Sở hữu và lưu trú là 2 vấn đề khác nhau

20/06/2020 07:58 GMT+7

Cần hiểu rõ việc người nước ngoài sở hữu bất động sản du lịch và lưu trú tại bất động sản du lịch là 2 vấn đề khác nhau (người nước ngoài sở hữu nhưng có thể không lưu trú thường xuyên tại bất động sản).

Về những lo ngại an ninh quốc phòng khi mở rộng cửa cho người nước ngoài mua bất động sản (BĐS) tại Việt Nam, đặc biệt là tình trạng người Trung Quốc núp bóng cá nhân trong nước mua đất tại một số tỉnh, thành trong thời gian vừa qua, theo ông Nguyễn Đình Trung, Nhà nước đã có hành lang pháp lý để thực thi việc kiểm soát các vấn đề an ninh quốc phòng trong trường hợp “người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam” theo pháp luật nhà ở năm 2014. Theo đó, hiện quy định quản lý tỷ lệ người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở trong một dự án không quá 30% số lượng nhà ở trong dự án, ngoài ra còn kiểm soát tỷ lệ trong phạm vi hành chính cấp xã, phường.
Đối với BĐS du lịch, hoàn toàn có thể áp dụng cơ chế này với tỷ lệ cho phép người nước ngoài được mua và sở hữu cao hơn.
Thay vì đối mặt với tình trạng lách luật gian lận trong giao dịch với người nước ngoài, việc cho phép sẽ giúp chúng ta quản lý được vấn đề này. Ngoài ra, cần hiểu rõ việc người nước ngoài sở hữu BĐS du lịch và lưu trú tại BĐS du lịch là 2 vấn đề khác nhau (người nước ngoài sở hữu nhưng có thể không lưu trú thường xuyên tại BĐS).
Pháp luật về cư trú hiện hành cũng quy định rất chặt chẽ về chế độ quản lý - khai báo cư trú, lưu trú 24 giờ nên hoàn toàn có thể quản lý được các đối tượng người nước ngoài để có những chính sách phù hợp, đảm bảo vấn đề an ninh quốc phòng.
Trong thời gian vừa qua, luật Nhà ở 2014 quy định một trong các điều kiện cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam là nhà ở phải đảm bảo “không thuộc khu vực đảm bảo an ninh quốc phòng”. Đối với nội dung này, Quốc hội thông qua việc giao cho Chính phủ quy định.
Theo đó, hiện tại Bộ Quốc phòng và Bộ Tài nguyên - Môi trường đang dự thảo thông tư liên tịch để hướng dẫn về “khu vực nào là khu vực cần đảm bảo an ninh quốc phòng” làm cơ sở cho UBND tỉnh cấp sổ đỏ cho người nước ngoài theo quy định.
“Thông tư liên tịch nêu trên cần thêm thời gian vì tính cẩn trọng của nó. Khi được ban hành, chúng ta sẽ có đủ cơ sở pháp lý để xem xét thay đổi chính sách cho người nước ngoài mua và sở hữu BĐS du lịch tại Việt Nam một cách căn cơ và cẩn trọng nhất. Việc một chính sách mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia, người dân và chúng ta có hành lang pháp lý đảm bảo kiểm soát được, thì chúng ta hoàn toàn có thể nói: việc cho phép người nước ngoài mua và sở hữu BĐS du lịch tại Việt Nam là thật sự cần thiết”, ông Trung nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường Công ty DKRA Việt Nam, cũng cho rằng hiện nay có rất nhiều thông tin, số liệu về việc người nước ngoài sở hữu nhà đất tại Việt Nam dưới những hình thức khác nhau, gây lo lắng về an ninh quốc phòng.
Vậy khi BĐS nghỉ dưỡng được bán cho người nước ngoài có làm tăng lo ngại về an ninh quốc phòng của quốc gia hay không? Thực tế, một dự án BĐS nghỉ dưỡng khi được phê duyệt quy hoạch và đầu tư là đã được xem xét đến vấn đề có nằm trong diện ảnh hưởng hoặc tác động đến an ninh quốc phòng hay không, nếu có chắc chắn sẽ không được cấp phép. Hiện nay, với BĐS nhà ở, người nước ngoài được phép mua căn hộ ở cũng phải theo những quy định cụ thể thì với BĐS nghỉ dưỡng, nếu cũng áp dụng như vậy sẽ giảm bớt các lo ngại.

Đề xuất tích cực

Theo ông Nguyễn Đình Trung, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, việc cho phép người nước ngoài mua BĐS nghỉ dưỡng tại Việt Nam là một đề xuất có tính tích cực, góp phần thúc đẩy cho BĐS nghỉ dưỡng phát triển với những lợi ích khác nhau.
Quan trọng nhất, vẫn nên có những quy định pháp lý cụ thể để quản lý hiệu quả và hạn chế những rủi ro (chú ý quyền sử dụng đất, quyền và hình thức sở hữu công trình, thời hạn sử dụng, nguồn vốn vay/tài chính của khách mua, kể cả việc phòng chống rửa tiền, sử dụng/vận hành khai thác và quản lý, các loại nghĩa vụ về thuế/phí, tỷ lệ/số lượng/giá trị được mua, quy định về hợp đồng, các chế tài xử lý vi phạm...). 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.