Vụ thâu tóm 43 ha 'đất vàng' ở Bình Dương: Sẽ làm rõ 'có lợi ích nhóm' hay không

Đỗ Trường
Đỗ Trường
10/04/2020 06:21 GMT+7

Cơ quan ĐT Công an tỉnh Bình Dương khẳng định Tổng công ty SX-XNK Bình Dương chuyển nhượng 43 ha 'đất vàng' không đúng quy định, gây thất thoát trên 126,8 tỉ đồng; đồng thời kiến nghị xử lý nếu điều tra chứng minh được có 'lợi ích nhóm'.

Ngày 9.4, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương và Công an tỉnh tổ chức hội nghị thông tin tới báo chí về vụ khởi tố, bắt giam lãnh đạo Tổng công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương (trực thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương, gọi tắt là Tổng công ty Bình Dương), liên quan đến sai phạm tại 43 ha “đất vàng”. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hội nghị chỉ giới hạn 10 báo, đài, các thành viên tham dự đều được kiểm tra y tế, bắt buộc đeo khẩu trang...

Các bên tự thỏa thuận giá

Đại tá Trần Văn Chính, Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, cho biết kết quả điều tra xác định khu đất có diện tích 43 ha tọa lạc tại P.Hòa Phú (TP.Thủ Dầu Một) là tài sản nhà nước giao cho Tổng công ty Bình Dương để thực hiện dự án khu đô thị - thương mại - dịch vụ Tân Phú. Trong quá trình quản lý, sử dụng, vào năm 2016 Tổng công ty Bình Dương đã chuyển nhượng khu đất này cho Công ty TNHH đầu tư - xây dựng Tân Phú (gọi tắt là Công ty Tân Phú) với giá trên 250 tỉ đồng. Đại tá Chính cho biết giá này do Tổng công ty Bình Dương và Công ty Tân Phú tự thỏa thuận khi ký hợp đồng hợp tác kinh doanh vào năm 2010.
Cơ quan điều tra khẳng định trong việc chuyển nhượng 43 ha đất này, Tổng công ty Bình Dương thực hiện không đúng về thẩm định giá, đấu giá tài sản theo quy định về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, gây thất thoát trên 126,8 tỉ đồng so với bảng giá đất của UBND tỉnh Bình Dương quy định tại thời điểm chuyển nhượng năm 2016.
Vụ lãnh đạo Tổng công ty Bình Dương bị bắt vì thâu tóm 43 ha 'đất vàng': Sẽ làm rõ 'có lợi ích nhóm' hay không1

Công an Bình Dương thông tin về vụ án

Ảnh: Đỗ Trường

Do hành vi sai phạm này, ngày 8.4, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng đối với các bị can Nguyễn Văn Minh (Chủ tịch HĐTV) và Trần Nguyên Vũ (thành viên HĐTV, Tổng giám đốc Tổng công ty Bình Dương); khởi tố, cho tại ngoại điều tra bị can Huỳnh Thanh Hải (nguyên thành viên HĐTV đại diện phần vốn góp của Tổng công ty Bình Dương, hiện là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư và quản lý dự án Bình Dương trực thuộc Tổng công ty Bình Dương) để điều tra hành vi “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”.

Sẽ làm sáng tỏ vụ việc, không bao che

Tại cuộc họp, trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về trách nhiệm của lãnh đạo Tỉnh ủy Bình Dương tại thời điểm để xảy ra những sai phạm (2010 - 2016) của Tổng công ty Bình Dương, đại tá Trần Văn Chính cho biết: “Quá trình điều tra, thu thập tài liệu chứng cứ xong, cơ quan điều tra sẽ thống nhất với Viện KSND cùng cấp về ý kiến xử lý, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, sai phạm tới đâu xử lý tới đó”. Đại tá Chính cũng khẳng định quá trình điều tra, nếu chứng minh được có “lợi ích nhóm” trong vụ chuyển nhượng 43 ha sẽ kiến nghị xử lý nghiêm.
Về việc có thu hồi 43 ha đất, theo đại tá Trần Văn Chính đây là vấn đề hết sức phức tạp. “Hiện nay đất đã chuyển qua nhiều cá nhân, doanh nghiệp khác. Chúng tôi sẽ bàn bạc với Viện kiểm sát để thống nhất hướng xử lý”, đại tá Chính nói và cho biết thêm cơ quan điều tra công an tỉnh vẫn đang xác minh làm rõ việc Tổng công ty Bình Dương chuyển nhượng 145 ha đất với cách thức tương tự vụ 43 ha để làm dự án sân golf.
Cũng tại cuộc họp, ông Lê Hữu Phước, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương, cho biết việc cơ quan điều tra khởi tố các bị can liên quan đến sai phạm chuyển nhượng 43 ha đất, vốn góp tại Tổng công ty Bình Dương rất được dư luận quan tâm. Điều này cũng tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán của lãnh đạo Bình Dương trong việc chỉ đạo cơ quan chức năng xử lý đúng quy định pháp luật, làm sáng tỏ vụ việc, không bao che dung túng cho các hành vi vi phạm nếu có. Mọi hành vi vi phạm sẽ được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
PV Thanh Niên và một số PV báo khác cũng đặt ra các vấn đề về trách nhiệm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương tại thời điểm để xảy ra những sai phạm (những người này thuộc diện quản lý của Ban Bí thư), thì Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương có đủ thẩm quyền để điều tra? Qua vụ việc này, Bình Dương có rà soát, xử lý các dự án tương tự?... Tuy nhiên, những vấn đề này không được trả lời tại hội nghị.
Như Thanh Niên đã thông tin, khu “đất vàng” 43 ha trên do Tổng công ty Bình Dương liên kết, góp vốn với Công ty CP bất động sản Âu Lạc để thành lập ra Công ty TNHH đầu tư - xây dựng Tân Phú vào năm 2010. Nhằm thực hiện dự án khu đô thị - thương mại - dịch vụ Tân Phú. Năm 2017, Tổng công ty Bình Dương xin thoái vốn toàn bộ khỏi Công ty Tân Phú và được Công ty Âu Lạc trả lại trên 250 tỉ đồng. Sau đó, Công ty CP đầu tư - phát triển Kim Oanh đã mua lại toàn bộ quyền sở hữu của Công ty Âu Lạc tại Công ty Tân Phú.
Trả lời câu hỏi vậy Công ty Kim Oanh có liên quan gì tới sai phạm của Tổng công ty Bình Dương, đại diện Sở TN-MT Bình Dương cho biết đến thời điểm 1.3.2017, Công ty Tân Phú vẫn chỉ có 2 thành viên góp vốn là Tổng công ty Bình Dương góp 30% và Công ty Âu Lạc góp 70%. Sau khi Tổng công ty Bình Dương thoái vốn, Công ty Kim Oanh mới mua lại quyền sở hữu Công ty Tân Phú từ Công ty Âu Lạc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.