Siêu động đất chực chờ bờ tây Mỹ

24/07/2015 09:13 GMT+7

Vùng bờ tây nước Mỹ, đặc biệt là khu vực bang California, có thể hứng một trận động đất lên tới hơn 9 độ Richter “vào bất cứ lúc nào”.

Vùng bờ tây nước Mỹ, đặc biệt là khu vực bang California, có thể hứng một trận động đất lên tới hơn 9 độ Richter “vào bất cứ lúc nào”.

Ảnh minh họa cảnh báo về siêu địa chấn và sóng thần Cascadia -	Ảnh: DC News
Ảnh minh họa cảnh báo về siêu địa chấn và sóng thần Cascadia - Ảnh: DC News
Đó là cảnh báo của các chuyên gia thuộc Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) và nhiều nhà khoa học trong bối cảnh những rãnh đứt gãy địa tầng trong khu vực đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ. Mới đây nhất, một trận động đất 4,1 độ Richter xuất phát từ đứt gãy Hayward ở Thái Bình Dương đã làm rung chuyển vùng vịnh San Francisco của bang California vào rạng sáng 21.7 (giờ địa phương), khiến hàng ngàn người hoảng loạn tháo chạy khỏi nhà. Đến hôm 23.7, đã có thêm ít nhất 13 đợt dư chấn.
Tuy không xảy ra thương vong và thiệt hại vật chất cũng không đáng kể, nhưng các nhà khoa học khẳng định đây là bằng chứng cho thấy đứt gãy Hayward đã bắt đầu một đợt “cựa mình” mới với những hậu quả khôn lường. Rãnh đứt gãy này trải dài qua những khu dân cư đông đúc và sầm uất nhất California, bao gồm Berkeley, Oakland, Hayward và Fremont. Trong viễn cảnh đen tối nhất, đứt gãy Hayward có thể gây ra siêu động đất từ 8 đến hơn 9 độ Richter, kéo theo sóng thần đủ sức hủy diệt toàn bộ khu vực ven bờ tây nam của Mỹ, theo Đài CBS Bay Area.
Nhưng đó cũng chưa phải là tất cả. Xa hơn về hướng bắc còn tồn tại đứt gãy Cascadia từng gây ra một trận siêu động đất từ 8,7 - 9,2 độ Richter dẫn tới sóng thần cao hơn 18 m vào năm 1700. Theo Cục Quản lý các trường hợp khẩn cấp liên bang (FEMA), một thảm họa tương tự sẽ tàn phá khu vực trải dài từ Vancouver của Canada, qua các tiểu bang Washington và Oregon của Mỹ đến tận San Francisco (California). Để so sánh, trận động đất kéo theo sóng thần làm 15.891 người chết ở Nhật Bản năm 2011 mạnh 9 độ Richter, còn cơn địa chấn hồi tháng 4 ở Nepal với 9.018 người chết mạnh 7,8 độ Richter.
13.000 người sẽ chết
Theo USGS, lần gần đây nhất, đứt gãy Hayward gây ra động đất mạnh là vào năm 1868 khi cơn địa chấn 6,8 độ Richter làm khoảng 30 người thiệt mạng và gây thiệt hại nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng ở khu vực vịnh San Francisco. “Chúng tôi luôn theo sát hoạt động của đứt gãy Hayward vì nó nằm ở trung tâm của vùng vịnh và khi có động đất lớn xảy ra, cả khu vực sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, CBS Bay Area dẫn lời chuyên gia Tom Brocher.
Chưa hết, theo ông Brocher: “Năm trận động đất mạnh gần đây nhất xuất phát từ đứt gãy này cách nhau khoảng 140 năm và chúng ta hiện ở năm thứ 147 kể từ cơn địa chấn 1868. Do vậy, chúng tôi thật sự cảm thấy rằng nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào”.
Nghiêm trọng hơn, do những thay đổi về hoạt động địa chất của các mảng kiến tạo lẫn biến đổi về môi trường khiến nguy cơ xảy ra động đất trên 6,8 độ Richter ở khu vực tây nam Mỹ đang gia tăng nhanh chóng. CBS Bay Area dẫn báo cáo của USGS cho biết xác suất xảy ra thảm họa động đất từ 8 đến hơn 9 độ Richter vào khoảng 7%, so với 4,7% trong báo cáo đưa ra năm 2008. Ngoài ra, do dân số trong khu vực hiện nay đã gấp 100 lần so với năm 1868 nên chắc chắn thiệt hại sẽ lớn hơn rất nhiều.
Trong khi đó, các chuyên gia cũng vẽ ra viễn cảnh chi tiết về thảm họa xuất phát từ đứt gãy Cascadia. Tạp chí The New Yorker dẫn lời Giám đốc FEMA Kenneth Murphy dự đoán toàn bộ khu vực tây bắc Mỹ sẽ biến thành “một cỗ máy nghiền khổng lồ” bởi siêu địa chấn và sóng thần Cascadia. Cụ thể, các thành phố đông dân cư như Seattle và Portland có thể bị xóa sổ hoàn toàn. Khoảng 13.000 người sẽ thiệt mạng, trên dưới 2.500 người bị thương, 1 triệu người mất nhà cửa và thiệt hại vật chất từ khoảng 30 tỉ USD trở lên.
“Một cơn siêu địa chấn kéo theo sóng thần sẽ cắt đứt mọi tuyến đường giao thông huyết mạch, các chuỗi cung ứng phục vụ đời sống hằng ngày và các cấu trúc tối thiểu khác trong một thời gian dài”, Giám đốc Phòng Ứng phó khẩn cấp Oregon Andrew Phelps nhận định với The New Yorker. Ông cũng dự đoán sóng thần sẽ cao từ 15 m trở lên và mọi người có khoảng 10 - 30 phút để tháo chạy lên các vùng đất cao.
Theo nghiên cứu của ĐH Oregon, đứt gãy Cascadia có chu kỳ siêu động đất là trên dưới 243 năm/lần. Nghĩa là tính từ cơn siêu địa chấn năm 1700 đã đề cập ở trên thì hiện nay đã quá hạn 72 năm. Vì thế, Cascadia cũng có thể gây ra một thảm họa động đất “bất cứ thời điểm nào” trong tương lai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.