Sẽ hoàn tất COC trong năm 2012

05/04/2012 03:14 GMT+7

Kết thúc Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Campuchia, các bên nhất trí hoàn thành dự thảo COC trước khi thảo luận cùng Trung Quốc.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự phiên họp hẹp Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ngày 4.4 - Ảnh: TTXVN

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Thanh Niên tại Phnom Penh ngày 4.4, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh cho biết dù vấn đề tranh chấp tại biển Đông không nằm trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh nhưng trong cuộc họp ngoại trưởng ASEAN, các bên đã bàn thảo rất tích cực về Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), đặc biệt là những thành tố cần thiết cho COC.

Theo Bộ trưởng Phạm Bình Minh, ASEAN đánh giá cao cũng như hài lòng về những kết quả đạt được trong việc xây dựng dự thảo cho đến nay và đặt mục tiêu sẽ hoàn tất COC trước khi sang năm 2013. “Năm 2012 có ý nghĩa quan trọng đối với ASEAN. Đó là kỷ niệm 45 năm thành lập ASEAN, 10 năm ký kết Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Chính vì vậy, các thành viên muốn đạt được mục tiêu hoàn tất COC trong năm nay”, Bộ trưởng Phạm Bình Minh chia sẻ. Ông còn cho biết trong khi Trung Quốc bày tỏ ý định muốn tham gia soạn thảo nhưng các nước ASEAN thống nhất hoàn tất trước khi trao đổi với bên ngoài. Cũng tại Phnom Penh, Ngoại trưởng Thái Lan Surapong Tovichakchaikul nói với báo giới rằng: “Chúng ta cần đạt được thỏa thuận chung trong nội bộ ASEAN trước khi đàm phán với Trung Quốc”.

Cùng ngày, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 20 đã bế mạc tại Phnom Penh. Các nhà lãnh đạo ra tuyên bố chung cho biết vấn đề biển Đông sẽ được thảo luận trong những cuộc họp sắp tới giữa ASEAN và Trung Quốc trong năm nay. Tuy nhiên, chưa rõ biển Đông có được đưa vào nghị trình của Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 21 cũng tại Phnom Penh vào tháng 11 hay không. Tuyên bố chung cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, thực hiện đầy đủ DOC và ASEAN cần thống nhất về các thành tố trong COC làm cơ sở để trao đổi với Trung Quốc.

Trong cuộc họp báo bế mạc hội nghị, Thủ tướng Campuchia Hun Sen phủ nhận các chỉ trích rằng nước Chủ tịch ASEAN 2012 không đưa vấn đề biển Đông vào chương trình nghị sự vì áp lực của Trung Quốc. “Nhiều người nghĩ rằng có nhiều quan điểm khác nhau về biển Đông trong Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN 20. Tôi khẳng định đó là suy nghĩ sai lầm và việc không đưa vấn đề này trong nghị sự không phải vì áp lực của Trung Quốc”, ông nói. Tuy nhiên, Thủ tướng Hun Sen không giải thích lý do mà chỉ nói rằng đó là quyền của nước chủ tịch. Ngay trước khi hội nghị diễn ra, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã có chuyến thăm 4 ngày đến Phnom Penh.

Bên cạnh đó, khác với quan điểm của một số thành viên ASEAN, ông Hun Sen cho rằng để Trung Quốc tham gia soạn thảo COC là chuyện bình thường và hợp lý. “COC liên quan đến vấn đề trên biển Đông và Trung Quốc vì vậy không để Trung Quốc tham gia soạn thảo là vô lý”, ông nói. Trong buổi họp báo, Thủ tướng Campuchia cũng đề cao những đóng góp của Bắc Kinh trong quan hệ với ASEAN.

Minh Quang
(từ Phnom Penh, Campuchia)

Trong phiên họp ngày 4.4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu về các nội dung trọng tâm của hội nghị và có những đề xuất quan trọng, tập trung vào các vấn đề khu vực cùng quan tâm. Về tình hình biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị ASEAN sớm thống nhất về các thành tố cơ bản của COC để làm cơ sở đối thoại với Trung Quốc.

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo cho rằng ASEAN cần tiếp tục nỗ lực hợp tác vì hòa bình, an ninh và phát triển chung, đồng thời phát huy vai trò trung tâm ở khu vực, nhất là trong bối cảnh đang có những thay đổi nhanh chóng tác động trực tiếp đến hiệp hội. Theo đó, ASEAN cần tăng cường đối thoại, xây dựng lòng tin và các chuẩn mực ứng xử, phát huy vai trò và tác dụng của các công cụ và cơ chế hợp tác chính trị - an ninh.

Các nhà lãnh đạo hoan nghênh kết quả của cuộc bầu cử quốc hội bổ sung vừa qua của Myanmar, mong muốn nước này tiếp tục thực hiện Lộ trình 7 bước vì hòa hợp dân tộc, ổn định và phát triển, khẳng định ASEAN sẽ tiếp tục hỗ trợ và kêu gọi dỡ bỏ cấm vận Myanmar.

Về tình hình bán đảo Triều Tiên, hội nghị bày tỏ quan ngại về kế hoạch phóng vệ tinh của Triều Tiên, kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, giải quyết các bất đồng thông qua đối thoại, sớm nối lại đàm phán 6 bên, tuân thủ nghiêm túc các nghị quyết liên quan của HĐBA LHQ.

TTXVN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.