“Sinh ra và được nuôi dạy tại Việt Nam”

20/08/2010 01:06 GMT+7

Xem trực tiếp buổi trao giải Huy chương Fields 2010 tại Đại hội Toán học thế giới (ICM 2010), khai mạc hôm qua ở Hyderabad, Ấn Độ, chúng tôi ai cũng nở nụ cười sung sướng khi cái tên Ngô Bảo Châu được xướng lên. Anh đã trở thành người Việt Nam đầu tiên đoạt được giải thưởng cao quý nhất trong toán học.

 Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chúc mừng GS Ngô Bảo Châu 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi thư chúc mừng GS Ngô Bảo Châu 
*   Nhà toán học trong đời thường 
*  
Dấu ấn Ngô Bảo Châu trong giới trẻ mê toán VN 
Giáo sư Ngô Bảo Châu đoạt giải “Nobel Toán học”
*  Đề nghị tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cho GS Ngô Bảo Châu

Càng tự hào hơn khi Giáo sư Martin Groetschel, Tổng thư ký Liên đoàn Toán học thế giới, nói với toàn đại hội: “Ngô Bảo Châu được sinh ra và nuôi dạy tại Việt Nam”. Đó là lời khẳng định cho vị thế Việt Nam trên bản đồ toán học nói riêng và nghiên cứu khoa học nói chung của thế giới. Có lẽ câu nói này khiến những người theo dõi buổi trao giải còn cảm thấy hạnh phúc hơn cả khoảnh khắc Tổng thống Ấn Độ Pratibha Devisingh Patil trao cho GS Châu chiếc huy chương danh giá.

 
Những người đoạt các giải thưởng tại ICM 2010 và Tổng thống Ấn Độ Pratibha Devisingh Patil (thứ 5 từ phải sang) - Ảnh: AFP

“Việc Ngô Bảo Châu đoạt giải Fields - một giải tương đương với giải Nobel trong ngành toán - đã đánh dấu một hành trình dài của anh từ một Hà Nội bị tàn phá bởi chiến tranh đến Tạp chí Time danh giá”, AFP nhận định hôm qua. AFP cũng ca ngợi việc GS Châu xuất sắc chứng minh Bổ đề cơ bản - một “câu hỏi hóc búa của toán học suốt 30 năm qua”. Trong bài đánh giá về công trình của Ngô Bảo Châu đọc tại ICM 2010 hôm qua, nhà toán học James Arthur nhận xét: “Rõ ràng là chứng minh của Ngô rất khó và sâu sắc trên một phạm vi rộng lớn. Nhiều đối tượng khác nhau được đưa ra hoàn toàn tự nhiên và ăn khớp với nhau hết sức tuyệt vời trong chứng minh của Ngô. Điều đó thực sự xuất sắc”. Còn Julie Rehmeyer, nữ phóng viên mảng khoa học và toán học, Tạp chí Wired thì viết: “Ngô Bảo Châu đã dỡ bỏ được một trong những trở ngại lớn nhất của công trình vĩ đại trong nhiều thập niên... Vì thế, anh đã cung cấp một nền tảng vững chắc cho nhiều lý thuyết và những kỹ thuật phát triển có thể sinh ra một dòng chảy cuồn cuộn của những kết quả nghiên cứu mới... Cách tiếp cận của Ngô Bảo Châu cực kỳ mới lạ mà chưa ai từng nghĩ tới, tạo nên sự kết nối mạch lạc, khiến Bổ đề cơ bản phức tạp trở nên đơn giản”.

Những nơi GS Ngô Bảo Châu đã, đang và sẽ làm việc đều là những cái tên kinh điển, những cột trụ trong nền khoa học của loài người.

- Đại học Paris-Sud 11 (Université Paris-Sud XI): Một trong những trường đại học lớn nhất và danh tiếng nhất của Pháp. Paris-Sud 11 luôn được xếp hạng cao trong danh sách những học viện tốt nhất thế giới. Cộng tác với trường là 2 người từng đoạt Nobel Vật lý: Pierre-Gilles de Gennes (2001) và Albert Fert (2007) cùng 4 người đoạt huy chương Fields: Jean-Christophe Yoccoz (1994), Laurent Lafforgue (2002), Wendelin Werner (2006), Ngô Bảo Châu (2010).

- Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS): Cơ quan nghiên cứu khoa học cơ bản lớn nhất châu u và là tổ chức nghiên cứu nhà nước lớn nhất Pháp.

- Viên Nghiên cứu tiên tiến Princeton (IAS): Một trong những viện nghiên cứu khoa học nổi tiếng nhất thế giới, chuyên sâu về toán học và vật lý lý thuyết. Từng là nơi làm việc của những tên tuổi lẫy lừng như Albert Einstein, John von Neumann, Kurt Gëdel và J.Robert Oppenheimer.

