'Sát thủ thầm lặng' viêm gan siêu vi C: Nhiều người mắc bệnh mà không biết

03/08/2017 15:12 GMT+7

Viêm gan siêu vi C là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây viêm gan mạn tính chuyển biến thành xơ gan và ung thư. Tuy nhiên, ít người biết mình mắc bệnh khi ở giai đoạn sớm mà chỉ phát hiện ra khi đã muộn.

Biết bệnh khi đã muộn
Thấy mình ăn uống không ngon, đau tức bụng, nước tiểu ít và hơi sậm màu, ông V.A.S (65 tuổi) đi khám tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM). Được bác sĩ chuyên khoa kiểm tra, chẩn đoán, bệnh nhân mới biết mình bị xơ gan giai đoạn 2 do đã nhiễm viêm gan siêu vi C từ lâu mà không biết và điều trị. Ở giai đoạn này, bệnh nhân đã bị tràn dịch trong bụng, chân bắt đầu phù và vàng da nhẹ.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Ngọc Lưu Phương, Phó khoa Tiêu hóa gan mật, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương: Bệnh nhân viêm gan siêu vi C thường đi khám bệnh khi đã có triệu chứng mệt mỏi, ăn uống kém hoặc phù chân, vàng da. Đây là giai đoạn đã muộn màng khi gan đã có biểu hiện xơ cứng (xơ gan) hoặc có biến chứng u gan.
Một số trường hợp phát hiện bệnh viêm gan siêu vi C qua kiểm tra sức khỏe định kỳ. Như anh C.N.X.H. (32 tuổi) đi khám bệnh vì kết quả xét nghiệm kiểm tra sức khỏe định kỳ có men gan cao hơn bình thường. Anh được bác sĩ phát hiện bị nhiễm viêm gan siêu vi C. Bệnh nhân rất ngạc nhiên vì mình hoàn toàn không có triệu chứng bệnh gì cả.

Với trường hợp phát hiện bệnh sớm như anh H., bệnh nhân được điều trị tích cực 3 tháng, bệnh đã ổn định, vi rút đã ngừng sinh sản và đã ngưng thuốc để theo dõi xem có bị tái phát hay không.
Bác sĩ Phương cho biết, trung bình tại Khoa Gan mật - Tiêu hóa, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), số bệnh nhân đến khám viên gan siêu vi C chiếm khoảng 6-10% các bệnh nhân.

tin liên quan

Báo động bệnh viêm gan trên toàn cầu
Số người đang chết dần vì mắc bệnh viêm gan hiện cao hơn HIV/AIDS và lao phổi, buộc Tổ chức Y tế thế giới lên tiếng kêu gọi con người hãy sớm hành động trước khi quá muộn.
Theo tiến sĩ - bác sĩ Phạm Thị Thu Thủy (Hội Gan Mật TP.HCM): một nghiên cứu năm 2016 được công bố trên tạp chí y khoa danh tiếng Lancet cho thấy các loại bệnh viêm gan siêu vi là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao nhất trên toàn thế giới với số lượng tương đương với bệnh AIDS hay lao phổi. Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia có số ca mắc viêm gan siêu vi B và C ở mức cao trong khu vực các nước đang phát triển. Trong đó, viêm gan siêu vi C là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây nên viêm gan mạn tính với 75% trên tổng số 3 triệu bệnh nhân mắc bệnh; 25% trong số đó chuyển biến thành xơ gan và ung thư dẫn đến tử vong.
“Viêm gan siêu vi C được nhìn nhận là một trong những bệnh tưởng chừng không sao nhưng để lại hậu quả ghê gớm bởi nhận thức của cộng đồng về bệnh vẫn còn thấp và tâm lý chủ quan của người dân trong việc chăm sóc sức khỏe”, bác sĩ Thủy nhận định.
“Sát thủ âm thầm”
Bác sĩ Phương cho biết, ở giai đoạn đầu, viêm gan siêu vi C đa số không có triệu chứng gì cả nên không ảnh hưởng gì đến sinh hoạt của bệnh nhân. Vì vậy, hầu như người bệnh không hề biết mình đã bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, khi đã chuyển qua giai đoạn có biến chứng xơ gan và ung thư gan thì lúc này sức khỏe bệnh nhân đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bệnh ảnh hưởng rõ rệt đến sinh hoạt, làm việc hằng ngày.
Bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân nhiễm viêm gan siêu vi C hướng điều trị sớm Thúy Anh
“Người bệnh ở giai đoạn này chán ăn, ăn không tiêu, bụng to do ứ dịch, phù chân, đau mỏi cơ, vọp bẻ, tê chi, ngứa ngáy, chóng mặt, mệt mỏi không làm việc được, run tay. Bên cạnh đó, có thể xuất hiện các biến chứng nặng nề như xuất huyết tiêu hóa, nhiễm trùng dịch ứ đọng trong ổ bụng, ứ chất độc làm ngủ gà ngủ gật thậm chí lơ mơ hôn mê”, bác sĩ Phương mô tả.
Theo bác sĩ Thủy, thực tế, có đến 60% người nhiễm bệnh viêm gan siêu vi C không có triệu chứng rõ ràng, do đó, không hay biết về những tổn thương dài hạn cho đến khi đã quá muộn.
Bên cạnh đó, người nhiễm bệnh giai đoạn đầu nhanh chóng diễn tiến sang xơ gan, mở đường cho ung thư gan bởi những thói quen xấu trong sinh hoạt hằng ngày như: uống rượu bia, lạm dụng thuốc giảm đau và thuốc kháng sinh, không vận động thể dục, chế độ ăn nhiều chất béo và chất bột đường…
Các bác sĩ đánh giá viêm gan siêu vi C là “sát thủ âm thầm”, bệnh nhân không chú ý đi khám bệnh đến khi có biến chứng xơ gan và ung thư gan là đã muộn.
“Không có một dấu hiệu sớm nào để biết mình đã nhiễm viêm gan siêu vi C ngoài cách đi khám sức khỏe, xét nghiệm kiểm tra định kỳ. Hiện tại bệnh đã có thuốc điều trị hiệu quả, ít tác dụng phụ”, bác sĩ Phương khuyên.
Bên cạnh đó, những người có người thân trong gia đình như cha mẹ, ông bà, anh chị em, vợ, chồng, con bị viêm gan, xơ gan, u gan cần được xét nghiệm càng sớm càng tốt để tầm soát viêm gan siêu vi C và cả viêm gan B.
Ngày 5.8, Hội Gan Mật Việt Nam phối hợp với Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Kiên Giang và công ty MSD sẽ tổ chức ngày hội "Yêu lá gan của bạn" tại tỉnh Kiên Giang, diễn ra tại hội trường Thành ủy TP.Rạch Giá. Người dân tham dự sẽ được các bác sĩ, chuyên gia y tế tư vấn, khám tầm soát bệnh viêm gan siêu vi C miễn phí.
Được biết, ngày hội “Yêu lá gan của bạn” trước đó (ngày 29.7) đã được tổ chức tại Q.7, TP.HCM, với hơn 400 người tham dự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.