Sẽ xử nghiêm nếu phát hiện tiêu cực

09/07/2011 01:01 GMT+7

Đó là khẳng định của đại tá Võ Văn Nhuận - Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (Công an TP.HCM) - khi trả lời phỏng vấn của Thanh Niên về tình trạng xe quá tải ngang nhiên hoạt động trên nhiều tuyến đường gây bức xúc trong dư luận (Thanh Niên đã có loạt bài phản ánh). Ông Nhuận nói:

Đúng là tình trạng chở hàng quá tải trọng cho phép vẫn còn khá phổ biến. Thời gian qua, Công an TP thường xuyên chỉ đạo lực lượng CSGT tăng cường kiểm tra xe chở hàng quá khổ, quá tải. Trong 6 tháng đầu năm nay, chúng tôi phát hiện và xử phạt 1.686 trường hợp vi phạm. Sắp tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp Thanh tra Sở GTVT tăng cường công tác kiểm tra, xử lý đối với các vi phạm về chở quá tải.

 

Xe chở tôn cuộn, tải trọng khoảng 75 tấn, quá tải gần 3 lần, từ cảng Bến Nghé ra đường Huỳnh Tấn Phát - Ảnh: D.Đ.M 

Tại sao CSGT thường xuyên tuần tra, xử phạt nhưng tình trạng xe quá tải vẫn tồn tại, thậm chí nhiều xe ngang nhiên "qua mặt" CSGT?

Các tài xế dùng nhiều cách để lẩn tránh sự kiểm tra của CSGT, như chọn đi vào giờ cao điểm - là thời gian mà chúng tôi phải tập trung lực lượng để điều tiết, phân luồng giao thông. Chính vì vậy mới có trường hợp mà Báo Thanh Niên ghi nhận là ngang nhiên "qua mặt" CSGT. Ngoài ra, trên một số tuyến đường, giao lộ gần khu vực các cảng, KCN vì diện tích mặt đường nhỏ hẹp, trong khi mật độ lưu thông đông nên công tác kiểm tra, xử lý các xe quá tải dễ gây ùn tắc. Việc hạ tải, bốc, dỡ hàng hóa xuống đường cũng sẽ gây cản trở giao thông. Theo quy trình tuần tra kiểm soát, CSGT chỉ được dừng tối đa 3 phương tiện để kiểm tra, trong khi các xe tải vi phạm thường lưu thông thành đoàn dài nên chúng tôi không thể xử lý nhiều xe cùng lúc.

Có dư luận cho rằng, xe quá tải hoạt động ngang nhiên là do các chủ xe đã chung chi, "bao đường", quan điểm của ông trước thông tin này?

Từ khi triển khai kế hoạch phối hợp liên ngành giữa CSGT và thanh tra giao thông, trong vòng 1 tháng từ 14.5 đến 14.6.2011, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 729 trường hợp vi phạm quá tải với tổng số tiền xử phạt gần 1,7 tỉ đồng, tước giấy phép lái xe 683 trường hợp. Trong đó, có 370 vụ chở quá tải trọng thiết kế, 49 vụ chở quá tải trọng cho phép của cầu đường...

Có dư luận này nhưng không ai đưa ra được chứng cứ cụ thể thì chúng tôi không thể xử lý được. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ đạo các cấp ủy, chỉ huy từng đơn vị phải tự kiểm tra, quản lý cán bộ, chiến sĩ của mình. Ngoài ra nếu cá nhân, tổ chức nào cung cấp đủ chứng cứ về hành vi tiêu cực của CSGT thì chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm.

Có một nghịch lý là nhiều trường hợp xe vượt tải gấp 200 - 400% không bị xử phạt, trong khi thời gian qua CSGT chủ yếu lập biên bản xe tải nhẹ hoặc chỉ vượt tải 20 - 30%?

Tất cả các trường hợp chở quá tải khi bị CSGT phát hiện đều được lập biên bản đúng lỗi vi phạm, không phân biệt loại xe. Vì vậy không có chuyện phân biệt xe lớn, xe nhỏ khi xử phạt.

Sắp tới, CSGT có kế hoạch tăng cường kiểm tra, xử phạt nhằm hạn chế xe quá tải không, thưa ông?

Việc kéo giảm, hạn chế xe quá tải không chỉ là trách nhiệm của lực lượng xử phạt, mà còn là trách nhiệm chung của xã hội. Trong đó, cụ thể nhất phải kể đến trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp và ý thức chấp hành pháp luật của các chủ hàng, chủ phương tiện vận tải, bộ phận xếp dỡ hàng và đặc biệt là trách nhiệm của tài xế. Nếu có sự hợp tác tích cực từ các phía này, cộng với sự tăng cường kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng thì sẽ hạn chế được tình trạng chở quá tải, quá khổ trên địa bàn TP.

Phương Thanh
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.