Sống cùng chân dài, người mẫu Việt - Kỳ 4: Ảo tưởng chốn hào nhoáng

27/03/2014 05:10 GMT+7

(TNO) Nếu nghĩ rằng người mẫu chỉ cần ăn mặc đẹp, lả lướt vài vòng trên sàn catwalk rồi ung dung lãnh vài triệu, thậm chí vài chục triệu đồng thì bạn đã lầm to…

>> Sống cùng chân dài, người mẫu Việt - Kỳ 1: Thay đồ, vô tư đi!
>> Sống cùng chân dài, người mẫu Việt - Kỳ 2: 'Cuộc chiến' bùa ngải
>> Sống cùng chân dài, người mẫu Việt - Kỳ 3: Chân dài và đại gia, ai săn ai?


Đằng sau ánh hào quang

Trang Phạm là một người mẫu tự do nhưng với cá tính và kinh nghiệm trong nghề, cô cũng thuộc hàng được biết mặt, biết tên. Thế nhưng, ngay từ lần gặp đầu tiên, cô gái có chiều cao "khủng" 1,8m này khiến tôi khá bất ngờ trước sự giản dị của mình.

 
Một người mẫu đang làm tóc trong một show diễn thời trang - Ảnh: Độc Lập

"Nhắc đến nghề này, người ta thường nghĩ đến cái gì đó lộng lẫy, xa hoa nhưng đó chỉ là những gì được tô vẽ thêm hoặc là một bộ phận thôi. Như tôi vẫn làm việc nhà, vẫn nấu cơm, đi chợ. Ở trọ 2 triệu/tháng. Xài điện thoại "cùi" 7-8 năm nay, đi chiếc xe số mua lại từ người khác với giá rẻ để tiết kiệm xăng, đeo chiếc balô từ hồi còn học cấp 3 đến giờ và thu nhập hàng tháng thì cũng tầm 10-15 triệu đồng như một viên chức bình thường", Trang Phạm chia sẻ.

Cô bảo tất cả là do hướng đi của mỗi người thôi. Muốn thành celeb (người nổi tiếng) thì phải đầu tư quần áo hàng hiệu, phải ăn diện, chăm chút kỹ mỗi khi xuất hiện. Cái gì cũng có giá. Còn nếu thực sự sống bằng nghề này thì...


Người mẫu Trang Phạm - Ảnh: Alex Cui

Trang Phạm bước vào nghề người mẫu khi xu hướng người mẫu gầy được ưa chuộng tại Việt Nam. Thời gian đầu, cô ký hợp đồng với một công ty quản lý người mẫu ở Hà Nội nhưng tiền lương mỗi tháng chỉ khoảng 700.000-800.000 đồng. "Nói hơi khó tin chứ lúc đó thu nhập chính của tôi đến từ công việc bồi bàn chứ không phải nghề người mẫu", cô gái cao 1,8m chia sẻ.

Trong lần đi chụp ảnh bìa cho một tạp chí thời trang có tiếng, Trang Phạm được gợi ý nên vào TP.HCM thử sức. Tuy nhiên, Nam tiến với hai bàn tay trắng ở một nơi đầy sự cạnh tranh như TP.HCM, Trang Phạm đã phải vượt qua khoảng thời gian đầy khốn khó.

"Ba tháng đầu, tôi hầu như phải đi bộ để tiết kiệm tiền bởi trước khi đi, tôi không xin mẹ cái gì hết. Có khi, tôi còn cuốc bộ từ Q.1 xuống Q.5 để casting show diễn", Trang Phạm chia sẻ.

Nghề người mẫu cũng từng là giấc mơ đổi đời của M.L. (21 tuổi, Bến Tre). Một mình lên TP.HCM lập nghiệp với hi vọng đi làm thêm kiếm tiền rồi tham gia các lớp đào tạo người mẫu để tìm cơ hội sải bước trên sàn catwalk.

Thế nhưng, cũng như bao cô người mẫu trẻ khác, M.L. gặp phải không ít trở ngại, bị gạ gẫm, chèn ép... Đến khi xin đầu quân vào một công ty quản lý người mẫu thì cũng chẳng được như những lời hứa hẹn "sẽ tỏa sáng trong... 3 nốt nhạc". M.L. cho biết trong những công ty này, khi cô nào gây được chú ý (cả về tài năng lẫn tai tiếng) thì sẽ được công ty tập trung lăng xê, những người còn lại gần như phải "tự bơi".

"Dần dần, tôi cũng đã hiểu ra quy luật nghiệt ngã trong nghề này. Hoặc là bạn thực sự có tài năng thì thật kiên trì và nhẫn nại để theo đuổi, hoặc là bạn phải chấp nhận đánh đổi, bất chấp tất cả để được đi lên", M.L nói. Hiện tại, M.L. đang làm việc như một nhân viên bình thường. Cô đề nghị không nêu tên vì không muốn những người xung quanh tò mò về quá khứ của mình.

Quỵt cát sê và những món nợ khó đòi

Trang Phạm cho biết: "Nhiều người cứ tưởng người mẫu chỉ cần mặc đẹp rồi dạo qua dạo lại trên sàn catwalk nhưng thực tế cái gì cũng phải học, từ đi đứng thế nào, tạo dáng rao sao để không bị ngã. Nhiều lúc còn phải đứng bằng mũi chân như múa balê để tạo dáng chụp hình, chân đau mấy ngày mới khỏi rồi vẫn phải xỏ cái chân đau ấy vào những đôi giày cao và dốc".

