Số phận con tin Nhật và Jordan vẫn 'mờ mịt'

29/01/2015 09:22 GMT+7

(TNO) Một đoạn ghi âm được cho là từ nhà báo Kenji Goto bị tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) bắt làm con tin cho biết IS dọa sẽ hành quyết một phi công của Không quân Jordan.

(TNO) Một đoạn ghi âm được cho là từ nhà báo Kenji Goto bị tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) bắt làm con tin cho biết IS dọa sẽ hành quyết một phi công của Không quân Jordan, cũng bị IS bắt làm con tin, nếu Jordan không trả tự do cho một nữ tù nhân dính líu đến vụ đánh bom năm 2005 vào lúc mặt trời lặn ngày 29.1.

Hình ảnh của con tin Nhật-nhà báo Kenji Goto cầm trên tay ảnh của phi công Jordan Muath al-Kasaesbeh xuất hiện trong một bản tin trên màn hình lớn đặt tại một con đường ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản ngày 28.1 - Ảnh: Reuters
Đoạn ghi âm được đăng tải trên YouTube, Twitter vào rạng sáng 29.1, tổ chức tình báo Mỹ SITE, chuyên theo dõi các hoạt động của khủng bố trên mạng, cho hay, theo AFP.
Chính phủ Nhật Bản đang phân tích đoạn ghi âm này, một người phát ngôn của Văn phòng Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cho Reuters biết.
“Nếu Sajida al-Rishawi không được trả tự do để đổi lấy mạng sống của tôi tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ vào lúc mặt trời lặn ngày 29.1 theo giờ Mosul, Iraq, thì phi công Jordan Muath al-Kasaesbeh sẽ bị giết ngay lập tức”, ông Goto nói trong đoạn ghi âm chưa được xác thực.
Theo AFP, bà Rishawi, một kẻ đánh bom liều chết, bị tòa án ở Jordan tuyên án tử hình vào tháng 9.2006 do dính líu đến vụ đánh bom một khách sạn ở thủ đô Amman (Jordan) năm 2005 khiến 60 người chết. Bà Rishawi nhiều lần kháng cáo và hiện bị giam giữ ở Jordan.
Trước đó, vào tối 28.1, chính quyền Jordan cho biết họ sẵn sàng trả tự do cho Rishawi đúng theo yêu sách của IS nếu phi công Kasaesbeh được trả tự do.
Ông Mohammad al-Momani, người phát ngôn của Chính phủ Jordan ngày 28.1 nói: “Jordan sẵn sàng trả tự do cho tù nhân Sajida al-Rishawi nếu phi công Jordan, trung úy Muath al-Kasaesbeh, được trả tự do và an toàn tính mạng”.
Số phận của ông Kasaesbeh được cho là gắn liền với ông Goto sau khi IS ngày 27.1 (lúc 21 giờ tối 27.1 theo giờ Việt Nam) tung lên mạng đoạn video dọa giết cả hai người này trong vòng 24 giờ nếu Jordan không trả tự do cho Rishawi. Nhưng ông Momani cho hay ưu tiên hàng đầu của Jordan là đảm bảo phi công Kasaesbeh được trả tự do và không hề nhắc đến ông Goto.
Reuters và AFP cũng lưu ý một số hãng tin đã đưa ra thông tin chưa xác thực, cho rằng Nhật Bản và Jordan đạt được thỏa thuận trong xử lý khủng hoảng con tin, tức trao đổi cả ông Kasaesbeh và ông Goto.
Chính quyền Jordan cũng đã đề nghị IS cung cấp bằng chứng ông Kasaesbeh vẫn còn sống, nhưng IS không có câu trả lời, lại tiếp tục đe dọa hành quyết viên phi công này, theo AFP.
Anwar Tarawneh (phải), vợ của phi công Muath al-Kasaesbeh bị IS bắt làm con tin, òa khóc khi biết IS tiếp tục dọa giết chồng cô, ngày 28.1 tại thủ đô Amman của Jordan - Ảnh: Reuters
Hàng trăm người, bao gồm người thân của ông Kasaesbeh, tập trung trước Văn phòng Thủ tướng Jordan vào ngày 27.1, kêu gọi chính quyền nước này đáp ứng yêu sách của IS.
Tại Nhật Bản, nhiều người đã cầm biểu ngữ kêu gọi chính phủ Nhật nỗ lực giải cứu nhà báo Goto, tập trung trước dinh thự của Thủ tướng Nhật tại thủ đô Tokyo ngày 28.1.
“Hãy cứu mạng Kenji. Tôi xin ngài Thủ tướng hãy dùng hết sức mạnh của ngài để thương lượng với chính quyền Jordan”, bà Junko Ishido, mẹ của ông Goto, viết trong một bức thư gửi cho ông Abe mà bà đọc trong một buổi họp báo.
Vấn đề con tin được cho là cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng nhất mà Thủ tướng Nhật Shinzo Abe phải đối mặt trong nhiệm kỳ thứ hai, theo Reuters.
Ông Goto đến Syria vào cuối tháng 10.2014 để giải cứu bạn mình là ông Haruna Yukawa, một công dân Nhật bị IS bắt làm con tin vào tháng 8.2014.
IS ngày 25.1 xác nhận đã hành quyết ông Yukawa (vì Tokyo không trả tiền chuộc 200 triệu USD), sau khi tung lên mạng một đoạn video cho thấy ông Goto cầm bức hình có thi thể bị chặt đầu của ông Yukawa hôm 24.1, theo AFP. Sau đó, IS không đòi tiền chuộc mà đưa ra yêu sách trao đổi tù binh.
Phi công Kasaesbeh bị IS bắt giữ sau khi máy bay rơi ở miền đông bắc Syria hồi tháng 12.2014 trong một chiến dịch đánh bom nhắm vào IS.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.