(iHay) Nỗi đau trong vụ thảm sát sáu mạng người ở Bình Phước vẫn là quá lớn. Người có tội sẽ bị pháp luật trừng phạt. Thế nhưng cũng cần nhìn nhận vấn đề sao cho tránh các thương tổn sâu sắc hơn với những người vô tội, của thân nhân trong gia đình 6 nạn nhân và cả các đấng sinh thành của hai nghi phạm.
Các thân nhân trong gia đình 6 người bị sát hại cần được an ủi, hỗ trợ về tinh thần để vượt qua nỗi đau vô tận. Điều đó là đương nhiên. Nhưng cộng đồng cũng đừng quên mở rộng vòng tay cảm thông với cha mẹ của các nghi phạm trong vụ thảm sát. Đừng để họ phải một mình đối mặt với những nỗi đau quá khủng khiếp sau những gì đã xảy ra.
Dễ dàng nhận thấy không có nhiều lời trách cứ gia đình, cha mẹ hay người có liên quan với các nghi phạm trong vụ thảm sát vừa qua. Bởi xét ở góc độ nào đó, chính những người thân ấy lại rất đáng thương, đáng cảm thông…
Chính ánh mắt thẫn thờ của những người mẹ nghi phạm thật sự làm cho mỗi người chúng ta cần bình tâm nhìn lại. Chính cái thẫn thờ trong tư thế ngồi vô hồn của người cha khi biết con mình là nghi phạm thật đớn đau thay. Sao có thể không cảm thông cho được khi chứng kiến sự hoảng loạn quá lớn, thậm chí kéo theo những hành động thiếu bình tĩnh khác, của người cha, người mẹ nhận được hung tin…
Thông thường cha mẹ vẫn mong mỏi sẽ hiểu được con. Chính những người cha, người mẹ ấy cũng ta thán bâng quơ rằng sao lại có người làm điều ác đến thế? Vậy mà người ác ấy lại ở gần mình, lại tồn tại ngay bên cạnh và do mình đẻ ra thì sao không đau, không xót? Liệu những người con có nhận ra chính họ đã làm mẹ cha khổ sở đến mức tột cùng…
Cái đau khổ của người thân thường xảy ra như một diễn tiến tâm lý rất bình thường. Đó là sự dằn vặt của lương tâm, là biểu hiện của hành vi tự vấn, là phản ứng mang tính chuyển di của cảm xúc, là đau xót của lòng tự trọng… Tất cả những biểu hiện tâm lý ấy có thể đẩy người ta lâm vào trạng thái căng thẳng thần kinh, có những hành vi thiếu kiểm soát. Hơn thế nữa, với một nền văn hóa làng xã, cộng đồng thu nhỏ, không ít bậc cha mẹ vẫn không chịu đựng nổi trước áp lực công kích, dè bỉu, thế là họ càng bị đẩy vào hố sâu của khủng hoảng tâm lý.
Những người cha người mẹ đáng thương ấy cần lắm sự nâng đỡ tinh thần kịp thời của cộng đồng. Dễ thấy đây là hành vi nhân văn hơn bao giờ hết. Nhiều sự vụ đã qua cho thấy con người bắt đầu biết rõ rằng tội ai người ấy chịu. Việc cảm thông đã bắt đầu diễn ra từ nhiều phía. Tuy vậy, cũng cần nhận ra rằng song song với việc nâng đỡ của tinh thần của những người trong cùng dòng họ thì sự xuất hiện của người xung quanh rất quan trọng. Một bàn tay vỗ về, một lời sẻ chia ấm áp, một chút dầu xoa nóng, chút khăn lau tỉnh cũng có thể làm cho sự căng thẳng được kiểm soát nhất định…
Song song đó, một lực lượng chuyên biệt cũng cần xuất hiện kịp lúc. Đó là lực lượng của Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên. Sự xuất hiện này rất cần thiết và đậm chất hóa giải vấn đề, chất nhân văn nếu đó là đội ngũ có nghề thực sự. Nhưng điều quan trọng hơn nữa là cần tính đến sự chuyên nghiệp hóa của chuyên viên công tác xã hội hay của những cá nhân được đặc trách trong công việc "giải cứu" những người rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý nghiêm trọng, trong những sự vụ đáng tiếc tương tự có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong đời sống xã hội.
Công ty sản xuất chế biến gỗ Quốc Anh, nơi xảy ra vụ án mạng thảm khốc - Ảnh: Hữu Thành
|
Ở một số quốc gia phát triển, công tác hỗ trợ những đối tượng gặp khó khăn tâm lý hay những căng thẳng sau các vụ việc nghiêm trọng đều được quan tâm một cách chuyên nghiệp. Các nhân viên xã hội sẽ xuất hiện kịp lúc để trấn an tinh thần cho gia đình người bị hại cũng như gia đình của những nghi phạm hoặc tội phạm. Suy cho cùng, ở một góc độ nào đó, chính người thân của các nghi phạm hay tội phạm cũng là nạn nhân. Nếu không hay biết, không là đồng phạm, thì chính họ cũng đang bị thương tổn về tinh thần, đáng để được quan tâm và lo lắng. Cụ thể, ở các nước như Hàn Quốc, Hà Lan, việc này được thực hiện bởi các chuyên viên công tác xã hội như một dịch vụ công ích, như một hình thức giải quyết các vấn đề xã hội, những thương tổn gia đình.
Việc cha mẹ của hai nghi phạm trong vụ thảm sát ở Bình Phước có nhiều thương tổn ai cũng đã nhìn rõ. Những nỗi đau ấy nếu không được an ủi, vỗ về và cảm thông thì có thể sẽ dễ dẫn đến những bi kịch khó lường.
Nếu đã buồn vì một thảm án, chắc không thể không rơi nước mắt vì một bi kịch. Một cái nhìn nhân văn cần được thực hiện bằng sự tự ý thức của mỗi người, trách nhiệm của cộng đồng và cả những cá nhân nhìn ra được trách nhiệm của mình trong nghề nghiệp, cũng như sự thể chế hóa hành động này như một nghiệp vụ cần thiết…
Bình luận (0)