Sống còn phụ thuộc vào doanh nghiệp

12/06/2011 00:03 GMT+7

Không còn được bảo vệ bởi các công cụ thuế nhập khẩu khi những cam kết tự do thương mại được thực hiện, các DN trong nước buộc phải đương đầu với hàng ngoại, nếu không muốn bị đào thải.

 

 DN sản xuất trong nước chịu nhiều sức ép từ giảm thuế nhập khẩu - Ảnh: D.Đ.M

Thiếu sự chuẩn bị

Theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, từ thời điểm gia nhập WTO năm 2007 tới nay, các DN đã có quỹ thời gian 4 năm để nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhưng một loạt mặt hàng như ô tô, điện tử... đã không sẵn sàng. Do thuế nhập khẩu linh kiện thậm chí còn cao hơn thuế nhập khẩu nguyên chiếc, thay vì đầu tư sản xuất, hàng loạt nhà máy lắp ráp điện tử và mới đây là ô tô đã chuyển sang nhập khẩu. Bên cạnh đó, sức ép hội nhập còn gia tăng ngay cả với các sản phẩm công nghiệp chủ đạo của VN như dệt may, da giày do giá đầu vào tăng lên, khiến các ngành này mất dần lợi thế cạnh tranh giá rẻ.

Chia sẻ câu chuyện có DN thép hiện số lỗ đã cao gấp hai lần số vốn và đang phải hoạt động cầm cự, theo ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép VN, khi buộc phải cạnh tranh sòng phẳng với thép ngoại, các DN thép nhỏ, lạc hậu sẽ bị đào thải. Với các ngành khác cũng tương tự.

Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, tỏ ra lo ngại khi năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam ngày càng kém đi. DN trong nước đang đối mặt với nhiều vấn đề nan giải khi chi phí đầu vào tăng mạnh, lãi suất cao, cộng với sức ép từ giảm thuế hàng nhập sắp tới sẽ đè nặng lên DN. Sản phẩm ngoại nhập đã có lợi thế về giá, giờ lại có lợi thế về thuế thì chắc chắn DN trong nước sẽ càng trở nên đuối sức trong cuộc cạnh tranh tay đôi này.

Theo các chuyên gia kinh tế, các DN đang không có sự chuẩn bị tốt để chủ động đối phó với tình hình giảm thuế nhập khẩu sắp tới. Trong khi năng lực cạnh tranh vốn đã yếu, DN quy mô nhỏ, lại không có sự liên kết ngành nghề chặt chẽ. Hơn nữa, theo tiến sĩ Phạm Văn Chắt, sau hơn 4 năm gia nhập WTO còn cho thấy một điều rất rõ ràng là các hiệp hội chưa tiếp cận được cơ chế bảo hộ cho DN trong khuôn khổ WTO, đặc biệt là 3 cơ chế: chống phá giá, tự vệ và chống trợ cấp.

Chưa có vụ kiện nào liên quan tới 3 cơ chế trên mà các DN Việt Nam đứng nguyên đơn. Phía DN cũng chưa ý thức được mình cần được bảo hộ như thế nào; chưa liên kết với hiệp hội để được bảo vệ.

Thiết lập hàng rào kỹ thuật

Việc giảm thuế nhập khẩu có lợi cho người tiêu dùng khi được sử dụng hàng ngoại chất lượng nhưng giá rẻ. Tuy nhiên phần chìm của tảng băng chính là những tác động mạnh mẽ tới nền sản xuất. Do những yếu tố khách quan, sản xuất trong nước trở nên yếu hơn sẽ gây ra mất việc làm vì DN thu nhỏ hoạt động, người tiêu dùng giảm thu nhập...

Ông Huỳnh Văn Minh,Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM

Theo luật sư Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, cam kết WTO cho phép sử dụng các biện pháp tự vệ trong thương mại quốc tế, như chống bán phá giá, hoặc dựng hàng rào phi thuế quan gồm hàng rào liên quan đến các vấn đề tiêu chuẩn kỹ thuật, hàng rào bằng các biện pháp liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện các cơ quan nhà nước liên quan đến các lĩnh vực này đã được thành lập như Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) hay cơ quan chuyên trách về an toàn vệ sinh thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp của Bộ NN-PTNT.

“Phải đánh giá lại hoạt động của các cơ quan này thời gian qua như thế nào. Về nguyên tắc, các cơ quan này sẽ giải quyết vấn đề theo kiến nghị của DN hoặc Hiệp hội DN. Nhưng sống còn vẫn là sự chủ động của DN. Các DN phải có hiểu biết về pháp luật, mức độ thiệt hại, trong tình huống nào thì được áp dụng để tự phòng vệ”, ông Huỳnh chia sẻ.

Đây cũng là cách mà nhiều nước đã thực hiện để bảo vệ hàng sản xuất trong nước. Bởi rào cản về thuế buộc lòng phải cắt, nhưng rào cản kỹ thuật thì lại có quyền thiết lập. Mới đây, Liên minh châu u (EU) đưa ra quy định REACH với danh sách hóa chất bị cấm, buộc tất cả các sản phẩm xuất khẩu vào thị trường này phải đăng ký tuân thủ.

Các nước xuất khẩu đã diễn giải rằng, quy định này là một rào cản thương mại mới nữa do EU đặt ra để bảo hộ lợi ích của thị trường nội địa. Theo báo cáo tác động hội nhập của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, nhiều đối tác của VN đã thực hiện một cách khôn khéo các hàng rào kỹ thuật và thậm chí cả những biện pháp hành chính để bảo hộ cho sản xuất trong nước của họ. Do vậy, xuất khẩu của ta liên tục bị kiện chống bán phá giá, tự vệ thương mại và cả chống trợ cấp. Riêng từ năm 2007 đến nay đã có 13 vụ kiện liên quan tới VN.

Theo ông Lương Văn Phan, Phó viện trưởng Viện Tiêu, trong thương mại tự do hiện nay ngày càng có nhiều hơn các rào cản kỹ thuật được áp dụng. Các nước phát triển đưa ra rào cản kỹ thuật ngày càng cao nhằm bảo vệ hàng hóa và DN của họ. Sắp tới đây, các thiết bị điện và điện tử khi nhập vào thị trường VN cũng sẽ được kiểm soát chặt chẽ bởi những rào cản kỹ thuật. Cụ thể, một số nhóm thiết bị điện gia dụng sẽ phải đạt yêu cầu về tương thích điện từ; hiệu suất năng lượng... do bên thứ ba kiểm nghiệm chứng nhận. Những rào cản kỹ thuật này dĩ nhiên không bị phản đối vì phù hợp với WTO. Tuy nhiên, nhìn chung chúng ta vẫn chậm chân trước các diễn biến hội nhập.

Trong đó việc thiết lập các hàng rào kỹ thuật để làm chậm hơn tiến trình thâm nhập vào thị trường của hàng ngoại hầu như không được thực hiện.

Nguyễn Trần Tâm - Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.