Soi lại chính quyền cơ sở

23/10/2019 04:51 GMT+7

Không xử lý cho nghiêm những cán bộ chà đạp luật pháp , lợi ích nhóm, cổ súy chủ nghĩa cá nhân trong vụ khủng hoảng xây dựng không phép ở Q.Thủ Đức thì không thể nào xử lý được 168 công trình sai phạm khác...

Chiều qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã phải bỏ dở kỳ họp Quốc hội tại Hà Nội về thành phố chủ trì cuộc họp với Quận ủy Thủ Đức để giải quyết chuyện “quan quận” xây nhà không phép trên đất quy hoạch.
Trong một diễn biến liên quan, sáng qua, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng tuyên bố “không nhân nhượng” với xây dựng không phép.
Điều đó đủ cho thấy sức nóng và mức độ nghiêm trọng của vụ việc xây dựng không phép tại Q.Thủ Đức, với nhân vật chính là ông Phó chủ tịch thường trực HĐND quận và người thân, với hàng ngàn mét vuông đất vi phạm.
Nhưng câu hỏi đặt ra là, sai phạm xảy ra từ rất lâu, và người dân trong khu vực đã có đơn tố cáo sự việc bắt đầu từ năm 2017, tại sao không cấp nào giải quyết? Chính quyền cơ sở đã ở đâu trong suốt những năm qua? Các tố cáo của người dân tại sao lại rơi vào thinh không như vậy, cho đến khi phóng viên Thanh Niên tiếp cận vụ việc?
Câu trả lời có lẽ cũng đã được rất nhiều bạn đọc phản hồi trong các bài viết của Báo Thanh Niên, rằng “quan làm sai sao nói được dân”. Chưa bao giờ câu “đảng viên đi trước làng nước theo sau” lại trớ trêu như trong chuyện 168 công trình xây dựng không phép tại Q.Thủ Đức, TP.HCM. Hóa ra, cái gốc của câu chuyện vẫn là năng lực của chính quyền cơ sở và sự nêu gương của các cán bộ, đảng viên.
Một bộ máy chính quyền cơ sở tê liệt trước sai phạm, đấy là một mối nguy. Một bộ máy hành chính bất lực trước sai phạm của chính cán bộ mình, ấy là một mối hại.
Những tấm hình Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân trực tiếp thị sát công trình không phép tại Q.Thủ Đức chiều qua rất đẹp, nhưng nó quá buồn. Người đứng đầu thành phố lớn nhất cả nước phải trực tiếp “ra tay” với một công trình xây dựng không phép - công việc vốn thuộc thẩm quyền của một cán bộ trật tự xây dựng cấp phường, đủ thấy bộ máy công quyền của chúng ta vận hành trục trặc như thế nào.
Đáng buồn hơn, công trình sai phạm ấy lại thuộc sở hữu của một cán bộ cấp quận, hẳn là một “quan hội đồng”.
“Nêu gương” là một phương thức lãnh đạo của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Một tấm gương sống có giá trị hơn cả trăm bài diễn văn”. Muốn người dân nghe theo, thì cán bộ phải gương mẫu đi đầu, xung phong làm trước, chứ nói mà không làm, hoặc nói một đằng làm một nẻo thì làm sao thuyết phục được dân.
Không xử lý cho nghiêm những cán bộ chà đạp luật pháp, lợi ích nhóm, cổ súy chủ nghĩa cá nhân trong vụ khủng hoảng xây dựng không phép ở Q.Thủ Đức thì không thể nào xử lý được 168 công trình sai phạm khác, chứ đừng nói đến vãn hồi trật tự xây dựng của thành phố.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.