Sinh viên có mức sống trung bình được vay vốn học tập tới 4 triệu đồng/tháng?

Hà Ánh
Hà Ánh
03/08/2021 10:00 GMT+7

Học sinh, sinh viên thuộc gia đình có mức sống trung bình theo quy chuẩn của pháp luật sẽ được hỗ trợ vay vốn tín dụng học tập lên tới 4 triệu đồng/tháng.

Chủ trương tăng vốn vay để hỗ trợ người học này nhận được nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ của đại diện các trường ĐH.

Điều chỉnh đối tượng được vay

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến cho dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 157/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HS, SV). Theo dự thảo này, điểm mới nhất là việc tăng số tiền cho vay học tập tối đa là 4 triệu đồng/tháng/người học (thay vì 2,5 triệu đồng/người theo mức được điều chỉnh năm 2019).
Không chỉ tăng vốn vay, dự thảo này còn điều chỉnh đối tượng được vay vốn. Theo quyết định cũ, một trong các đối tượng được vay vốn là gia đình thuộc hộ nghèo, gia đình có mức thu nhập bình quân bằng 150% hộ nghèo, gia đình gặp khó khăn về tài chính, do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh trong thời gian theo học. Ở dự thảo mới, đối tượng “gia đình có mức thu nhập bình quân bằng 150% của hộ nghèo” được thay thế bằng “hộ cận nghèo” và “hộ có mức sống trung bình”.
Ông Nguyễn Thành An, Giám đốc Trung tâm quan hệ doanh nghiệp và hỗ trợ SV Trường ĐH Luật TP.HCM, cho biết so với Quyết định 157 trước đây thì dự thảo này đã mở rộng thêm được các đối tượng HS, SV thuộc hộ gia đình cận nghèo được vay. Quy định này phù hợp với quy định hiện hành về việc xác định chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có mức sống trung bình theo Nghị định số 07/2021 của Chính phủ về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025. Đây không phải là bổ sung mà chỉ là điều chỉnh về câu chữ để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật hiện hành, không mở rộng đối tượng mới, không ảnh hưởng đến nguồn ngân sách để cho vay.

Thay đổi thời gian người học trả nợ vay

Một điểm mới quan trọng của dự thảo còn ở thời gian người học bắt đầu trả nợ. Theo dự thảo, người học bắt đầu trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên từ ngày kết thúc khóa học 12 tháng. Trong khi quy định trước đó, người vay bắt đầu trả nợ khi có việc làm, có thu nhập nhưng không quá 12 tháng từ khi kết thúc khóa học.
Theo tờ trình của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ, báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội và Bộ
GD-ĐT sau 14 năm thực hiện chương trình tín dụng, hơn 3,6 triệu HS, SV được vay vốn trang trải chi phí học tập. Tính đến hết năm 2020, trong số hơn 66.000 tỉ đồng cho vay đã thu nợ 55.674 tỉ đồng. Tỷ lệ người học có nhu cầu vay vốn chiếm 10 - 15% số nhập học hằng năm. Trong số HS, SV vay vốn, 68% người có việc làm sau khi ra trường với thu nhập trung bình 6 triệu đồng/tháng.

Tăng vốn vay theo lộ trình tăng học phí

Bộ Tài chính cũng nêu ra những lý do cụ thể tăng vốn vay tín dụng HS, SV. Theo đó, qua đề xuất của Bộ GD-ĐT và Ngân hàng Chính sách xã hội, Bộ Tài chính thấy rằng mức vay vốn tối đa cần được điều chỉnh để phù hợp với lộ trình tăng học phí, khả năng vốn của ngân hàng.
Theo Bộ Tài chính, mức vay tối đa 4 triệu đồng/tháng tương đương 61% chi phí học tập tối thiểu và 42% chi phí học tập tối đa hiện nay. Trong khi trước đó, với mức cho vay tối đa 800.000 đồng/người thời điểm ban đầu, mức độ đáp ứng chi phí học tập ở mức 66%. Với mức vay 2,5 triệu đồng tháng ở thời điểm năm 2019, đáp ứng 60% chi phí trên nhưng hiện nay chỉ đạt 37% chi phí học tập do lạm phát và do dự kiến tăng học phí thời gian tới.

Trường ĐH và sinh viên đều đồng tình

Thạc sĩ Đặng Kiên Cường, Trưởng phòng Công tác SV Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho rằng việc tăng mức tiền cho vay tối đa 4 triệu đồng/tháng là phù hợp. Số tiền này có thể đáp ứng được nhu cầu đóng học phí và một phần lớn sinh hoạt phí của SV.

Sinh viên sư phạm được hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí

Theo Nghị định Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, sinh hoạt phí đối với SV sư phạm, người học sư phạm được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo. Bên cạnh đó, SV khối ngành này còn được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường. Thời gian hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt theo số tháng thực tế học tập tại trường theo quy định, nhưng không quá 10 tháng/năm học.
Ông Cường cho biết từ đầu năm 2018 tới nay Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM có 4.391 SV làm giấy xác nhận để vay vốn, trong đó có khoảng 2.500 SV được vay từ ngân hàng chính sách địa phương. Điều đó cho thấy nhu cầu SV có hoàn cảnh khó khăn cần vay vốn nhiều nhưng chưa được đáp ứng hết.
Ông Nguyễn Thành An cũng cho rằng việc tăng vốn vay phù hợp với thực tế hiện nay khi đa phần các trường ĐH đã thực hiện cơ chế tự chủ tăng học phí, thực hiện nhiều chương trình đào tạo với mức học phí dao động từ 40 - 100 triệu đồng/năm. Nếu không tăng hạn mức cho vay thì người học sẽ không có điều kiện để theo học. Bên cạnh đó, theo ông An, dự thảo xác định thời gian trả nợ lần đầu từ ngày SV kết thúc khóa học 12 tháng là phù hợp, vừa xác định được nghĩa vụ với người học, vừa có cơ sở để thu hồi vốn để duy trì chính sách.
Ở góc độ người học, H.Đ.P (SV ngành công nghệ vật liệu Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM), bày tỏ sự vui mừng với chính sách vay vốn mới này: “Khi em bắt đầu vào TP.HCM học, mẹ cũng phải vào đây để làm thuê kiếm tiền nuôi em. Nếu được vay tối đa mỗi năm 40 triệu đồng (10 tháng), kết hợp với việc làm thêm công việc gia sư thì những SV có hoàn cảnh như em, gia đình đỡ vất vả”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.