Sniper, kẻ gieo rắc sợ hãi - Kỳ 2: Những cái chết vô hình

03/12/2009 22:39 GMT+7

Lịch sử thế giới vẫn chưa ghi lại đầy đủ công lao của đội quân bắn tỉa. Bắn tỉa - từ nguyên thủy là xạ thủ (marksman). Thực tế từ những năm 1770, động từ “to snipe” - đi săn chim dẽ giun (loài chim lội nước, mỏ dài có tên tiếng Anh là snipe) đã được binh sĩ Anh đóng tại Ấn Độ sử dụng. Từ đây nảy sinh ra danh từ sniper mà chúng ta biết ngày nay: người bắn tỉa.

Mỗi cường quốc xây dựng riêng cho mình học thuyết và chiến thuật bắn tỉa khác nhau. Vai trò mạnh nhất của sniper là cung cấp thông tin trinh sát cho máy bay không kích. Khi cần thiết, sniper có thể nổ súng tấn công các mục tiêu có giá trị như sĩ quan chỉ huy, chuyên viên điện đài, hoặc sử dụng loại súng có sức công phá lớn tiêu hủy các kho tiếp vận, phương tiện chiến tranh để làm chậm bước tiến công của địch. Trong các cuộc chiến cân não, sniper là tác nhân gieo rắc nỗi sợ hãi, tiêu diệt nhuệ khí chiến đấu của đối phương.

Trong Thế chiến thứ 2, Nga thành lập hẳn những đơn vị bắn tỉa ở cấp trung đội, có nhiệm vụ tác chiến bên cạnh quân chủ lực. Anh hạn chế việc huấn luyện bắn tỉa do chỉ dành cho cấp sĩ quan. Mỹ chỉ đơn thuần huấn luyện sniper bắn trúng mục tiêu với yêu cầu trong phạm vi 400 mét phải bắn trúng người và trong 200 mét phải bắn trúng đầu. Mỹ không quan tâm nhiều đến chiến thuật cũng như khả năng ngụy trang để tiếp cận mục tiêu và điều đó buộc họ phải thí quân khá nhiều trong cuộc chiến Normandy.

Nhưng trước Đệ nhị thế chiến, các tay súng Đức mới là số 1.

Sự vượt trội của người Đức

Đệ nhất thế chiến chứng kiến sự ra đời của các đạo quân sát thủ Đức trên chiến hào. Anh, Pháp và Đức cùng tung ra lực lượng bắn tỉa trong các cuộc đối đầu. Phần thắng luôn thuộc về các tay súng Đức mà cả Anh lẫn Pháp không hiểu tại sao. Họ không hiểu vì dù đã lùi khá xa so với chiến tuyến, song cứ hễ quân họ ló đầu lên khỏi chiến hào là bị bắn thủng sọ. Thoạt đầu, các tướng lĩnh nghĩ là xui xẻo dính lạc đạn. Nhưng đến khi họ phát hiện súng bắn tỉa của quân Đức có trang bị ống ngắm thì mới ngã ngửa. Đức đã đi trước đối phương trong công nghệ sản xuất ống ngắm, giúp các xạ thủ có thể bắn trúng mục tiêu từ những khoảng cách mắt thường khó nhìn thấy được. Và sự vượt trội này trở thành nỗi ám ảnh đối với quân Anh và Pháp trên chiến trường.

