Sẽ thôi việc giáo viên dạy thêm học sinh chính khóa

01/09/2016 08:16 GMT+7

Đó là một trong 5 giải pháp của Sở GD-ĐT TP.HCM nêu ra để đảm bảo quản lý chặt việc dạy thêm, học thêm tại buổi làm việc với Ban Văn hóa xã hội của HĐND TP.HCM vào ngày 31.8.

Phải điều chỉnh thông tư 17
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết: “Có 2 dạng dạy thêm, học thêm. Dạng thứ nhất xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh, học sinh (HS), giáo viên (GV). Dạng thứ hai không xuất phát từ nhu cầu chính đáng và là hiện tượng biến tướng. Dạng này thực tế là có, chiếm tỷ lệ dưới 10% và trong năm học vừa qua Sở đã tổ chức kiểm tra chính thức 14 trường THPT, phát hiện chấn chỉnh các vi phạm. Cụ thể đã xử lý 3 trường hợp ở mức phê bình, kiểm điểm, không cho dạy HS đã dạy chính khóa, không xem xét thi đua”.
Theo thống kê, đến nay Sở đã cấp phép cho 82 trường THPT, trung tâm GDTX được dạy thêm trong nhà trường với khoảng 80.000 HS theo học, chủ yếu là các môn toán, vật lý, hóa học. Cấp phép dạy thêm ngoài nhà trường cho 34 cá nhân, tổ chức với khoảng 20.000 HS. Ở bậc THCS, các quận huyện cấp phép cho 106 trường học với 110.000 HS và 47 cá nhân, tổ chức dạy ngoài nhà trường với khoảng 10.000 HS.
Cấm các trường cho thuê mướn cơ sở dạy thêm
Trả lời PV Thanh Niên chiều qua, bà Nguyễn Thị Thu, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết: “Theo chủ trương và chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, việc TP cấm dạy thêm, học thêm trong nhà trường bao gồm 2 ý. Đó là cấm nhà trường tổ chức dạy thêm, học thêm và cấm luôn việc nhà trường cho các đơn vị giáo dục tư nhân thuê mướn cơ sở trường lớp để tổ chức dạy thêm”. Theo bà Thu, để đảm bảo chất lượng dạy và học chính khóa khi thực hiện cấm dạy thêm, học thêm, TP cũng chỉ đạo Sở GD-ĐT tăng cường công tác bồi dưỡng GV, củng cố chuyên môn nhằm giúp HS tiếp thu tốt chương trình.
Tân Phú
Vì vậy, để thực hiện theo chỉ đạo của Thành ủy về nghiêm cấm dạy thêm, học thêm trong nhà trường, Sở đề xuất UBND TP có văn bản đề xuất Bộ GD-ĐT điều chỉnh Thông tư 17 tổ chức dạy thêm, học thêm theo hướng bãi bỏ một số quy định.
5 giải pháp quyết liệt
Tại buổi làm việc sáng qua, lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết trong thời gian chờ đợi điều chỉnh từ phía Bộ, để đảm bảo quản lý chặt chẽ việc dạy thêm, học thêm, Sở sẽ triển khai quyết liệt 5 giải pháp sau: không cho phép GV dạy thêm HS đang học chính khóa cả trong hay ngoài nhà trường, mức xử lý cao nhất là đuổi việc nếu vi phạm.
Các giải pháp tiếp theo là nâng cao trách nhiệm của hiệu trưởng trong việc xử lý dạy thêm của GV. Hiệu trưởng chịu mức kỷ luật cao nếu xảy ra việc để GV ép buộc HS tham gia học thêm. Sở sẽ ngừng cấp phép mới cho hoạt động dạy thêm trong các nhà trường THPT, các quận huyện ngừng cấp phép bậc THCS.
Triển khai mạnh mẽ các giải pháp đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập, cách ra đề kiểm tra theo hướng phân tích, đánh giá chấm dứt việc ra đề theo hướng từ chương, thuộc bài.
Sở tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện, cơ sở báo đài đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra để chấm dứt nạn dạy thêm, học thêm trái quy định.
Tại cuộc họp, các đại biểu cho rằng Sở cương quyết nhưng không nên cực đoan và mọi quyết định phải thấu tình đạt lý. Chẳng hạn, việc đuổi việc GV nếu vi phạm cần phải được xem xét kỹ càng. Cần có lộ trình thực hiện, tuyên truyền rộng rãi, tìm hiểu khi phát hiện vi phạm và tùy từng trường hợp để có cách xử lý khéo léo, tránh gây tổn thương cho đội ngũ nhà giáo. Còn bà Nguyễn Thị Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Túc (H.Bình Chánh), nói: “Tôi không muốn cùng chính quyền địa phương đi tìm xem GV của trường có dạy chính HS của mình hay không?”. Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT, khẳng định: “Sở không cấm GV dạy thêm bên ngoài nhà trường ở các trung tâm”.
Khó thực hiện sao vẫn quy định
Thông tư 17 quy định về dạy thêm, học thêm (ban hành ngày 16.5.2012) của Bộ GD-ĐT quy định: “Đối với GV đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được tự tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ở trung tâm; không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với HS mà GV đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý GV đó”.
Trả lời tại cuộc họp báo khi mới ra đời thông tư này, ông Đoàn Văn Ninh, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT nhận định: “Nội dung này là phần khó khăn nhất khi xây dựng dự thảo và cũng là nội dung khó khăn nhất khi xin ý kiến và quyết định ban hành. Việc quy định GV không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường nhằm chấn chỉnh tình trạng lộn xộn, tiêu cực khi GV của các trường công lập trở thành các “ông bầu” về dạy thêm”.
Bộ GD-ĐT cũng lý giải không hiếm trường hợp GV không chỉ dạy thêm môn mình dạy mà còn đứng ra tổ chức cả các môn khác và mời GV tới dạy nhằm mục đích kinh doanh.
Tuy nhiên, việc không tổ chức dạy thêm còn có thể hiểu là GV cũng không được tự đứng ra mở lớp dạy thêm chính môn học của mình cho HS không phải là HS dạy chính khóa trên lớp.
Trên thực tế từ khi thông tư này ra đời đến nay đã tròn 4 năm nhưng ghi nhận của Thanh Niên cho thấy, hiện tượng GV tổ chức các lớp dạy thêm tại nhà vẫn rất phổ biến, nhất là với những GV giỏi, có tiếng. Bản thân các GV này cũng không nghĩ mình vi phạm quy định dạy thêm vì họ cho rằng có phụ huynh, HS đến xin học và họ nhận lời, thậm chí còn chọn lọc HS để dạy. Họ không đứng ra tổ chức, cũng không ép buộc hay “mời gọi” ai. Đó là chưa kể khả năng các GV “lách” quy định này cũng rất cao. Chẳng hạn GV không tự mở lớp dạy thêm tại nhà mà nhờ ai đó đứng tên, tổ chức rồi mình... dạy. Như vậy, rõ ràng quy định có cấm nhưng sẽ không bao giờ thực hiện được trên thực tế.
Trước thực tiễn của cuộc sống và những quy định khó thực thi ở Thông tư 17, theo tìm hiểu của Thanh Niên, thời gian tới Bộ GD-ĐT sẽ rà soát lại toàn bộ quy định này và có những điều chỉnh cho phù hợp hơn.
Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.