Sen tàn - Truyện ngắn của Song Ngư

11/09/2016 20:00 GMT+7

Mẹ bảo tôi nên cưới em. Trong số những người con gái tôi đưa về ra mắt, em không xinh nhất, không giỏi nhất, cũng không duyên nhất. Nhưng có lẽ là duyên số.

Có những người ta đã đắm say yêu, tưởng không ở bên nhau sẽ ôm hận cả đời nhưng lại không cả đời bên nhau được. Có những người ta hờ hững, cứ ngỡ chỉ yêu thôi, nhưng cái điều giản dị đó cũng trở nên quá xa vời. Tôi chưa thể nói là đã yêu em. Em chỉ là một cô gái hững hờ gặp trong một phiên chợ số phận.
Tôi đưa em đáp chuyến bay từ Sài Gòn ra Hà Nội, rồi lên chuyến xe khách về thẳng nơi này. Thành phố nhỏ, dẫu đông đúc và đang cố trưng sự đủ đầy vật chất nhưng vẫn có được vẻ thanh bình lặng lẽ của một đô thị tỉnh lẻ. Em hơi ngạc nhiên khi tôi yêu cầu thuê hai phòng khách sạn trong thành phố ấy, nhưng nhanh chóng lấy được vẻ bình thản. Bởi em háo hức với lời hứa rằng tôi sẽ đưa em về thăm quê tôi, một trong những làng quê bình yên nhất, nơi có rất nhiều đầm sen. Bây giờ là lúc sen tàn…
Làng nằm trong đê. Con đê chạy dọc sông Hồng. Tôi đi xa đã lâu mà trong những nỗi buồn lặng lẽ của cuộc mưu sinh tôi vẫn nhớ về làng, nơi mà gần như toàn bộ những ngôi nhà đều giữ được lối kiến trúc của mấy chục năm về trước: nhà ngói ba gian, sân gạch, hàng cau, đặc biệt nhiều đầm ao xôn xao tăm cá và sen. Lúc này sen tàn, những cái đầm rộng mênh mông chỉ thấy một màu xanh xám của lá sen đang rũ xuống. Giữa đám lá tàn tạ đó nổi một đôi ánh hồng le lói của vài bông sen muộn.
“Dễ thường, tôi không nhắn, chắc đến chết anh cũng không về?”.
Lân bảo, mẹ trong những cơn mê sảng thường gọi tên tôi và cha tôi. Tôi lặng lẽ cười, biết rằng chỉ trong cơn mê mẹ mới nhắc đến tôi và cha, những người mà ngày thường chẳng bao giờ bà đoái tới. Mẹ tôi là một người phụ nữ lạnh lùng, một đời không ngoái lại phía sau lưng.
Nhà tôi trong này đê, nhà ông ngoại từng ở bên kia đê. Bên kia đê, tức là ngoài bãi sông. Người ta bảo rằng ba trăm năm trước người nằm trong nhà có thể nghe tiếng sông dồn dập thở. Mùa lũ về, sông Hồng đỏ ngầu cuồn cuộn phù sa thúc ầm ầm vào thân đê mà nhìn từ trên những ngọn đa cổ thụ trong làng nó chỉ còn như một lằn chỉ mỏng manh.
Bây giờ, dòng sông đã rời xa con đê cả cây số. Nơi trước kia sóng vỗ đỏ ngầu giờ mướt xanh những bãi dài ngô đậu, những vườn chuối xanh nõn và những vườn ổi thơm nức. Dường như chỉ có ngôi làng trong đê ít đổi thay và đổi thay trong lặng lẽ. Những đầm sen, người già trong làng nói đã có tự bao đời sen tàn sen nở trong những cái đầm ấy… Mấy chục năm trước, một ngôi làng nhỏ mọc lên giáp triền sông. Có những năm lũ lớn, người làng ấy bồng bế dắt díu nhau, cùng gia cầm gia súc của họ vào trong đê xin tá túc, đợi cơn hung hãn của thủy thần nguôi, mới trở về làng.
Đến giờ tôi vẫn không rõ ông ngoại tôi từ nơi nào đến. Có lẽ tổ tiên phía ngoại đã bao đời nổi chìm cùng sông nước. Ông ngoại sống cuộc đời nối tiếp, đưa gia đình gồm vợ và năm đứa con, ba gái hai trai lênh đênh trên bao nhiêu dòng sông, cập bao nhiêu bến nước. Rồi khi đến bãi sông làng này, một mối lương duyên tiền kiếp đã khiến xui ông cắm cọc dựng nhà. Các cô con gái của ông, mỗi mùa sen thường vào các làng trong đê hái sen thuê. Rồi ba cô con gái xinh đẹp ấy lần lượt được gả cho những chàng trai con nhà thế lực trong vùng.