Sự thiếu chuẩn bị của Mỹ cùng nỗ lực gầy dựng lực lượng bắn tỉa của Đức khiến Mỹ phải thí quân thê thảm tại Normandy năm 1944. Sniper Đức ẩn nấp trong những khu vườn rậm rạp rồi từ đó họ quây quân Mỹ và nã đạn từ mọi phía. Cả quân Anh và Mỹ đều bị bất ngờ không hiểu vì sao lính bắn tỉa Đức lại có thể tiếp cận rất gần mình, thoải mái thịt binh lính như thể khai hỏa từ xa. Áp lực buộc quân Mỹ phải nằm rạp xuống bãi biển chờ đợi, không dám nhô lên và vô tình lại tạo thời cơ cho các tay súng Đức tỉa hết từ người này đến người khác. Họ chỉ rút khỏi vị trí và sau đó đầu hàng vì hết đạn và cũng vì quân số hai bên quá chênh lệch. Sau Thế chiến thứ hai, nhiều trang thiết bị và công nghệ huấn luyện lính bắn tỉa của người Đức đã được nhiều nước khác sao chép lại.

Năm 1915, Anh quốc bắt đầu thành lập trường đào tạo xạ thủ bắn tỉa đầu tiên do thiếu tá Hesketh Prichard chỉ huy. Prichard phát triển nhiều kỹ thuật bắn tỉa, trong đó có việc sử dụng ống ngắm và triển khai đội hình tác chiến. Đầu tư tuy trễ song vẫn đem lại hiệu quả. Trong những năm 1940, lính bắn tỉa Anh đã chứng minh được họ đủ mạnh để kiềm hãm các đợt tấn công của quân Đức trong cuộc tiến chiếm Dunkirk trong một thời gian khá dài.

Sự trỗi dậy của sniper Xô viết

Bao nhiêu người đã chết trên chiến trường Stalingrado? 759.560 quân nhân Liên Xô đã được trao tặng huân chương trong cuộc chiến bảo vệ thành phố kéo dài từ ngày 17.7.1942 - 2.2.1943. Có nhiều số liệu thống kê khác nhau về số thương vong: nhiều học giả cho rằng thương vong của phe trục khoảng 850.000, bao gồm 400.000 quân Đức, 120.000 quân Romania, 120.000 quân Hungaria và 120.000 quân Ý chết, bị thương hoặc bị bắt. Phía Liên Xô đưa ra con số 1,5 triệu quân của địch bị tiêu diệt trong khi Hồng quân thiệt hại 1.129.619 quân.

Cuộc chiến kinh điển kéo dài gần 200 ngày này cũng là cuộc đọ sức giữa hai lực lượng bắn tỉa Xô - Đức. Trong quãng giữa hai cuộc thế chiến, trong lúc nhiều quốc gia giải thể các đơn vị bắn tỉa thì Liên Xô là quốc gia duy nhất có những chương trình đặc biệt huấn luyện xạ thủ bắn tỉa, trong đó huấn luyện cả khả năng hợp đồng tác chiến với các đơn vị chủ lực. Định hướng này giúp các đơn vị bắn tỉa Liên Xô được tập trung nhiều hơn vào các trận chiến so với các quốc gia khác.

Trong thế trận phòng thủ giữa một Stalingrad đổ nát, các tay súng Xô viết chiếm ưu thế trong việc tìm chỗ ẩn nấp và nhận diện mục tiêu. Các đơn vị bắn tỉa được phía Hồng quân bố trí nhô cao hơn đơn vị chủ lực khoảng 200 - 300 mét, giữ nhiệm vụ bắn hạ những kẻ đi đầu. Những phát đạn khô khốc không biết xuất phát từ đâu trở thành nỗi ám ảnh đối với quân Đức. Không một binh sĩ nào dám rời khỏi nơi ẩn nấp và dĩ nhiên, chẳng ai còn dám đi đầu. Tay súng cừ nhất trong cuộc chiến này là đại úy Vasily Zaytsev với thành tích bắn hạ 225 quân Đức. Câu chuyện về Zaytsev sau được chuyển thể thành phim Enemy at the Gate (Quân thù trước cổng) vào năm 2001, kể về “trò chơi mèo vờn chuột” trong cuộc chiến Stalingrad giữa 2 sniper Đức và Hồng quân, trong đó tài tử nổi tiếng người Anh Jude Law thủ vai Zaytsev. (Còn tiếp)

Lê Huỳnh Lê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.