- Đại học Chicago: Thành lập năm 1890 với sự hỗ trợ của tỉ phú John D.Rockerfeller, đến năm 2009, đã có 85 người đoạt giải Nobel trong nhiều lĩnh vực là sinh viên cũ hoặc đang cộng tác giảng dạy, nghiên cứu của trường.

Trọng Kha (tổng hợp)

Các nhà toán học cùng được vinh danh với GS Ngô Bảo Châu tại Hyderabad

Huy chương Fields

- Giáo sư toán học người Israel Elon Lindenstrauss, 39 tuổi, được trao huy chương Fields nhờ vào những khám phá về ứng dụng của lý thuyết ergodic trên lý thuyết về số học.

- Công trình nghiên cứu “chứng minh tính bất biến phù hợp với sự ngâm chiết và mô hình Ising hai chiều trong vật lý tĩnh học” đã mang lại cho giáo sư người Nga Stanislav Smirnov, sinh năm 1970, chiếc huy chương Fields danh giá.

- Giáo sư Cédric Villani trở thành nhà toán học người Pháp thứ 10 được trao huy chương Fields, đưa Pháp bám sát Mỹ (13 huy chương) trong bảng xếp hạng các quốc gia có công dân đoạt “Nobel Toán học”. Công trình đã giúp ông nhận vinh dự trên là “những chứng minh về sự tắt dần Landau không tuyến tính và đồng nhất với sự cân bằng của phương trình Boltzmann”.

Giải thưởng Nevanlinna

Được thành lập năm 1982, giải thưởng Rolf Nevanlinna, trị giá khoảng 7.500 euro được trao cho các nhà toán học dưới 40 tuổi có nhiều đóng góp cho chuyên ngành toán trong tin học. Người được vinh dự năm nay là nhà toán học người Mỹ Daniel Spielman, thuộc Đại học Yale với những nghiên cứu về lập trình tuyến tính và lý thuyết về mã hóa. Cả hai lĩnh vực đều mang lại nhiều ứng dụng trong nghiên cứu vận toán, viễn thông và tin học.

Giải thưởng Gauss

Giải thưởng Carl Friedrich Gauss ra đời năm 2006 nhằm vinh danh các nhà toán học có công trình được ứng dụng trong những ngành tài chính, kỹ thuật, thậm chí trong đời sống thường ngày. Năm nay, giáo sư người Pháp Yves Meyers đã được nhận giải thưởng Gauss và 10.000 euro cho những nghiên cứu được ứng dụng vào việc nén dữ liệu và xử lý hình ảnh.

Huy chương Chern

Tại Đại hội Toán học thế giới 2010, huy chương được đặt theo tên của nhà toán học Trung Quốc-Mỹ Shiing-Shen Chern (1911-2004) được trao tặng lần đầu tiên cho người có những đóng góp đặc biệt cho toán học. Giáo sư 85 tuổi người Mỹ gốc Canada Louis Nirenberg đã được trao huy chương Chern cùng với phần thưởng 250.000 USD cho cá nhân ông và 250.000 USD để tặng cho các tổ chức giáo dục hoặc nghiên cứu toán học do ông chọn lựa. Giáo sư Nirenberg đã có vai trò rất lớn trong sự phát triển ngành Toán học ứng dụng của thế kỷ 20 và từng đào tạo nhiều nhà khoa học tên tuổi trong lĩnh vực này. Toàn bộ sự nghiệp của mình, ông dành cho việc giảng dạy và nghiên cứu tại Viện Toán học Courant thuộc Đại học New York.

Lan Chi (Theo La Recherche, Pour la Science)

Giải Huy chương Fields do nhà toán học người Canada John Charles Fields sáng lập và được trao lần đầu vào năm 1936. Giải được trao trong Hội nghị Toán học thế giới (ICM) vốn diễn ra 4 năm một lần, theo Icm2010.in, website chính thức của hội nghị năm nay. Mỗi lần, Huy chương Fields được trao cho tối đa 4 nhà toán học không quá 40 tuổi. Phần thưởng gồm một huy chương vàng, mặt trước khắc hình nhà bác học thiên tài Hy Lạp cổ đại Archimedes, còn tên người nhận giải khắc ở rìa của huy chương. Theo tờ The New York Times, mỗi nhà toán học giành Huy chương Fields nhận được 15.000 USD.

Tính đến ICM 2010, có 52 nhà toán học được vinh danh với Huy chương Fields. Trong đó, Mỹ dẫn đầu với 13 người, tiếp theo là Pháp (10 giải), Liên Xô cũ và Nga (9 giải), Anh (6), Nhật Bản (3), Bỉ (2), Úc (1), Đức (1), Ý (1), Na Uy (1), New Zealand (1), Phần Lan (1), Thụy Điển (1), Việt Nam (1) và Israel (1). Như vậy, trong suốt 74 năm qua, châu Á mới có 2 quốc gia có công dân được nhận giải này là Nhật Bản vào các năm 1954, 1970 và 1990 và Việt Nam.

T.Kha

Trọng Kha

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.