Sẽ có nhiều đoàn giám sát chặt việc chấm thi

Ngay sau khi kết thúc kỳ thi THPT quốc gia, các địa phương đã bắt tay vào chấm thi. Bộ GD-ĐT sẽ thành lập nhiều đoàn thanh tra giám sát công tác chấm thi của địa phương.

Năm nay, lần đầu tiên chỉ môn ngữ văn thi tự luận nên giáo viên (GV) chấm bài, các môn còn lại đều chấm bằng máy.
Đầu tháng 7 có kết quả
Ông Nguyễn Sỹ Quân, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Điện Biên, cho biết dự kiến bắt đầu chấm thi hôm nay (27.6). Tỉnh huy động 50 GV chấm tự luận môn ngữ văn và 10 người chấm thi trắc nghiệm, chưa kể lực lượng lãnh đạo, thư ký... Do số lượng bài thi ít nên công tác chấm thi của Điện Biên dự kiến sẽ xong vào ngày 3.7.
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Bình, chiều 25.6, Ban chỉ đạo chấm thi đã họp lên kế hoạch chấm và phân công nhiệm vụ. Ngày 26.6, tổ chức phân lô, quét bài thi trắc nghiệm, xử lý bài thi trắc nghiệm; tiến hành làm phách bài thi. Việc tổ chức chấm thi đại trà sẽ bắt đầu vào chiều 27.6, hoàn thành chậm nhất ngày 6.7.
Đại diện Sở GD-ĐT Nghệ An cho biết từ ngày 26.6 đã bắt đầu tổ chức chấm thi và chậm nhất đến ngày 4.7 sẽ hoàn thành. Sở huy động khoảng 300 cán bộ, GV chấm thi, phần lớn được phân công chấm thi môn ngữ văn. Ngoài ra, tại cụm thi số 28 sẽ có 3 máy tự động chấm bài thi trắc nghiệm và mỗi máy sẽ có 11 người phụ trách, bao gồm cả lực lượng công an giám sát. Thời gian chấm bài thi trắc nghiệm dự kiến kéo dài 6 ngày.
Ông Nguyễn Hữu Tài, Trưởng phòng Khảo thí - Công nghệ thông tin (Sở GD-ĐT Tây Ninh), cho biết ngay chiều 24.6 ban chấm thi đã tiến hành làm phách. Hôm nay, ban chấm thi sẽ họp phiên toàn thể, buổi chiều tiến hành chấm đại trà và dự kiến ngày 4.7 hoàn tất môn ngữ văn. Cũng trong hôm nay các môn, bài thi trắc nghiệm cũng được tiến hành quét trên máy, dự kiến ngày 4.7 hoàn thành. Để chấm 7.838 bài thi theo hình thức tự luận, địa phương huy động 80 cán bộ tham gia, chia thành 2 tổ để đảm bảo cán bộ chấm bài của thí sinh khác địa bàn giảng dạy.
Ông Lê Ngọc Bữu, Giám đốc Sở GD-ĐT Bến Tre, cho biết: “Từ sáng 25.6, GV được phân công chấm môn ngữ văn đã nghiên cứu hướng dẫn và bắt đầu chấm. Sở cũng trang bị sẵn 4 máy để chấm các bài thi trắc nghiệm”. Sở sẽ hoàn thành khâu chấm thi trước ngày 5.7.
Trường ĐH Tài chính - Marketing cử 2 cán bộ có kinh nghiệm về chấm thi ở lại tỉnh Ninh Thuận. Ngoài việc giám sát, các cán bộ này sẽ hỗ trợ việc chấm thi khi cần thiết.
Theo ông Phạm Anh Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk, từ ngày mai (27.6) sẽ bắt đầu chấm môn văn và quét bài trắc nghiệm. Dự kiến đến ngày 4.7, tỉnh sẽ hoàn thành chấm thi để chuyển kết quả đến Bộ GD-ĐT kiểm dò và công bố.
Thức canh bài thi
Ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết trong suốt quá trình chấm thi, các đoàn thanh tra của Bộ sẽ tới các điểm chấm thi của các tỉnh để giám sát công tác chấm thi, đảm bảo kết quả thi hoàn toàn trung thực, khách quan, đảm bảo sự công bằng cho tất cả thí sinh. Ngoài ra, các trường ĐH cũng sẽ tham gia công tác chấm thi.
Ông Phạm Văn Cường, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên, cho biết đã trang bị 3 máy chấm thi trắc nghiệm. Ban chấm thi gồm 97 người, gồm cả đội ngũ GV chấm thi, phục vụ, bảo vệ, an ninh… “Quy trình chấm thi rất nghiêm ngặt để đảm bảo sự trung thực. Có 2 thanh tra của Bộ, 5 thanh tra của Sở kiểm tra công tác chấm thi thường xuyên. Buổi tối sẽ có lực lượng ở lại điểm chấm thi để canh trực bài thi”.
Theo ông Nguyễn Thanh Tiệp, Giám đốc Sở GD-ĐT Long An, lực lượng GV chấm thi được tuyển chọn rất kỹ lưỡng. Đó là những GV có kinh nghiệm, dạy lâu năm, đang dạy lớp 12, không có con dự thi kỳ thi vừa rồi. Ngoài 80 GV chấm thi bước 1, còn có 10 GV chấm kiểm tra để đảm bảo bài thi được chấm nghiêm túc và công tâm nhất. “Mặc dù chi phí mua máy chấm thi khá đắt, mỗi máy có giá trên 100 triệu đồng, nhưng việc đảm bảo công tác chấm thi đúng tiến độ để công bố kết quả cho thí sinh quan trọng hơn, nên trong những ngày tới nếu cảm thấy khó có thể đúng tiến độ thì sẽ mua thêm máy”, ông Tiệp thông tin.

