Sắp được bán khống chứng khoán

22/06/2015 05:32 GMT+7

Dự thảo thông tư cho phép bán khống, dù ở mức độ hạn chế, vẫn khiến nhiều nhà đầu tư phấn khích, thúc đẩy giá các cổ phiếu trên sàn tăng mạnh 10 - 15% kể từ đầu tháng.

Dự thảo thông tư cho phép bán khống, dù ở mức độ hạn chế, vẫn khiến nhiều nhà đầu tư phấn khích, thúc đẩy giá các cổ phiếu trên sàn tăng mạnh 10 - 15% kể từ đầu tháng.

Nhà đầu tư đang phấn khích với việc được chốt lời, cắt lỗ trong ngày Nhà đầu tư đang phấn khích với việc được chốt lời, cắt lỗ trong ngày - Ảnh: Diệp Đức Minh

Dự thảo Thông tư 74 của Ủy ban Chứng khoán nhà nước về giao dịch chứng khoán có nội dung cơ bản là rút ngắn thời gian giao dịch cổ phiếu của nhà đầu tư (NĐT) từ T+3 xuống T+2, cho phép giao dịch chứng khoán trong ngày (tức T+0). Dự thảo đang được đưa ra lấy ý kiến thành viên thị trường từ tuần trước nhưng đã được nhiều chuyên gia đánh giá sẽ cải thiện đáng kể thanh khoản thị trường và tạo sự phấn khích trong tâm lý giới đầu tư.

Nhiều công ty sẽ bị loại khỏi "cuộc chơi"

Theo dự thảo, những CTCK có vốn điều lệ từ 800 tỉ đồng trở lên, trích lập đầy đủ các khoản dự phòng, không lỗ 2 năm gần nhất, tỷ lệ vốn khả dụng tối thiểu 220%, không trong quá trình sáp nhập... mới đủ điều kiện cung cấp dịch vụ giao dịch trong ngày.

Trong hơn 80 CTCK đang hoạt động, chưa đến 10 đơn vị đáp ứng đủ điều kiện của dự thảo nên nhiều công ty như đang ngồi trên lửa. Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc CTCK SJC, nhận xét chỉ riêng “nút thắt” ở quy mô vốn điều lệ đã “loại” nhiều công ty ra khỏi cuộc chơi. Để đáp ứng, các CTCK cần tăng vốn, tăng năng lực quản trị và đẩy nhanh hoạt động tái cơ cấu, sáp nhập.

Theo Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường (Ủy ban Chứng khoán) Nguyễn Sơn, đây mới là dự thảo và đang lấy ý kiến nên chưa phải nội dung cuối cùng. Nhưng những tiêu chí khắt khe là nhằm lựa chọn những CTCK tốt, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị rủi ro để hạn chế rủi ro cho thị trường và NĐT.

Cụ thể, dự thảo nêu: “Giao dịch trong ngày được thực hiện thông qua việc NĐT bán số chứng khoán đã mua từ lệnh mua đã được thực hiện trước đó cùng ngày giao dịch (mua trước - bán sau); hoặc NĐT mua thêm chứng khoán để bù lại số chứng khoán đã bán trước đó (bán trước - mua sau)”. Như vậy, trong ngày, khi mua nhưng cổ phiếu chưa về tài khoản, NĐT được vay cổ phiếu đó từ công ty chứng khoán (CTCK) để bán ngay trong ngày. Hoặc khi NĐT bán trước, tiền chưa về thì vẫn được CTCK cho vay để mua ngay cùng cổ phiếu đó trong ngày, và hoàn thành nghĩa vụ trả nợ đối với CTCK khi cổ phiếu về tài khoản.

Theo ông Trịnh Hoài Giang - Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán HSC, việc có thể “bán trước - mua sau” như dự thảo quy định trên chính là hoạt động bán khống. “Tuy nhiên, hoạt động bán khống này mới chỉ ở mức độ thấp, vì chỉ có thể mua bán đối với 60 cổ phiếu ở hai rổ VN - 30 và HNX - 30 và thời gian diễn ra trong một ngày”, ông nhận xét. Ông Giang giải thích thực chất bán khống đúng nghĩa là không có hàng vẫn bán được, còn ở đây là có hàng nhưng hàng chưa về tài khoản thì có thể “mượn” chứng khoán để bán. Tại thời điểm này, khi NĐT chỉ được phép bán chứng khoán đã thực sự sở hữu, nghĩa là họ phải chờ 3 ngày (T+3) chứng khoán về mới có để bán, thì dự thảo trên mang đến cơ hội đầu tư nhiều hơn, cũng như hạn chế rủi ro của họ.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư - Công ty chứng khoán Kim Eng, nhận xét dự thảo mang nhiều cải tiến cho thị trường. NĐT có  thêm lựa chọn. Nếu trong đầu phiên giao dịch, mua xong họ thấy thị trường không ổn thì có thể cắt lỗ ngay lập tức. Mua lúc giá thấp nhưng cuối phiên giá cao thì có thể bán luôn. Chưa kể đây là công cụ có thể hạn chế rủi ro đến mức tối đa hoặc có thể kiếm lời cho NĐT khi thị trường biến động. Còn đối với CTCK, cái lợi trước mắt và lâu dài là số lượng giao dịch tăng cao thì phí giao dịch sẽ tăng thêm.

Việc rút ngắn thời gian giao dịch sẽ góp phần cải thiện thanh khoản cho thị trường, nhờ vòng quay chứng khoán và tiền được đẩy nhanh. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng “cuộc chơi” mới nằm ở 60 cổ phiếu ở rổ VN - 30 và HNX - 30, là những cổ phiếu có tính thanh khoản cao, giá trị vốn hóa lớn mà NĐT tổ chức thường sở hữu và ít có giao dịch, nên sức lan tỏa không xa. Vì vậy, cần phải có lộ trình “nới” quy định này cho các cổ phiếu khác thì mới thực sự tạo cú hích cho thị trường.

Còn theo giám đốc đầu tư của một quỹ đầu tư nước ngoài, hoạt động bán khống nếu được sử dụng đúng mục đích của nó là phòng vệ để cân bằng rủi ro thì rất tốt cho NĐT, nhưng nếu lạm dụng, đầu cơ thì rất nguy hiểm cho bản thân người sử dụng và thị trường, đặc biệt trong bối cảnh các sản phẩm truyền thống (margin...) còn chưa hoàn chỉnh, hàng hóa trên thị trường chưa chất lượng...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.