Nói nhà nội tôi là một trong những gia đình có thế lực để ông ngoại yên tâm gửi gắm người con gái út xinh đẹp của mình thì không hẳn. Chỉ là ông nội tôi giữ nghề nấu rượu ngon nổi tiếng khắp xa gần, một bí quyết nào đó chỉ một mình ông được biết, và đơn truyền. Điều này gắn với một thỏa hiệp âm thầm của tổ tiên với thần linh, thứ mà tôi cố gắng giải mã, nhưng không thể. Nếu không có gì thay đổi, và những người nắm giữ bí quyết tuân thủ sự thiêng liêng của những lời nguyền, thì rất có thể hôm nay tôi vẫn ở lại làng, và giữ nghề nấu rượu cùng bí quyết ấy.
Người ta bảo cha tôi đã tự tử.
Cha tôi là con trai duy nhất của ông nội. Ông nội mất, truyền lại nghề cho cha. Có lời đồn rằng bí quyết của những loại rượu nổi tiếng khiến người ta uống một lần là muốn uống nữa, không có rượu ấy thì các rượu khác chỉ là đồ bỏ đi… thực chất chỉ là có thêm chất gây nghiện. Nhưng rượu của cụ nội, ông nội mà sau này là của cha tôi thì khác. Nó không khiến người ta nghiện, nó không khiến người ta bằng được phải có nó mà nó khiến người ta thấy được trên đời có một thứ đáng để thưởng thức. Đại khái thế, chứ thực tình tôi chưa từng được uống thứ rượu bí truyền ấy bao giờ. Nguyên nhân là tôi chưa kịp lớn thì cha tôi đã bỏ nghề, rồi khi ông mất, bí quyết nấu rượu ông đã mang theo.
Sinh ư nghệ, tử ư nghệ. Cha tôi lấy chính rượu làm thuốc độc tự giết chết mình. Việc này diễn ra trong nhiều năm. Khi đó tôi còn nhỏ. Điều duy nhất tôi nhớ về cha chính là trong ngôi nhà ngói ba gian rêu phủ, cha tôi ngồi trên trường kỷ, chai rượu để trên bàn, và ông ngồi đó, lúc ở đầu này, lúc ở đầu kia, chai rượu trên bàn hết đầy lại cạn. Cha tôi chết trên chính chiếc trường kỷ ấy. Nhiều năm sau này, mỗi lần ngồi trên trường kỷ, tôi lại có cảm giác cụ nội, ông nội và cha vẫn ngồi đó, nhìn tôi, nhìn chai rượu và nhìn đầm sen trước mặt. Sen trong đầm luôn luôn tàn, và đôi mắt họ thì buồn vô tận.
Một ngày nọ, khi tôi vẫn còn nhỏ, ông ngoại lại đưa bà ngoại và các cậu rời đi trên một con thuyền, bỏ lại ngôi nhà trong ngôi làng mới ven sông. Tôi vẫn nhớ đó là một đêm trăng sáng, sen trong các đầm đang rũ tàn. Mẹ tôi từ bến sông trở về, khắp người bà tỏa hơi sương và ánh trăng lạnh. Ngôi nhà ấy vẫn còn, hoang tàn, đổ nát. Khi còn nhỏ, tôi vẫn dẫn thằng Lân em trai tôi, và những đứa trẻ chăn bò khác chơi trận giả ở đó.
Thằng Lân đen thùi lụi, trông nó như được nhuộm bởi củ nâu và bùn. Người già bảo rằng xưa làng có một cánh đồng chỉ chuyên trồng bông. Mùa bông chín, những cô gái, những bà những mẹ đi hái bông về phơi, lọc hết hạt rồi se sợi dệt vải. Vải dệt xong rồi, phiên chợ đi mua củ nâu về giã lọc lấy nước ngâm vải. Qua ngày sau vớt ra phơi trong nắng to, được những tấm vải nâu. Nếu muốn nhuộm màu đen, người ta lại phải lấy bùn từ ao về lọc sạch đá sỏi, chỉ còn nước bùn mịn quánh, rồi ngâm vải nâu vào đó, hôm sau vớt ra giặt sạch phơi khô. Trong suốt những ngày nhuộm vải, những người phụ nữ trong làng không ai được nghỉ ngơi, lúc nào cũng quần quật phơi phóng để có được tấm vải nâu, đen đều đẹp nhất.
