Shipper dọc ngang Sài Gòn – Kỳ 3: Cử nhân giao hàng kiếm cơm

26/10/2017 09:44 GMT+7

Bên cạnh những chuyến giao hàng liên tỉnh xa vời vợi và đầy rủi ro, thì cũng có không ít những niềm vui, những điều bất ngờ. Nếu ai không phải là shipper mà chỉ nhìn từ một phía, thì khó có thể hiểu hết được.

“Niềm vui” nhỏ của dân shipper
 Tôi nhớ hoài câu chuyện giữa một shipper tên Sơn và đồng nghiệp nói với nhau, mà tình cờ nghe được, khi đang nghỉ chân tại một quán cà phê ở Nhà Bè.
Với vẻ mặt đầy hào hứng, người tên Sơn bắt đầu câu chuyện bằng việc móc trong túi ra 400.000 đồng, và nói với đồng nghiệp trong chuyến đi giao hàng liên tỉnh từ Bình Dương lên Đồng Nai ngày hôm qua, Sơn được khách boa.
Cụ thể, hôm qua Sơn giao hàng cho một vị khách ở Bình Dương khi trời vừa nhá nhem tối, bất chấp tất cả Sơn vượt qua nỗi sợ hãi, liều mình chạy băng băng trong cánh rừng cao su bạt ngàn để đến nhà của vị khách đó.
Đến nơi, Sơn gọi điện cho khách để nhận hàng. Sau khi các thủ tục xong xuôi, khách đưa cho Sơn đúng 1 triệu đồng, trong khi món hàng đó chỉ 580.000 đồng.
Trong lúc Sơn đang loay hoay lấy tiền thối cho khách thì vị này vỗ vai Sơn, nói: “Chú mày đưa lại cho anh 20.000 đồng thôi, để xíu anh đi chơi gửi xe, còn lại chú mày cứ giữ lấy”, vậy là quá ngon lành cho đơn hàng đầu tiên.
Các shipper chất hàng lên xe, chuẩn bị đi giao cho khách.
Còn Nguyễn Quốc Cường (25 tuổi, ngụ Q.5) là “bạn thân” từ ngày tôi mới bắt đầu làm shipper, thì sướng hơn Sơn nhiều. Tôi thầm nghĩ chắc người như vậy “hơi hiếm”. Cường dí dỏm nói: “Hôm đó kẹt công chuyện đi không được, nhờ mấy anh em trong hội “đá bill” mà không ai chịu đi, ai dè trúng mánh mà còn gặp được chị khách dễ thương nữa chứ”. Đúng thật, hôm đó Cường có nhờ anh em “đá bill” nhưng ai cũng bận, còn tôi thì chưa chạy xa bao giờ nên không dám nhận.
Hôm đó, Sơn nhận đơn giao hàng cho khách ở tận Long Khánh, Đồng Nai. Tuy đường xa nhưng bù lại là đi ban ngày, nhà khách thì ở mặt tiền dễ tìm, nhưng xui cho Sơn là gần tới nhà khách thì xe bị nổ lốp: “Trễ giờ khách gọi hối liên tục, mà ông thợ sửa xe thì cứ như đang đói bụng, làm chậm chậm thấy nản”, Sơn kể.
Hơn 30 phút mà xe vẫn chưa vá xong, vì không đợi được nữa khách mới gọi cho Sơn hỏi địa chỉ, rồi chạy xe tới chỗ Sơn đang sửa xe để lấy hàng. Tới nơi, chị khách có vẻ ngoài lịch sự vào nhận hàng rồi đưa cho Sơn 600.000 đồng, nói: “Hàng chỉ có 400.000 đồng thôi, em cầm 200.000 đồng sửa xe đi, trên đường về chạy xe cẩn thận nha em. Cầm tiền mà tao rớt nước mắt”, Sơn kể.
Ngoài những vị khách “sộp” hay boa, thì khi anh em shipper đến giao hàng, khách cho cơm, cho nước,… cũng là chuyện thường, cứ vui vẻ, nở nụ cười với khách thì khi giao hàng trễ ai mà nỡ giận mình chứ.
Cử nhân giấu cha mẹ để làm shipper
Đứng trước một nhà hàng trên đường Trần Bình Trọng, Q.5 (TP.HCM) đợi khách để giao hàng, tôi tình cờ gặp một shipper cũng trạc tuổi tôi, với nước da đen nhẻm, quần áo nhăn nhúm, đứng lóng ngóng có vẻ sốt ruột vì chờ khách lâu. Thấy vậy, tôi lân la làm quen thì được biết bạn tên Phan Cao Vinh (25 tuổi, quê Vĩnh Long) là shipper khu vực Bình Thạnh và là cựu sinh viên trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Vinh cho biết đã tốt nghiệp khoa quản trị kinh doanh được 4 năm. Ba năm đầu, Vinh xin làm việc tại một khách sạn nhưng lương bổng chẳng bao nhiêu, chỉ lèo tèo vài triệu đồng/tháng mặc dù đã cố gắng cống hiến hết mình.
