Sập dầm cầu Chợ Đệm

11/03/2009 00:32 GMT+7

* 2 người bị thương nặng Mời nghe đọc bài Khoảng 15 giờ 25 hôm qua 10.3, một chiếc dầm cầu Chợ Đệm (đoạn qua thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP.HCM) thuộc dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương đang thi công đã bất ngờ gãy làm đôi đổ sập xuống sông.

Có mặt tại hiện trường ngay sau khi xảy ra sự cố, PV Thanh Niên ghi nhận, dầm cầu số 9 đoạn giữa cầu Chợ Đệm đã bị gãy thành 2 phần và rơi xuống sông, dầm cầu số 10 bên cạnh đã bị cong và nghiêng. Hàng trăm người dân tụ tập hai bên sông để xem các cơ quan chức năng tiến hành cứu hộ trong không khí rất căng thẳng.

Theo tường thuật ban đầu từ những người có mặt ở hiện trường, các công nhân thuộc Công ty cổ phần cầu 11 (thuộc Tổng công ty xây dựng Thăng Long) đang tiến hành gác dầm cầu số 9 thuộc nhịp cầu số 9 thì cần cẩu bị mất thăng bằng khiến dầm bị rớt xuống sông. Khối dầm rớt xuống đã tạo nên tiếng "rầm" khủng khiếp và kéo theo 2 công nhân rơi xuống sông, nước sông bắn cao hàng chục mét.

Có 2 công nhân bị thương nặng, đó là anh Trần Đình Trung (22 tuổi, quê Nghệ An) bị thương ở đầu, trán, chảy máu tai và anh Trần Văn Thảnh (26 tuổi, quê Nam Định) bị dập nát cả 2 chân. Anh Nguyễn Minh Đức, một người dân ngụ khu phố 2, thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh (TP.HCM) kể, cả 2 công nhân này đều bất tỉnh khi được đưa lên bờ, riêng anh Thảnh có dấu hiệu ngừng thở.

Gió mạnh khiến dầm bị lắc và gãy?

Lúc 18 giờ, nhà thầu là Tổng công ty xây dựng Thăng Long (thuộc Bộ GTVT) đã có mặt tại hiện trường và họp báo trả lời các câu hỏi của phóng viên. Ông Trịnh Nam Sơn, Phó giám đốc Ban điều hành dự án, thuộc Tổng công ty xây dựng Thăng Long, cho biết trước khi xảy ra sự cố có 10 công nhân đang làm việc tại công trường, trong đó có 4 công nhân thi công tại vị trí gác dầm. Ông Sơn đặt ra 2 giả thiết dẫn đến sập dầm cầu: Thứ nhất, có thể do khi các công nhân chuẩn bị gác dầm cầu thì có gió mạnh khiến dầm bị lắc và gãy.

Thứ hai, có thể do hai công nhân điều khiển hạ cáp để lắp dầm không đều nhau nên dầm xê dịch và rớt. Dầm cầu số 9 bị rớt và gãy đã va chạm mạnh vào dầm số 10 cạnh bên khiến dầm này cũng bị nghiêng và cong, tuy nhiên may mắn đã không va vào trụ cầu. Mỗi dầm cầu dài 42 mét, nặng 70 tấn và có giá trị 300 triệu đồng. Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về chất lượng bê tông, ông Sơn khẳng định bê tông do nhà thầu tự sản xuất đảm bảo chất lượng, đã được ép mẫu và kiểm định.

Ông Sơn cho biết nhà thầu sẽ dùng cần cẩu đưa 2 khối dầm bị gãy ra khỏi khu vực xảy ra sự cố, sau đó sẽ tiến hành đúc lại 2 khối dầm khác và thực hiện gác lại dầm cầu trong vòng 1 tháng để kịp hoàn thành công trình cầu vào tháng 6.2009 theo đúng tiến độ.

Đánh giá về mức độ bị thương của hai công nhân, bác sĩ Phan Văn Nghiệm, Trưởng phòng nghiệp vụ - Sở Y tế TP.HCM cho biết khám nghiệm ban đầu cho thấy anh Trần Đình Trung bị chấn thương sọ não, đang cấp cứu ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Mức độ bị thương của anh Thảnh nặng hơn vì bị dập nát 2 chân, tụt huyết áp, hôn mê sâu, rất nguy kịch, đang nằm tại Bệnh viện 115.