Da thằng Lân đen bóng như vải nâu ngâm bùn. Nói thế thì hơi quá đáng. Ở trong làng có ba đứa trẻ khác cũng da đen bóng như nó. Chúng là con trai của ông Khền thầy thuốc. Ông Khền không phải người gốc nước Nam, nghe nói quê cha đất tổ của ông ở đâu đó xa, xa lắm, đến nỗi ông còn không biết nó ở đâu, và chưa từng đến bao giờ. Ông Khền giỏi nghề thuốc nam, và đặc biệt thuốc chữa chứng chảy máu cam. Mỗi năm, vào một đôi tháng nhất định, ông chở trên xe đạp một cái thùng gỗ to. Trong thùng là thuốc cam được nặn thành từng viên tròn tròn màu đen, hoặc đen nâu, dẻo mềm, khi nhai có vị ngòn ngọt, tan dần trong miệng. Ông sẽ lai cái thùng thuốc đó đi khắp nơi xa gần bán. Bình thường, chẳng có đứa trẻ nào làm sao, nhưng hễ ông Khền mang thùng thuốc cam đến, là y như rằng bọn trẻ thấy chúng có triệu chứng của bệnh chảy máu cam. Thật lạ lùng, máu từ trong mũi chúng như một con rắn nhỏ lạnh lùng lặng lẽ bò ra. Vậy là thùng thuốc cam của ông Khền mau chóng hết.
Tôi dường như chẳng thể nào quên ông Khền thầy thuốc. Ông cao lênh khênh, gầy nhẳng, khuôn mặt đen đúa luôn hốc hác và đôi mày rậm luôn nhíu lại, tuồng như có một nỗi khổ tâm ghê gớm chưa được giải đáp. Ông thường khoác cái túi vải bên hông, lang thang trên khắp các cánh đồng, dọc bờ đê lộng gió. Ông bảo thiên nhiên quanh ta đều là những vị thuốc quý giá. Ông trời không vô cớ sinh ra cái gì bao giờ, chỉ là ta có biết tận dụng, trân quý chúng không mà thôi. Mỗi khi đi lang thang hái thuốc, gặp anh em tôi chơi trên bờ đê, ông thường giúi cho chúng tôi một đôi viên thuốc cam màu đen, mềm dẻo và ngòn ngọt. Ông âu yếm nhìn chúng tôi ăn ngon lành, như ăn một viên kẹo, rồi ông bỏ đi, bộ quần áo rộng thùng thình trên người ông bay phần phật trong gió.
Ngày ông Khền mất, tôi và thằng Lân vẫn ở trọ thành phố theo học đại học. Nhưng suốt ngày hôm đó nó khóc như trái tim đã bị cứa một vết thương sâu, đớn đau và nhức nhối.
Tôi không nhớ nhiều lắm nhưng có lẽ ngày thằng Lân ra đời cũng là ngày cha tôi đặt chai rượu trên bàn và ngồi cả ngày trên trường kỷ. Phải rồi, lúc ấy cũng vào vụ sen tàn. Hồ sen trước nhà tôi năm nào cũng sai hoa, và khi chúng nở, cả không gian ướp đậm trong mùi hương thanh trong, lộng ngát.
Em tên Sen.
“Hai đứa định bao giờ cưới, để tôi còn bế cháu?”.
Nghe mẹ tôi hỏi, Sen khẽ mỉm cười, liếc nhìn mấy đứa trẻ con của Lân, em trai tôi. Đứa nào cũng giống cha nó, đen thùi lụi.
Sen bảo, hay mình cưới nhau hả anh?
Tôi dắt Sen băng qua đường đê ngập trong sắc cỏ mùa thu sang ngôi làng bên sông. Trên dải đất này, mấy trăm năm trước từng có một “tiểu Tràng An” sầm uất thuyền xuôi bè ngược. Bây giờ, thương cảng xưa chỉ còn lưu lại một tên đường, một chút dấu vết nhỏ nhoi lặng lẽ. Sông đã rời xa bến hàng ngàn mét phù sa.
Sen để bàn tay nằm yên trong tay tôi. Chúng tôi lặng nhìn ngôi nhà ngói ba gian đã sập hết mái, chỉ còn trơ lại bốn bức tường rêu phủ. Nơi này, mẹ tôi đã khoác áo cô dâu xuất giá theo chồng vào trong đê. Nơi này, ông ngoại đã một lần nữa đưa vợ con di hương, và không một lần trở lại.
Mẹ tôi đã già yếu lắm rồi. Nghe Lân nói bà thường đòi trở lại nghề nấu rượu. Bà nói bà là người con dâu duy nhất trong các đời lấy được bí truyền của nghề ấy…
Có thể tôi sẽ kể cho mẹ về Sen. Sen có một người ông, là ông nội, đã trên trăm tuổi và lãng quên tất cả. Ông cụ ấy có hai người con trai, một người nấu rượu ngon nổi tiếng khắp xa gần, và người kia là thầy lang giỏi khắp gần xa, có tài chữa bệnh chảy máu cam cho trẻ nhỏ.
Mẹ có khóc không, có nhớ về song thân và những người em trai lưu lạc của bà...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.