Sau đó, Vinh tiếp tục vào làm tại một nhà hàng với vai trò là quản lý. Mang danh quản lý cho có tiếng, chứ lương thực chất chỉ bằng người làm công việc tạp vụ, sau khi trừ tất cả các chi phí và gửi về cho cha mẹ một ít, thì không còn dư được bao nhiêu. Cho đến khi nghe bạn bè giới thiệu nghề ship tự do chạy dễ kiếm cơm, mỗi tháng ít nhất chục triệu, thấy “ưng bụng”, Vinh bắt đầu nhận ship hàng nhỏ lẻ với thu nhập tháng đầu tiên là 7 triệu đồng. Nhưng theo Vinh, đây chỉ là công việc tạm thời trong thời gian tìm việc khác đúng chuyên môn, để không bỏ phí 4 năm đại học với biết bao niềm hy vọng của cha mẹ.
“Mình chạy ship hàng nhưng cha mẹ ở quê không biết. Lúc đầu, mình chạy những đơn nhỏ, tiền ứng ít nên mỗi ngày mình chạy trên dưới cũng tầm 300.000 đồng, nhưng nhờ bạn bè giới thiệu cho một số mối quen nên hiện giờ thu nhập mỗi ngày mình chạy cũng tầm 500.000 đồng – 600.000 đồng, cao hơn hẳn so với những nơi mình làm trước đây. Tiền ship thì nhận “tiền tươi” trong ngày, không phải đợi chờ tới cuối tháng. Mỗi tháng sau khi gửi tiền về cho cha mẹ thì mình cũng còn dư một kha khá để làm vốn”, Vinh chia sẻ.
Còn Lê Chí Cường (28 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) cũng là đồng nghiệp của tôi, từng tốt nghiệp cử nhân công nghệ thông tin (CNTT) nhưng vẫn chọn nghề shipper để kiếm sống, Cường kể, sau khi tốt nghiệp với tấm bằng lập trình viên quốc tế Cường nhanh chóng tìm được công việc ứng ý, đúng ngành nghề mình đã học.
Nhưng sau 2 năm thử sức ở lĩnh vực này, Cường cảm thấy môi trường làm việc tại đây quá gò bó, áp lực cao, mà lương lại “3 cọc 3 đồng” nên Cường nhận hàng ship thêm để tăng thu nhập. Làm một thời gian thấy kiếm tiền “dễ”, Cường quyết định nghỉ hẳn công việc hiện tại, để dành toàn bộ thời gian cho việc giao hàng. Có ngày Cường chạy trên 400.000 đồng, tính ra mỗi tháng nếu Cường chăm chỉ thì kiếm trên dưới 12 triệu đồng, cao gấp vài lần công việc trước đây.
“Bỏ qua những vất vả, nguy hiểm thì nghề ship hàng cũng có nhiều thứ vui lắm. Tuy cực nhưng bù lại thoải mái thời gian, mỗi ngày gặp được nhiều con người mới, đặc biệt là những bạn nữ xinh xắn đặt hàng, rồi những chị, những anh dễ thương, hỏi han, cho thêm tiền. Đó là những niềm vui bù lại cho những shipper như mình”, Cường tâm sự.
Đây chỉ là một trong những trường hợp điển hình nhất, trong số những đồng nghiệp mà tôi quen biết được. Nguyên nhân chọn nghề giao hàng mà không làm đúng ngành nghề mình đã học, là vì không xin được việc làm, không tìm được công việc đúng chuyên môn, lương thấp, hoặc chỉ là công việc tạm thời trong thời gian họ tìm việc đúng chuyên môn, sở thích,… vì thế họ đã chọn nghề ship hàng, thích thì họ nhận hàng chạy đều đều, bằng không thì nghỉ, chỉ đơn giản vậy thôi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.