* Thưa ông, có thông tin cho rằng, bà Hiệu trưởng trường tiểu học Thăng Long Phan Thị Thắng khẳng định tại cuộc họp với tập thể phụ huynh lớp 3E: trong 15 ngày mà không tìm được địa điểm nào tốt hơn thì phải chấp nhận thuê nhà 319 Bạch Đằng để làm chỗ học cho 10 lớp sau khi trường có quyết định dỡ bỏ để xây mới? Điều này có đúng không?
- Ông Ngô Trí Nam: Trước những băn khoăn, lo lắng của phụ huynh đồng thời chủ trương vì sự an toàn của học sinh lên trên hết, đến thời điểm này có thể khẳng định là chúng tôi sẽ yêu cầu dừng không tính đến việc thuê nhà 319 Bạch Đằng làm lớp học như dự kiến nữa.
Còn thời hạn tìm kiếm địa điểm mới mặc dù không phải là “cứng” trong 15 ngày nhưng tinh thần là sẽ phải rất tích cực, quyết tâm tìm kiếm, cân nhắc mọi giải pháp có thể. Chúng tôi yêu cầu nhà trường, giáo viên, phụ huynh cùng vào cuộc để các cháu có chỗ học tốt nhất trong thời gian xây dựng trường mới.
* Thông thường, khi một trường xây dựng thì giải pháp tối ưu nhất là mượn cơ sở vật chất của các trường trên cùng địa bàn để học tạm. Vậy tại sao Phòng GD-ĐT không làm theo cách thức này mà lại định thuê nhà dân làm chỗ học?
|
- Ông Ngô Trí Nam: Chủ trương ban đầu của chúng tôi là không xé lẻ quá nhiều địa điểm học khác nhau để đỡ khó khăn trong công tác quản lý, chỉ đạo chuyên môn. Nếu mượn phòng trống của các trường thì không có trường nào đáp ứng được 10 phòng học. Hơn nữa, cùng thời điểm này thì trường tiểu học Trần Quốc Toản trên địa bàn cũng xây dựng và đã mượn cơ sở của trường Trưng Vương để học nhờ ½ số học sinh. Địa điểm 319 Bạch Đằng cũng chỉ là một địa chỉ để tham khảo trong quá trình tìm kiếm chứ không phải đã quyết định lựa chọn.
Xin nói rằng sau khi tìm được địa chỉ này thì chúng tôi vẫn tiếp tục tìm kiếm chứ chưa dừng lại.
Tuy nhiên, thời gian tới, trong cuộc họp giao ban với các trường chúng tôi chủ trương sẽ kêu gọi các trường trên địa bàn quận một cách quyết liệt hơn trong việc cho trường Thăng Long mượn cơ sở vật chất. Tôi tin rằng, cũng giống như anh em một nhà, một người có việc thì những người khác sẽ phải giúp đỡ, mặc dù có thể mỗi trường phải "hi sinh" một chút.
* Như trên ông nói trường tiểu học Trần Quốc Toản cũng xây dựng cùng thời điểm. Vậy tại sao ở một quận diện tích đất trường học chật chội như Hoàn Kiếm mà lại không tính toán để trường này xây xong thì mới đến trường kia, để có thể mượn phòng học ở các trường thuận lợi hơn?
- Ông Ngô Trí Nam: Cái này thì phòng GD-ĐT không quyết định được, nhu cầu về chỗ học là bức thiết nên cứ lúc nào dự án xây lại trường được phê duyệt, được cấp kinh phí thì ngành không thể từ chối hay tự ý sắp xếp là trường này xây xong rồi mới đến trường kia được.
* Cũng có ý kiến cho rằng, trường tiểu học Thăng Long cần được giữ lại như một chứng tích lịch sử, đặc biệt là ngôi trường chính là nơi khởi nghiệp của Đại tướng Võ nguyên Giáp?
- Ông Ngô Trí Nam: Tôi hiểu rằng đó là những điều rất đáng trân trọng nhưng vì di tích mà để học sinh phải thiếu chỗ học, thiếu chỗ sinh hoạt tập thể mãi như thế cũng không được. Trước ý kiến đó thì chúng tôi cũng sẽ cân nhắc và kiến nghị với ngành văn hóa bảo tồn ở một góc độ nào đó. Còn việc xây dựng trường theo hướng đạt chuẩn quốc gia, học sinh đủ chỗ học, không phải đi chia nhau học ở các điểm lẻ, có chỗ vui chơi, sinh hoạt tập thể là rất cần thiết và nên ủng hộ việc làm đó.
* Chủ trương phá dỡ trường cũ để xây mới trường Thăng Long hẳn cũng đã có từ rất lâu, tại sao những năm gần đây tuyển sinh nhà trường vẫn cho phép nhận học sinh trái tuyến mà không giảm bớt qui mô lớp học, giúp việc di dời đỡ vất vả hơn?
- Ông Ngô Trí Nam: Là một trường có đội ngũ giáo viên nổi tiếng, lại có bề dày thành tích như vậy nên sức ép xin học trái tuyến rất lớn mỗi mùa tuyển sinh. Để duy trì sĩ số như hiện nay là chúng tôi đã phải rất quyết liệt. Nhưng cũng chỉ hạn chế đến mức tối đa chứ không thể bỏ hẳn số học sinh trái tuyến.
Tuệ Nguyễn
(thực hiện)
Bình luận (0)