Sôi động ngành công nghiệp điện mặt trời

26/06/2019 14:31 GMT+7

Người dân quan tâm, doanh nghiệp đầu tư lớn, điện mặt trời đang có những bước tiến lớn, manh nha trở thành một nền công nghiệp sôi động tại Việt Nam thời gian tới.

Ồ ạt đầu tư nhà máy điện mặt trời

Sáng 25.6, Công ty cổ phần TTP Phú Yên tổ chức lễ khánh thành, chính thức đưa vào vận hành Nhà máy điện mặt trời Hòa Hội tại xã Hòa Hội, H.Phú Hòa (Phú Yên). Đây là dự án năng lượng tái tạo lớn nhất trên địa bàn tỉnh Phú Yên do Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thành Việt Nam liên danh với Tập đoàn B.Grimm của Thái Lan đầu tư với tổng vốn 4.985 tỉ đồng, đồng thời cũng là nhà máy điện mặt trời đầu tiên của tỉnh này.
Chỉ trước đó 2 ngày, Nhà máy điện năng lượng mặt trời BCG - CME Long An 1 được xây dựng tại xã Thạnh An, huyện Thanh Hóa cũng đã chính thức đi vào hoạt động và hòa mạng lưới điện quốc gia.
Đây là một trong những nhà máy năng lượng mặt trời đầu tiên của tỉnh Long An được xây dựng trên diện tích hơn 50 ha, có công suất 40,6 MWp, với 123.000 tấm pin năng lượng mặt trời, tổng mức đầu tư trên 1.000 tỉ đồng, được đầu tư bởi liên doanh tập đoàn Bamboo Capital (BCG) - Copper Mountain Energy (CME) và Quỹ Vietnam - Oman (VOI). Lãnh đạo tỉnh Long An thông tin thêm, hiện có tới 16 dự án điện mặt trời đã và đang triển khai trên địa bản tỉnh với tổng công suất 1.072 MW.
Trong bối cảnh nhiều dự án nhiệt điện lớn chậm tiến độ, hệ thống điện đã "cạn sạch dự phòng" vào mùa hè năm ngoái, điện mặt trời đang được kỳ vọng là giải pháp thay thế ưu việt nhất. Ninh Thuận, Sóc Trăng, Tây nguyên, Tây Ninh và nhiều địa phương khác đã ồ ạt phát triển gần trăm nhà máy điện mặt trời thương mại.
Không chỉ thu hút các doanh nghiệp lớn trong nước, vài năm trở lại đây, Việt Nam đang nổi lên trở thành điểm đến tiềm năng cho các doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Theo số liệu mới nhất, tính đến nay đã có hàng trăm dự án điện mặt trời được đăng ký đầu tư vào Việt Nam với tổng công suất nguồn lên tới 17.000 MW. Các nhà đầu tư Thái Lan gần đây liên tục mua lại cổ phần các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Đơn cử, tháng 4 vừa qua, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Thái Lan (EXIM Thailand) đã công bố tăng thêm 65 triệu USD cho hai công ty Eastern Power Group Plc và Communication & System Solution Plc để cấp vốn cho việc xây dựng hai nhà máy điện mặt trời tại Phú Yên với công suất phát điện kết hợp khoảng 100 MW. Hay như trong năm 2018, Tập đoàn năng lượng B.Grimm Power PLC của Thái Lan đã ký thỏa thuận mua 80% cổ phần tại Công ty cổ phần TTP Phú Yên, chủ đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời công suất 257 MW tại Phú Yên. Trước đó, nhà đầu tư này cũng hợp tác với một công ty trong nước để xây dựng dự án điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á tại tỉnh Tây Ninh.
Dự báo, cùng với việc nhà nước đang nghiên cứu mức giá điện mặt trời mang tính kinh doanh, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư, thị trường công nghiệp điện mặt trời sẽ còn nhộn nhịp hơn nữa trong thời gian sắp tới.

Điện mặt trời đang được đầu tư mạnh mẽ tại Việt Nam

Chí Nhân

Cần chính sách đầu tư thích đáng

Tiết kiệm, chi phí lắp đặt thấp, nhưng để năng lượng tái tạo, mà cụ thể là điện mặt trời có thể "lấp chỗ trống", tiến đến thay thế nhiệt điện trong tương lai là cả bài toán khó.
Tại cuộc họp cung ứng điện mùa khô và chuẩn bị đóng điện các dự án điện mặt trời do Tập đoàn Điện lực (EVN) tổ chức mới đây, ông Vũ Xuân Khu, lãnh đạo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) đã bày tỏ lo ngại về khả năng "sập nguồn" điện mặt trời khi mà trong một ngày, số lần công suất thay đổi trên 50% do yếu tố thời tiết là từ 3 - 5 lần, gây thách thức rất lớn cho hệ thống điện, nhất là trong bối cảnh đang có rất ít nguồn dự phòng. Bên cạnh đó, các nguồn điện truyền thống như nhiệt điện, điện khí... có thể chủ động điều chỉnh công suất các nhà máy tùy theo nhu cầu tiêu thụ. Còn với các nhà máy điện mặt trời, công suất lại phụ thuộc vào thời tiết nên không dự đoán, điều khiển được.
Lãnh đạo A0 nhận định nếu có mạng lưới điện mặt trời đủ rộng, các nơi khác có thể bù cho sự thiếu hụt cục bộ của nơi này thì rủi ro không là quá lớn. Trong trường hợp thời tiết xấu kéo dài cả ngày hoặc nhiều ngày trên một khu vực rộng lớn thì ngành khí tượng hoàn toàn có thể dự báo được. Khi đó có thể phát điện các nguồn dự phòng mà không phải vất vả lo ứng phó.
Như vậy, bên cạnh cơ chế giá hợp lý, việc xây dựng một quy hoạch chi tiết, bài bản đối với từng địa phương trong việc phát triển năng lượng tái tạo như điện mặt trời là điều vô cùng cần thiết và cấp bách.
GS.TS Nguyễn Văn Đạt, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật Xây dựng ĐH Bách Khoa TP.HCM đánh giá ở Việt Nam hiện nay, điện mặt trời tuy phát triển ồ ạt nhưng mới chỉ ở mức độ nhất định về công nghệ. Nguồn tài nguyên quý giá này còn rất nhiều điều bí ẩn chưa được khai phá để tận dụng khai thác. Trong đó, có vấn đề diễn biến của điện mặt trời khi chịu tác động từ các hiện tượng tự nhiên khác như những ngày trăng tròn, trăng khuyết; chất lượng tạo năng lượng điện đã thay đổi như thế nào trong quá trình khai thác đó...
"Để thực sự hình thành diễn biến trạng thái khoa học và công nghệ điện mặt trời, đã đến lúc nhà nước cần đầu tư xây dựng các trung tâm thí nghiệm để làm phong phú hơn nguồn điện mặt trời. Các tập số liệu nghiêm túc này nhằm thiết kế tối ưu cho điện mặt trời. Tiến đến có thể nghiên cứu sâu về pin mặt trời để sử dụng tiện lợi, cơ động cho nhiều lĩnh vực khác nhau trong nền kinh tế, giảm bớt nhu cầu xã hội về nhiên liệu. Tóm lại, cần có sự đầu tư bài bản, nghiêm túc dựa trên các chính sách của nhà nước để xây dựng ngành công nghiệp điện mặt trời, năng lượng tái tạo phát triển" - ông Đạt đề xuất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.