Từ thiện thế nào cho đúng, không bị 'réo tên' buộc phải sao kê?

Phan Thương
Phan Thương
28/10/2021 11:27 GMT+7

Hoạt động từ thiện thời gian qua có nhiều phát sinh. Thậm chí, có cá nhân được yêu cầu phải sao kê để chứng minh tiền cộng đồng quyên góp được người kêu gọi từ thiện sử dụng đúng mục đích.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 93/2021 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Nghị định sẽ có hiệu lực từ ngày 11.12 tới, và thay thế cho Nghị định 64/2008/NĐ-CP. Nghị định 93/2021 được kỳ vọng sẽ phần nào giải quyết được những phát sinh trong hoạt động từ thiện, như "trào lưu" yêu cầu người đứng ra kêu gọi quyên góp phải sao kê để chứng minh không có sự vụ lợi hoặc tiền cộng đồng quyên góp được sử dụng đúng mục đích vốn gây nhiều "lùm xùm" trong thời gian qua.

Trước đây, theo Nghị định 64/2008, chỉ có 4 cơ quan, đơn vị, tổ chức được kêu gọi từ thiện và được điều chỉnh bởi Nghị định 64. Riêng cá nhân kêu gọi từ thiện thì không được quy định và điều chỉnh bởi pháp luật.

Ca sĩ Thủy Tiên phân phối nguồn tiền vận động ủng hộ bà con vùng lũ miền Trung cuối năm 2020

FBNV

Mở rộng đối tượng được điều chỉnh theo luật khi làm từ thiện

Tuy nhiên, Nghị định 93/2021 mở rộng các tổ chức, cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện. Trong đó, quy định rõ cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự được tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Bên cạnh đó, sau lùm xùm “nghệ sĩ sao kê tiền từ thiện”, Nghị định 93/2021 dành hẳn Mục 2 để quy định chi tiết cá nhân tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố trong nước.

Tiếp nhận đơn tố cáo Thủy Tiên, Bộ Công an phối hợp 7 tỉnh miền Trung khẩn trương làm rõ

Quy định chi tiết cá nhân vận động, phân phối và quản lý tiền kêu gọi từ thiện

Trong đó, Điều 17 mục 2, Nghị định 93/2021 nêu khi vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, sự cố, cá nhân có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật).

Đồng thời, công bố rõ thời gian cam kết phân phối và gửi bằng văn bản đến UBND cấp xã nơi cư trú theo mẫu Thông báo ban hành kèm theo Nghị định này.

UBND cấp xã có trách nhiệm lưu trữ để theo dõi và cung cấp thông tin khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân đóng góp hoặc nhận hỗ trợ và cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác hướng dẫn, theo dõi, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.

Cá nhân mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện.

Cá nhân không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp tự nguyện sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận đã cam kết và có trách nhiệm thông báo đến nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện.

Về phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, Điều 18 Nghị định 93/2021 quy định cá nhân có trách nhiệm thông báo với UBND nơi tiếp nhận hỗ trợ (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã theo phân cấp; trường hợp cần thiết, liên hệ UBND cấp tỉnh hướng dẫn cụ thể) chậm nhất để phối hợp xác định phạm vi, đối tượng, mức, thời gian hỗ trợ và thực hiện phân phối, sử dụng theo đúng cam kết

Về quản lý tài chính, công khai nguồn đóng góp tự nguyện, Điều 19 Nghị định 93/2021 quy định chi phí cho hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện do cá nhân đứng ra vận động tự chi trả. Trường hợp được các tổ chức, cá nhân đóng góp đồng ý thì cá nhân được chi từ nguồn đóng góp tự nguyện, nhưng phải tổng hợp và công khai khoản chi phí này.

Các khoản đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố phải đảm bảo tính công khai, minh bạch. Cá nhân có trách nhiệm mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện theo đối tượng, địa bàn được hỗ trợ, bao gồm những khoản tiếp nhận có điều kiện, địa chỉ cụ thể (nếu có), thực hiện công khai theo các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định này trên các phương tiện truyền thông và gửi kết quả bằng văn bản tới UBND cấp xã nơi cư trú để niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan trong 30 ngày. Thời điểm công khai thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Nghị định này.

Nghị định 93/2021 ra đời rất kịp thời trong bối cảnh nhiều người nổi tiếng, nghệ sĩ bị "gọi tên" phải sao kê, công khai số tiền mà nhà hảo tâm quyên góp. Hoạt động từ thiện vốn là tốt. Do vậy, có những điều được luật hóa như Nghị định 93/2021 sẽ tạo điều kiện cho những cá nhân, tổ chức có tấm lòng thiện nguyện với cộng đồng được đóng góp sức mình, cũng tránh được những tai tiếng không đáng có. Quan trọng hơn, số tiền mà cộng đồng, các nhà hảo tâm quyên góp sẽ đến được tay người cần hỗ trợ. (Bạn đọc Hoàng Anh)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.