Sniper (*), kẻ gieo rắc sợ hãi - Kỳ 1: Nữ xạ thủ nguy hiểm nhất thế giới

03/12/2009 01:16 GMT+7

Cụm từ “bắn tỉa” hay nhắc người ta liên tưởng đến các vụ ám sát. Thời trước, hai phát đạn khô khốc đoạt mạng John F.Kennedy ngày 22.11.1963. Mới đây, hàng triệu dân Mỹ hoảng loạn trước kẻ bắn tỉa giết người hàng loạt ở Washington DC, Maryland và Virginia (2002). Nhưng chỉ hiểu về bắn tỉa có thế thôi thì chưa đủ...

Trong hai cuộc thế chiến, bắn tỉa là chiến thuật tối thượng nhằm tiêu diệt nhuệ khí chiến đấu của đối phương bằng những phát đạn giết người từ bóng tối. Khi Đức tiến chiếm Liên Xô năm 1941, thế giới bắt đầu chào đón nữ xạ thủ huyền thoại.

Các trang web lịch sử gọi cô là nữ hoàng bắn tỉa (female sniper queen), cô là công dân Liên Xô đầu tiên được Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt mời cơm tại Nhà Trắng; được đệ nhất phu nhân Eleanor Roosevelt đưa đi diễn thuyết ở 43 thành phố Bắc Mỹ. Lyudmila Mikhailivna Pavlichenko trở thành hình tượng Xô viết ngay trên đất tân lục địa. Người Mỹ viết nhạc về cô và hình tượng nữ xạ thủ bắn hạ 309 quân Đức được chuyển thể thành kịch trên sân khấu Mỹ.

Ngày 12.7.1916, một bé gái sinh ra tại thành phố Bila Tserkva, gần Kiev, đúng vào những năm tháng đen tối nhất của Đệ nhất thế chiến. Không ai nghĩ cô bé sẽ trở thành người phụ nữ nguy hiểm nhất thế kỷ 20.

Là một học sinh năng khiếu, tính ngay thẳng, thậm chí bướng bỉnh, Pavlichenko học hết lớp 9 rồi cùng gia đình chuyển lên Kiev sinh sống, làm việc tại một xưởng công binh và bắt đầu gia nhập câu lạc bộ bắn súng.

Ngày 22.6.1941, Hitler xua quân tấn công Liên Xô là lúc Pavlichenko đang học năm 4 khoa sử Đại học Kiev. Như bao sinh viên khác, cô tình nguyện gia nhập quân đội.

Lòng hăng hái của cô khiến nhiều người ngạc nhiên, ít nhất là viên sĩ quan tuyển quân.

Anh này trố mắt nhìn cô gái trông giống người mẫu hơn là một quân nhân tình nguyện: tóc rất thời trang, móng tay để dài, quần áo cực kỳ hợp mốt. Cô gái nói mình muốn ra chiến trường, được cầm súng. Viên sĩ quan bụm miệng cười, bảo: “Em thì biết gì về súng đạn”. Cô gái móc ra tờ giấy chứng nhận xạ thủ của câu lạc bộ. Viên sĩ quan vẫn cố thuyết phục “em nên làm y tá thì hợp hơn”, song cô từ chối.

Pavlichenko gia nhập trung đội bắn tỉa thuộc sư bộ binh 25. Tháng 8.1941, binh nhì Pavlichenko bắn hạ 2 binh sĩ Đức đầu tiên trong nhiệm vụ bảo vệ ngọn đồi chiến lược Belyayevka bằng khẩu Mosin Nagant ống ngắm PE.4. Đây là loại súng có thể bắn 5 viên liên tục, sử dụng loại đạn 148 grain (1 grain = 0,0648 gam), tốc độ viên đạn đạt 2.800 feet/giây (840m/giây) trong phạm vi hiệu quả 600 mét.

Chiến đấu thêm hai tháng rưỡi gần Odessa, cô sinh viên mới gia nhập quân đội được hơn 4 tháng đã bắn hạ 187 quân địch. Khi Đức giành quyền kiểm soát Odessa, đơn vị được lệnh rút về Sevastopol và  Pavlichenko tiếp tục chiến đấu ở đây thêm 8 tháng. Tháng 5.1942, lúc này trung úy Pavlichenko được Hội đồng quân sự miền nam nêu gương sau khi bắn hạ đến tên Đức thứ 257. Thành tích tổng cộng của cô trong Thế chiến 2 được công bố là 309 người, trong đó có hơn 100 sĩ quan và 36 xạ thủ bắn tỉa Đức.

Tháng 6.1942, Pavlichenko trúng đạn cối bị thương. Cấp trên quyết định bảo vệ cô - lúc này đã là biểu tượng quốc gia, bằng cách điều động hẳn một chiếc tàu ngầm đưa cô về tuyến sau, rút hẳn cô ra khỏi chiến trường để nhận công tác tuyển dụng và đào tạo lực lượng kế thừa.

Tháng 9.1942, Pavlichenko có mặt trong phái đoàn quân sự Liên Xô sang thăm Mỹ, Canada và Anh, được Tổng thống Franklin Roosevelt tiếp đón tại Nhà Trắng và trở thành bạn thân của đệ nhất phu nhân Eleanor Roosevelt. Bài hát Miss Pavlichenko được ca sĩ nhạc đồng quê nổi tiếng Woodie Guthrie sáng tác ca ngợi người con gái huyền thoại và tên tuổi cô cũng xuất hiện trên sân khấu Mỹ trong vở kịch War Heroes (Chiến binh kiêu hùng) vào năm 1943. (Còn tiếp)

Năm 1942, Pavlichenko được phong tặng danh hiệu Anh hùng quân đội. Một năm sau, cô được Chủ tịch Liên bang Xô viết Mikhail Kalinin trao tặng Huân chương Lenin. Từ đó đến hết cuộc chiến, cô trở thành biểu tượng của hơn 2.000 nữ xạ thủ bắn tỉa Nga trên chiến tuyến.

 
Ảnh: wikipedia

Chiến tranh kết thúc, cô giải ngũ với quân hàm thiếu tá và hoàn thành nốt khoa sử, trở thành nhà sử học và xuất bản nhiều sách báo. Năm 1957, Eleanor Roosevelt sang thăm Liên Xô và yêu cầu được gặp “người bạn cũ”. Cuộc tái ngộ sau đó diễn ra tại căn hộ 2 buồng ngủ của Pavlichenko và kỷ niệm về cuộc gặp được lưu lại trong nhật ký của Eleanor.

Pavlichenko mất ngày 27.10.1974 khi mới 58 tuổi và được an táng tại nghĩa trang Nododevichy, Moscow với đầy đủ nghi thức dành cho quân đội. Trong ảnh, tem mang hình ảnh Pavlichenko được phát hành rộng rãi tại Liên Xô năm 1976.

(*) Xạ thủ bắn tỉa

Lê Huỳnh Lê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.