Sinh vật học và vi sinh vật học khác nhau như thế nào?

14/04/2017 12:47 GMT+7

Em thấy trường ĐH Cần Thơ có 2 ngành sinh học và vi sinh vật học. Vậy 2 ngành này khác nhau như thế nào? Tốt nghiệp vi sinh vật học em có thể làm việc ở đâu? ( Nguyễn Thu Nga , Trường THPT Trương Định, Tiền Giang)

Thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Cần Thơ: Ngành sinh học (mã ngành 52420101) có 2 chuyên ngành là: sinh học và vi sinh vật học. Khi đăng ký xét tuyển thì thí sinh chỉ ghi tên ngành là sinh học. Sau khi trúng tuyển và nhập học, thí sinh mới đăng ký chọn chuyên ngành theo học.
Chuyên ngành vi sinh vật học tập trung nghiên cứu sinh vật siêu nhỏ như nấm men, nấm mốc, virus, vi khuẩn, tảo, nguyên sinh động vật để ứng dụng vào nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, bảo vệ môi trường, y học và bảo quản nông sản, thực phẩm... Còn chuyên ngành sinh học thì ứng dụng giống như trên nhưng nghiên cứu trên đối tượng chung là sinh vật (lớn hơn vi sinh vật).
Tốt nghiệp chuyên ngành vi sinh vật học, các bạn có thể hoạt động trên các lĩnh vực chuyên môn về vi sinh vật học và công nghệ sinh học trong các cơ quan như: Sở Khoa học - Công nghệ; Tài nguyên - Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các cơ quan kiểm tra chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm; các cơ quan, xí nghiệp chế biến và bảo quản nông - thủy sản, sản xuất thực phẩm và dược phẩm, giống vi sinh vật. Nếu sinh viên có kỹ năng tiếng Anh tốt thì còn có cơ hội làm việc cho các công ty có yếu tố nước ngoài.
Em muốn xét vào ngành thú y thì cần thi những môn gì? Ngành này em được trang bị kiến thức gì và cơ hội việc làm ra sao? (Ngô Thị Thùy Trang, Trường THPT Đức Trọng, Lâm Đồng)
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM: Ngành thú y xét theo 4 tổ hợp môn: Toán, lý, hóa; toán, hóa, sinh; toán, lý, tiếng Anh và toán, sinh, tiếng Anh. Ngành này có các chuyên ngành: bác sĩ thú y, dược thú y.
Theo đó, bác sĩ thú y sẽ được đào tạo chuyên sâu về bệnh học (căn bệnh, dịch tễ học, biểu hiện lâm sàng, kỹ thuật chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh chuyên biệt), về ngoại khoa và giải phẫu bệnh và pháp luật liên quan đến phòng chống dịch bệnh, kiểm tra các sản phẩm nguồn gốc từ động vật, kiểm tra các cơ sở giết mổ chế biến thức ăn gia súc… Với chuyên ngành dược thú y, ngoài kiến thức căn bản liên quan đến bệnh học đại cương hoặc chuyên biệt, sinh viên sẽ chuyên sâu học tập và nghiên cứu về hóa dược, dược lý học, dược liệu học, bào chế dược phẩm, kiểm nghiệm dược phẩm, độc chất học, pháp chế về dược thú y...
Hiện nay nhu cầu việc làm của ngành học này rất cao do nhu cầu về chăm sóc, chữa bệnh cho vật nuôi, gia súc gia cầm ngày càng nhiều.
Hộp thư tư vấn 24/7 sẽ giải đáp mọi thắc mắc của thí sinh xung quanh kỳ thi THPT quốc gia 2017, xét tuyển ĐH-CĐ và những băn khoăn về chựa chọn ngành nghề. Thông tin đăng tải liên tục tại địa chỉ www.thanhnien.vn và trên báo in các ngày thứ ba, năm và bảy. Bạn đọc có thể gửi thắc mắc qua thư điện tử tại địa chỉ tuvanmuathi@thanhnien.com.vn hoặc qua bưu điện tới địa chỉ: Chuyên mục Hộp thư tư vấn 24/7, Ban Giáo dục Báo Thanh Niên, 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.6, Q.3, TP.HCM.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.