Sinh viên yêu cầu trường tổ chức dạy lại

20/10/2009 00:34 GMT+7

Không chỉ thất vọng về cơ sở vật chất thiếu và yếu, nhiều sinh viên các trường ĐH ngoài công lập còn tỏ ra chán nản về chuyện chất lượng đào tạo.

"Phản ứng" vì bị hổng kiến thức

Chiều 19.10, gần 100 SV khoa Thiết kế thời trang và kinh doanh trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng đã có cuộc trao đổi đòi khoa phải cho học lại một số môn học đại cương. Trước đó, đông đảo SV đã có đơn kiến nghị gửi lên khoa về việc SV bị hổng kiến thức do chương trình giảng dạy của nhà trường không đảm bảo.

N.T.H.M - SV lớp TT3 cho biết: "Nhiều môn học của các năm trước đây tụi em chỉ được học một cách rất sơ lược, không đầy đủ nên giờ vào chuyên ngành tụi em bị hổng kiến thức. Có thể kể ra một số môn như: Nguyên lý thiết kế thời trang, Kỹ năng cắt may, Xử lý chất liệu... Khi được tụi em viết đơn kiến nghị lên, khoa mới thông báo là sẽ bổ sung 2 môn học Kỹ thuật rập và Nhảy size vào học kỳ tới như các môn chuyên ngành", H.M cho biết thêm.

Trong khi đó, N.A - SV của lớp TT2 lại phàn nàn: "Việc giảng viên đứng lớp rất lạ, giảng viên chỉ dạy theo giáo án của mình mà không hề có giáo trình cho SV, cũng không hướng dẫn cho SV phải tham khảo tài liệu từ đâu. Có những môn có tài liệu nhưng lại không thực tế đi vào môn học. Đặc biệt, thư viện chủ yếu là chứa tạp chí giải trí, chứ không có nhiều tài liệu tham khảo chuyên ngành".

Theo miêu tả của một SV tên K - lớp TT3, cả khoa chỉ có một xưởng may thực hành cho SV với khoảng 20 máy may nhưng chỉ có mấy cái sử dụng được, nên SV nào đến trước thì có máy để dùng, còn không thì phải đứng chờ hoặc ra về.

Trả lời về việc này, ông Nguyễn Đức Minh - Phó khoa Thiết kế thời trang và kinh doanh nói ngược lại: "Trong khoa không có chuyện giảng viên dạy không đủ kiến thức cho SV. Bởi trước hết đây là những giảng viên đã có kinh nghiệm, đề cương giáo viên phải đưa lên khoa để kiểm định trước khi giảng dạy, nhà trường cũng có tiến hành việc dự giờ đột xuất với các buổi giảng, chấm bài thi rất công khai...". Riêng với môn Kỹ thuật rập và Nhảy size, ông Minh khẳng định là 2 môn học riêng biệt và sẽ được đưa vào giảng dạy vào học kỳ này, tức học kỳ 6. Tuy nhiên, ông Minh nói thêm, khoa sẽ gặp các giảng viên giảng dạy cụ thể các môn học, nếu thực sự có lỗ hổng về kiến thức với SV thì khoa sẽ mời giảng viên mới về dạy lại cho SV. Với những giảng viên tự động cắt xén chương trình sẽ bị khoa thôi hợp đồng giảng dạy.

Đã quen với nỗi khổ

Bạn Trần Kim Hội, SV năm cuối ngành Quản trị du lịch trường ĐH Hùng Vương không ngại ngần bày tỏ: "Thời khóa biểu của tụi em rất lộn xộn và bất chợt, lúc thì học buổi sáng, lúc buổi chiều, lúc buổi tối làm em muốn đi dạy thêm buổi tối cũâng không thể nào xếp được lịch. Lịch thi thì có khi được đổi trong vòng 1, 2 ngày khiến SV không kịp trở tay. Thêm nữa, thất vọng vì phải đóng quá nhiều tiền tour du lịch. Mỗi học kỳ tụi em phải đi 2 tour. Tour ngắn thì đóng từ vài trăm tới hơn 1 triệu, sắp tới tụi em đi tour xuyên Việt phải đóng 6.850.000 đồng. Lạ một cái là nghe nói năm nay tour xuyên Việt rút ngắn số lượng ngày đi nhưng tiền đóng thì không giảm bao nhiêu...".

Thạc sĩ Nguyễn Thị Mai Bình, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Hùng Vương cho biết: "Ban giám hiệu trường cũng đã nhiều lần làm việc với Ban chủ nhiệm khoa Du lịch về việc bố trí lớp và chuyện đóng tiền tour. Ngoài ra, thứ tư hằng tuần là thời gian hiệu trưởng tiếp SV để chia sẻ những bức xúc, các em có bất cứ điều gì chưa hài lòng đều có thể đến bày tỏ".

Hà Ánh - Mỹ Quyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.