Sniper, kẻ gieo rắc sợ hãi - Kỳ cuối: Những điển tích về bắn tỉa

05/12/2009 00:09 GMT+7

Với khả năng giết người bất ngờ từ bóng tối và khó bị phản kích, bắn tỉa được sử dụng như một chiến thuật gây khủng hoảng tinh thần binh sĩ đối phương.

Stress vì bắn tỉa

Tàn bạo nhất trong chiến thuật này xảy ra trong cuộc chiến giữa người Hồi giáo Bosnia, quân Croatia và Bosnian Serbs trong cuộc chiến đầu thập niên 1990. Các tay súng bắn tỉa Serbia tại Sarajevo dùng bắn tỉa như một công cụ khủng bố. Họ bắn hạ bất cứ ai bước ra đường, cho dù đó là binh sĩ hay thường dân, người lớn hay trẻ em. Kết quả: không ai dám ra đường. Song những tay súng này đáng bị đưa ra tòa án quốc tế như những tội phạm chiến tranh vì giết người có chủ ý, ngay cả đối với người không tham chiến.

Trong chiến tranh, các sniper tác động mạnh đến tâm lý đối với binh sĩ tham chiến còn hơn cả những bãi mìn, bẫy mìn hoặc bom đặt dưới đường. Để tiêu diệt tinh thần đối phương, sniper thường áp dụng một số chiến thuật có thể tiên đoán trước được.

Trong cuộc Cách mạng Cuba ngày 26.7.1959 lật đổ chế độ độc tài của Fulgencio Batista, quân đội cách mạng do Fidel Castro lãnh đạo sử dụng chiến thuật cứ nhắm người đi đầu tiên trong hàng ngũ của Batista mà bắn. Nhận ra điều đó, không binh sĩ nào của Batista dám là người tiên phong vì hiểu “như thế là tự sát”. Chiến thuật này đã khiến quân lính của Batista sợ hãi thấy rõ trong các cuộc truy lùng căn cứ quân cách mạng trong rừng.

Một chiến thuật quan trọng nữa cũng hay được áp dụng là “chỉ nhắm bắn kẻ đứng thứ nhì trong hàng”, gây ra tâm lý không ai dám theo sau sĩ quan chỉ huy.

Điển tích bắn tỉa

Cụm từ “one shot, one kill” (mỗi phát một mạng) đã trở thành khẩu hiệu kiêu hùng của sniper. Khả năng bắn một phát đạn, hạ một kẻ địch rồi lập tức thay đổi chỗ nấp cực kỳ quan trọng đối với sniper vì nó hạn chế khả năng định vị nơi phát ra tiếng súng. Dù thực tế, không phải lúc nào các sniper cũng thành công 100%.

Nhiều nghiên cứu cho thấy nếu khai hỏa ở khoảng cách 200 - 400 mét, tỷ lệ thành công là 80 - 90%, cao hơn 90% nếu khoảng cách dưới 200 mét. Trong chiến tranh, sniper thường phải khai hỏa ở cự ly xa hơn 300 mét. Do đó, họ hay chọn phương án bắn trúng cơ thể hơn là trúng đầu và hy vọng những thương tổn nội tạng, mất máu nhiều sẽ gây ra cái chết.

Trong lực lượng cảnh sát, sniper thường được sử dụng cho nhiệm vụ giải cứu con tin. Theo đó, các sniper sẽ được triển khai bên cạnh các nhà đàm phán, được huấn luyện theo phương châm “giết một mạng để cứu một mạng”. Sniper cảnh sát thường hạ thủ trong khoảng cách dưới 100 mét, song đòi hỏi độ chính xác tuyệt đối theo thuyết “one shot kill” (một phát lấy mạng). Vụ can thiệp nổi tiếng nhất gần đây của sniper cảnh sát diễn ra tại Marseille (Pháp): một cảnh sát tay cầm súng lục đòi tự sát đã bị một sniper nhắm bắn từ cự ly 80 mét, phát đạn bắn trúng và phá hủy khẩu súng, vụ tự sát được ngăn chặn.