tin liên quan

Thi THPT quốc gia: Chậm nhất ngày 7.7 công bố kết quả
Chiều 24.6, Bộ GD-ĐT tổ chức họp báo kết thúc kỳ thi THPT quốc gia. Nhiều vấn đề được các phóng viên đặt ra như có hay không chênh lệch độ khó giữa các mã đề thi, giảm thí sinh vi phạm có phản ánh đúng thực tế, việc chấm thi sẽ tiến hành ra sao?...
Còn ông Lê Tuấn Tứ, Giám đốc Sở GD-ĐT Khánh Hòa, cho biết: “Sở đã chuẩn bị máy chấm trắc nghiệm từ trước khi kỳ thi diễn ra. Chúng tôi sợ máy chấm trục trặc nên chuẩn bị máy dự phòng. Bên cạnh những máy đã chấm những năm trước thì chúng tôi có mua thêm vài máy mới”.
Chia sẻ thêm về công tác chấm thi, ông Tứ cho biết: “Có công an trực 24/24, kiểm tra rất gắt gao, trực cả vòng trong lẫn vòng ngoài. Có từng phòng riêng biệt, như: phòng làm phách, phòng hội đồng, phòng chấm thi. Và chỉ những người có liên quan mới được vô. GV chấm thi chỉ được vô phòng chấm thi mà thôi”.
Với chấm thi tự luận, ông Nguyễn Hữu Tài cho rằng sẽ giám sát đến từng giám khảo. Ông Tài cho biết nếu phát hiện cán bộ chấm thi cho điểm có sự khác biệt với nhiều giám khảo khác thì các túi bài của người này sẽ được chuyển lên tổ chấm kiểm tra để thực hiện lại. “Sau 2 vòng chấm thi độc lập, dù bài thi có tổng điểm bằng nhau nhưng điểm thành phần chênh lệch cũng phải đưa ra để xử lý lại. Trong khi đó, mọi năm điểm thành phần chênh lệch nhưng tổng điểm bằng nhau vẫn được bỏ qua. Điểm mới này sẽ giúp quá trình chấm thi chính xác hơn với từng ý, từng câu”, ông Tài nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.