thu hút phụ huynh ở nhiều tỉnh thành khác gửi con đến học. Trong những học trò nhỏ ngày ấy, có cậu bé Lý Hoàng Nam chân ướt chân ráo từ Tây Ninh lên Bình Dương để được tập luyện quần vợt.

Quỳnh cứ theo kế hoạch đã đề ra mà thực hiện, không hề chịu bất cứ áp lực về thành tích nào. Điển hình là năm 2011 Bình Dương đang có một số tay vợt mạnh thuộc “hàng top”, nhưng lại mạnh dạn xếp các VĐV trẻ thi đấu giải VĐQG để có cơ hội tích lũy kinh nghiệm trận mạc. Năm đó, Becamex Bình Dương từ vị trí thứ 2 rơi xuống thứ 3 toàn đoàn. Quỳnh không bị khiển trách lời nào. Các học trò của anh được nhiều “cơ hội” thua ở những sân chơi lớn nên ngày càng trưởng thành hơn.

Năm 2012, Lý Hoàng Nam gây tiếng vang lớn khi vượt qua đàn anh Đỗ Minh Quân để giành chức vô địch đơn nam quốc gia khi mới 15 tuổi. Dư luận bất ngờ, còn Quỳnh thì rất hạnh phúc nhưng lại... tỉnh bơ. Theo sát Nam từ những ngày đầu làm quen với banh nỉ, hơn ai hết, anh hiểu rõ khả năng của học trò. Vả lại, nếu để ý kỹ sẽ thấy từ 3 năm qua, Bình Dương luôn độc chiếm ngôi đầu toàn đoàn tại các giải U.10, U.12, U.16 quốc gia dù đến năm 2013 mới bắt đầu có đội nữ. Quỳnh cho biết: “Trước giải VĐQG năm 2012, Nam từng có nhiều trận rất hay tại các giải đấu nước ngoài. Khi gặp Đỗ Minh Quân, Nam thường bị “tâm lý” do đấu với đàn anh, với “thần tượng”. Nhưng sau 3, 4 lần bại trận, em đã vững vàng hơn và khẳng định được vị trí của mình tại Việt Nam.

Theo Quỳnh, nhờ được cọ xát nhiều nên hiện Lý Hoàng Nam chơi rất điềm tĩnh, chững chạc dù gặp phải đối thủ mạnh của các nước khác. Nam còn thua sút về thể lực vì tay vợt này mới 16 tuổi, cơ bắp chưa phát triển hết. Nếu tiếp tục được theo một chương trình huấn luyện, thi đấu thích hợp, Nam sẽ còn tiến xa. Về cơ hội của học trò ở đấu trường quốc tế, Quỳnh nhận định: “Tại khu vực Đông Nam Á, Nam chỉ thua 2 đối thủ người Indonesia và Thái Lan, việc giành HCĐ SEA Games đơn nam không phải ngoài tầm tay. Còn tương lai, với đà tiến hiện nay, Nam hoàn toàn có thể tranh chấp huy chương tại ASIAD 2019. Ở những giải trẻ châu Á vừa qua, em đánh ngang ngửa với các tay vợt của Hàn Quốc, Nhật Bản... nếu thua cũng chỉ với cách biệt rất nhỏ”.

Về chuyện tình cảm, Quỳnh vui vẻ kể: “Mình chạy hùng hục ngoài sân suốt ngày mà may sao vẫn lấy được vợ”. Anh chị rất hạnh phúc với “tình yêu nhỏ” là bé trai 2 tuổi Trần Quỳnh. Với hậu phương vững chắc như thế, Trần Đức Quỳnh có thể an tâm tiếp tục dồn tâm huyết cho quần vợt.

Trần Đức Quỳnh sinh năm 1975, từng 5 lần vô địch đơn (các năm 1994, 1997, 1998, 1999, 2000), 6 lần vô địch đồng đội (1997, 1998, 1999, 2000, 2001, 2006) và giành HCĐ đồng đội nam tại SEA Games 1997.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.