Do có thông tin có người mất tích dưới sông, lực lượng cứu hộ của Sở Phòng cháy chữa cháy TP.HCM chiều qua vẫn tiến hành lặn tìm trong hơn 2 tiếng đồng hồ. Đến cuối buổi chiều cùng ngày, nhà thầu thông báo không có người mất tích, lực lượng cứu hộ đã ngưng công tác tìm kiếm. Việc lưu thông tại đoạn sông Chợ Đệm xảy ra tai nạn đã bị cô lập. Ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTVT TP yêu cầu nhà thầu phải tiến hành xử lý xong hiện trường trong ngày hôm nay (11.3) để đảm bảo cho việc lưu thông qua khu vực này.

Có mặt tại hiện trường, Phó chủ tịch thường trực UBND TP Nguyễn Thành Tài yêu cầu Công an huyện Bình Chánh phối hợp với Viện KSND huyện, Thanh tra Sở LĐ-TB-XH kiểm tra hiện trường để xử lý theo quy định.

- Dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương dài gần 62 km, đường cao tốc chính dài gần 40 km, còn lại là các tuyến đường nối vào đường cao tốc, có nhiều đoạn vượt sông và qua những khu vực có nền địa chất yếu. Công trình khởi công cuối năm 2004, nối huyện Bình Chánh (TP.HCM) với huyện Châu Thành (Tiền Giang). Đường được thiết kế đạt tiêu chuẩn quốc tế về đường cao tốc với vận tốc 120 km/giờ, gồm 4 làn xe (tính đến năm 2010), mở rộng 8 làn xe vào năm 2020. Khi hoàn thành sẽ rút ngắn 50% thời gian từ TP.HCM về Tiền Giang. Tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỉ đồng.

- Hiện toàn dự án đã hoàn thành 80% khối lượng. Theo kế hoạch, tháng 6.2009 đưa vào khai thác đợt 1 tuyến Tân Tạo - Chợ Đệm - Trung Lương và cuối năm 2009 hoàn thành tuyến nhánh nối từ đường Bình Thuận (Nguyễn Văn Linh) đến Chợ Đệm.

- Cầu Chợ Đệm là một hạng mục thuộc dự án, được khởi công từ tháng 8.2006, dự kiến hoàn thành tháng 6.2009. Cầu rộng 20,5m, dài 500m, hiện đã hoàn thành 80% khối lượng.

Ngày 5.12.2008, đoàn kiểm tra liên ngành gồm C15 (Bộ Công an); PC15 Công an TP Hà Nội; cán bộ Sở Xây dựng TP.HCM... đã bất ngờ kiểm tra việc thi công công trình Cầu Cạn - Chợ Đệm. Qua kiểm tra đã phát hiện tất cả các ống sonic trong cọc khoan nhồi không được bơm vữa sonic (vữa xi măng và vật liệu Sika). Đây là việc làm trái quy trình, ống này nằm trong cọc khoan nhồi, nằm sâu dưới lòng đất để sau khi hoàn thành việc xây dựng trụ cầu, các chuyên gia có thể kiểm tra chất lượng cọc bằng phương pháp siêu âm. Có tổng cộng 48 ống sonic và tất cả số này đều không được bơm vữa sonic.

Ngoài ra, tại công trường được kiểm tra, các cán bộ cảnh sát còn phát hiện ở một số cọc nhồi không có lưới thép, thiếu đai thép, thép chủ ở một số bệ cọc. Công an đã khởi tố bị can, bắt giam 3 cán bộ liên quan là ông Dương Văn Khanh, SN 1970 quê Hưng Yên, Đội trưởng đội 7 (thuộc Công ty cổ phần xây dựng số 12 Thăng Long, đơn vị thi công bệ mố A2, 2 mặt cầu); Nguyễn Văn Sĩ, SN 1968 quê Gò Vấp, TP.HCM, là cán bộ Tư vấn giám sát công trường và Nguyễn Ngọc Hà, SN 1980 là cán bộ giám sát kỹ thuật. (K.T.L)

Mai Vọng - Đình Mười - Phương Thanh
Ảnh: Khả Hòa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.