Nhiều người lý giải không phải vô cớ thành ngữ “one shot, one kill” đã trở thành điển tích, ít nhất là trong tiểu thuyết và phim ảnh.

Chiến tranh Iraq

Năm 2001 rồi 2003, Mỹ dẫn đầu liên quân tiến chiếm Afghanistan, Iraq và thiết lập chính quyền mới tại các nước này. Trên bảng chiến tích của các sniper nổi tiếng bắt đầu xuất hiện các xạ thủ của liên quân như: Hạ sĩ Canada Rob Furlong giữ kỷ lục bắn hạ mục tiêu xa nhất: 2.430 mét, trong chiến dịch Anaconda, Afghanistan; thượng sĩ Mỹ Timothy Kellner hạ 139 quân nổi dậy cùng khoảng hơn 100 quân nổi dậy khác chưa được chính thức xác nhận trong chiến dịch Operation Iraqi Freedom. Tuy nhiên, không lâu sau đó, lực lượng liên quân phải đối đầu với cuộc chiến tranh du kích với các lực lượng Iraq nổi dậy.

Tháng 11.2005, Ngũ Giác Đài phải thừa nhận 28 trong số 2.100 binh sĩ Mỹ tử trận tại Iraq là do bị bắn tỉa. Cũng trong năm này, một đoạn video được phát tán trên internet, ca tụng một nhóm nổi dậy người Sunni có tên gọi Lực lượng Hồi giáo Iraq (IAI) đã chiếu cảnh nhiều lính Mỹ bị sniper của IAI bắn hạ. Tháng 10. 2006, thông tin tình báo Mỹ cho biết sniper bắn tỉa Iraq đang nhắm vào cuộc chiến tranh tâm lý bằng chiến thuật bắn hạ các kỹ sư, nhân viên y tế và cha tuyên úy trong quân đội. Cùng lúc, video clip thứ 2 được tung ra với tên gọi Juba - the Baghdad Sniper 2, được ca tụng là tay bắn tỉa cự phách trong lực lượng IAI, tự  nhận đã bắn hạ 37 quân Mỹ. Juba là ai và có là người thật hay chỉ là một nhân vật không có thật do IAI dựng lên thì chưa xác định được, chỉ biết đoạn phim chiếu cảnh tay súng này đang ngồi sau một bức tường có khắc tên khoảng 300 binh sĩ Mỹ mà hắn khẳng định đã bắn hạ.

Không dễ bắn trúng


Ống ngắm model Swift 687M giúp các sniper có thể điều chỉnh độ rơi của viên đạn - Ảnh: Wikipedia

Phim ảnh dễ cho chúng ta cảm giác cứ chĩa nòng súng vào đầu mục tiêu, khi chữ  thập hiện ngay trán hoặc ngực mục tiêu, siết cò thì sẽ bách phát bách trúng. Mọi chuyện không đơn giản như vậy.

Thực tế do viên đạn có trọng lực nên đường đi của viên đạn luôn là một đường cong đi xuống. Bên cạnh đó, khoảng cách, sức gió và tốc độ di chuyển tương đối của mục tiêu so với tốc độ của viên đạn (thường khoảng 800m/giây) cũng sẽ tác động rất lớn đến độ chính xác của phát bắn. Nếu sử dụng loại đạn chuẩn của NATO 7.62 x 51 mm thì độ rơi của viên đạn ở 2 khoảng cách 700 - 800m sẽ khác biệt nhau là 200 mm. Điều đó có nghĩa nếu sniper ước tính khoảng cách giữa mình và mục tiêu là 700m, nhưng nếu thực tế là 800m, thì viên đạn sẽ găm trúng phía dưới mục tiêu 200 mm. Hiện có một số ống ngắm được trang bị hệ thống Bullet Drop Compensation (tính được khoảng bù trừ độ rơi của viên đạn).

Bắn từ dưới lên hoặc từ trên cao xuống luôn làm đau đầu các sniper do độ rơi của viên đạn thay đổi. Bên cạnh đó, sniper phải tính thêm sức gió, thời gian để viên đạn găm trúng vào mục tiêu, tác động của gia tốc để có thể điều chỉnh chế độ bắn phù hợp.

Lê Huỳnh Lê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.