Sẽ là một EURO không thể nào quên

13/05/2021 09:35 GMT+7

Michel Platini đã từng nói như thế nhiều năm trước đây, khi ý tưởng về việc tổ chức một EURO trên quy mô lớn chưa từng có, với việc các trận đấu diễn ra ở nhiều thành phố tại nhiều quốc gia châu Âu trở thành hiện thực.

Đối với ông, đó là một cách tuyệt vời nhất để kỷ niệm 60 năm trái bóng EURO lăn lần đầu tiên vào năm 1960, ban đầu là một “phát kiến” của người Pháp nhằm tìm ra đội tuyển quốc gia xuất sắc nhất châu lục trong các giải đấu cứ 4 năm diễn ra một lần.
Bây giờ, Platini không còn là người đứng đầu UEFA nữa. Một scandal lớn đã đẩy ông vào bóng tối. Và một cơn đại dịch toàn cầu đã biến ý tưởng lớn của Platini thành một gánh nặng không nhỏ đối với chính UEFA và các nước đăng cai 51 trận đấu của giải. EURO đã bị hoãn từ năm ngoái sang năm nay, và khi giải đấu chắc chắn sẽ diễn ra khi người ta đã bước đầu kiểm soát được dịch, đã quen với việc chứng kiến các trận đấu không khán giả, thì những lo lắng liên quan đến EURO không chỉ là chuyên môn thuần túy. Điều đó khiến cho không khí một tháng trước ngày bóng lăn trong trận khai mạc Ý - Thổ Nhĩ Kỳ đêm 11.6 tới ở Rome thật buồn tẻ. Rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra: Kể cả khi một số lượng khán giả nhất định được vào sân trong các trận đấu thì liệu không khí có bị loãng không? Điều gì xảy ra nếu một làn sóng Covid-19 mới càn quét qua các nơi đăng cai giải đấu? UEFA sẽ làm gì nếu một vài đội bóng thiếu vắng nhân lực vì nhiễm vi rút chẳng hạn? Việc di chuyển của cổ động viên giữa các quốc gia để xem những trận đấu sẽ được thực hiện thế nào, nếu như mỗi quốc gia đăng cai lại có một chính sách chống dịch riêng, với các quy định cách ly riêng?

Tuyển Đức vẫn là ứng viên nặng ký

AFP

Đương nhiên, UEFA đã tính toán đến những rủi ro ấy và chắc chắn có các phương án, nhưng chỉ riêng việc cứ ngồi đếm ngày cho tới khi giải đấu diễn ra trong khi vẫn theo dõi tình hình về dịch ở từng nước, từ đó cập nhật để biết mình có được đến nơi ấy để xem trận đấu không cũng có thể khiến nhiều người hâm mộ mất hứng. EURO 2020 không còn là một giấc mơ bóng đá xuyên châu Âu như Platini và những lãnh đạo UEFA khác đã từng hướng đến, mà chỉ vì một con vi rút gần như vô hình nhưng có sức lây lan kinh khủng, bỗng nhiên trở thành một tập hợp những mảnh rất nhỏ riêng lẻ với các trận đấu ở nhiều quốc gia. Nếu không có những thay đổi nào liên quan đến các quy định, sẽ không có bất cứ ưu tiên nào cho những người mua vé không phải công dân các nước EU khi họ bị bắt buộc phải cách ly khi đến châu Âu. Và vì chính sách chống dịch mà có thể nhiều người có vé thậm chí không được nhập cảnh.
Chính trong cái bối cảnh hơi buồn của EURO ấy, khi một bầu không khí khá bi quan đang bao trùm tất cả, bóng đá phải trở thành thứ cứu rỗi EURO. EURO phải hấp dẫn, phải kịch tính và căng thẳng đến tận cùng và các trận đấu phải hay đến mức người ta quên rằng, trên khán đài còn biết bao chỗ trống vì quy định giãn cách, EURO 2020 mới thực sự không thể nào quên. EURO 2016 không tệ, nhưng vẫn bị cho là một “sản phẩm” buồn tẻ của việc nâng số đội dự giải lên con số 24, và trong hoàn cảnh bóng đá quá nhiều khiến người ta trở nên bội thực, nếu EURO 2020 không đem lại những ấn tượng mạnh mẽ về sự hấp dẫn và khó lường trước, với chất lượng chuyên môn cao, nỗi ám ảnh về một giải đấu bị ảnh hưởng vì đại dịch lại trở về. Điều gì có thể xảy ra trong giải này, khi đương kim vô địch Bồ Đào Nha của lối đá chắc chắn và thực dụng sẽ chứng kiến lần cuối siêu sao Ronaldo xỏ giày thi đấu cùng họ ở EURO; khi Pháp, đội bị họ đánh bại ở trận chung kết tại Paris 5 năm trước nhưng sau đó đã vô địch thế giới, đang khao khát phục thù; khi Anh có một đội ngũ trẻ trung và đầy lạc quan; khi Ý đã hồi sinh sau thảm bại không được dự World Cup 2018; khi Bỉ vẫn mạnh mẽ và hứng khởi với những người như Lukaku hay De Bruyne; và khi những đội bóng lần đầu xuất hiện như Bắc Macedonia và Phần Lan tuyên bố sẽ gây ra bất ngờ ở giải này?

Tuyển Croatia và Anh cùng có mặt hứa hẹn tạo nên giải đấu này lửa

AFP

Lần gần nhất và cũng gần như duy nhất, một đội bóng gây sốc ở giải khi vô địch EURO là Hy Lạp năm 2004. Lần gần nhất mội đội tuyển ngoài rìa đăng quang là Đan Mạch năm 1992. Hy Lạp không có mặt ở đây, nhưng Đan Mạch thì có. Những quốc gia Bắc Âu chính là những nước đứng đầu trong danh sách các nước hạnh phúc nhất thế giới. Nếu tư tưởng chơi bóng vì niềm vui ấy và bóng đá tấn công đẹp mắt tràn qua EURO và đem đến cho giải đấu một sức sống mới, với những bất ngờ được tạo ra từ những đội bóng yếu hơn, chúng ta sẽ quên đi rằng, mới đây thôi, đại dịch vẫn còn lởn vởn đâu đây…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.