 
Người mẫu thường mang giày thấp, sau đó thay bằng đôi giày cao trên 1 tấc để biểu diễn thời trang - Ảnh: Độc Lập

 
Sau những show diễn như thế này, người mẫu khá vất vả với việc tẩy trang và chỉnh lại tóc - Ảnh: Độc Lập


 
Theo đạo diễn thời trang Trung Võ, đôi giày là "vũ khí" thiết yếu của người mẫu. "Người mẫu nào cũng phải có một đôi giày vững chắc, không cần phải là giày hiệu nhưng cần tạo cho họ sự thoải mái khi di chuyển, tạo dáng. Và nếu đã là người mẫu thì phải đứng được trên đôi giày từ… 1,2 đến 1,8 tấc".

Tuy nhiên, khi đi diễn các người mẫu lại thường đi giày thấp và mang theo một đôi giày cao gót trong túi. Người mẫu Lê Thị Phương giải thích: "Ai cũng nghĩ tụi em đi giày cao gót quen rồi không biết đau, thực tế là đau lắm, nhất là khi phải đứng lâu".

Có buổi, các cô trang điểm, thay trang phục đâu đó xong xuôi, đi vào cánh gà chờ đến lượt diễn nhưng lại gặp chương trình có màn dạo đầu dài dòng thế là đành chịu "chôn chân" trên đôi giày cao lêu nghêu suốt gần 2 tiếng đồng hồ.

Trở về từ những show diễn, chân cẳng ai cũng mỏi nhừ lại còn phải ra sức... tẩy trang và chỉnh lại tóc bởi thông thường các người mẫu được trang điểm khá đậm, đó là chưa kể việc phải hóa trang đủ kiểu theo ý tưởng của nhà thiết kế hay ban tổ chức chương trình. Tóc tai bị biến đổi liên tục, có khi là hàng chục chiếc kẹp tăm cắm vào đầu, phải tháo rất lâu mới xong.

Được biết, cát sê của người mẫu hiện nay vào khoảng vài trăm ngàn đến vài chục triệu đồng một show. Còn show truyền hình thường chỉ có cát sê tượng trưng nên phần lớn người mẫu chủ yếu sống nhờ vào cát sê quảng cáo với giá khoảng vài triệu đến vài chục triệu. Ngoài ra, cát sê còn được phân chia theo thứ hạng của người mẫu.

Người mẫu Lan Khuê cho biết với danh hiệu Giải vàng Siêu mẫu Việt Nam 2013, cô được xếp vào nhóm người mẫu hạng A, cát sê tăng gấp đôi so với trước đó. Còn người mẫu Minh Tú tiết lộ khi chưa có danh hiệu giải Bạc Siêu mẫu Việt Nam 2012, cô thường xuyên bị chèn ép show diễn nhưng khi đã có danh hiệu rồi thì cát sê cũng vì thế tăng thêm 20-30%. Với những cô thuộc hàng celeb, cát sê có khi lên đến vài chục triệu một show.

Tuy nhiên, "Một tháng không có nhiều show diễn, chỉ khoảng 4-5 show thời trang truyền hình cố định và một số show quảng cáo. Một số chương trình không trả cát sê ngay cho mình mà phải đợi khá lâu. Bởi vậy mà có khi “trúng” show nhưng vẫn phải vay mượn tiền bạn bè mà sống", người mẫu Lê Thị Phương cho biết.

Chuyện bị quỵt cát sê trong giới cũng diễn ra khá thường xuyên bởi đa phần họ đều sử dụng "hợp đồng miệng". Người mẫu Lê Thị Phương cho biết cũng bởi chỉ thỏa thuận miệng mà đến nay, vẫn có nhiều show chưa trả tiền cát sê cho cô và cũng khó lòng mà đòi được.

Theo chia sẻ của các người mẫu, cát sê mà họ nhận được phần lớn phải chi tiêu cho mỹ phẩm, giày dép trang phục. Bởi thế, chỉ những người có gia đình hậu thuẫn hoặc có đại gia hỗ trợ thì mới có thể sống thoải mái. Số còn lại vẫn phải “thắt lưng buộc bụng”.

Khi xuất hiện ở các sự kiện lớn, đa phần các cô đều đi mượn trang phục của những nhà thiết kế quen thân chứ không phải ai cũng có điều kiện diện đồ hiệu, đi xe sang như những hình ảnh thường thấy trên báo chí…

“Loạn” danh xưng

Người mẫu hiện đã được công nhận là một nghề và có hội nghề nghiệp hẳn hoi (Hội người mẫu Việt Nam do ông Nguyễn Quang Minh - Tổng giám đốc Công ty Cát Tiên Sa làm chủ tịch Ban thường vụ nhiệm kỳ 2013-2018).

Thẻ hành nghề cho người mẫu cũng dự kiến bắt đầu áp dụng từ tháng 4.2014. Theo đó, chỉ cần đoạt giải tại các cuộc thi nghệ thuật, cuộc thi người đẹp, người mẫu trong nước (ngay cả các chương trình truyền hình thực tế cũng được coi là các cuộc thi) và quốc tế là được cấp thẻ hành nghề. Thế nhưng, trong khi dự thảo này vẫn còn khá nhiều kẽ hở thì chuyện “loạn” danh xưng trong giới người mẫu khiến những người trong nghề không khỏi khó chịu!

Đạo diễn thời trang Trung Võ chia sẻ: "Nhiều cô thấy có chút nhan sắc, cao ráo rồi đăng ký học catwalk sau đó lấy danh xưng "người mẫu" đi làm chuyện khác... Lại có những cô tham gia các cuộc thi như Siêu mẫu Việt Nam hay Vietnam's Next Top Model, rớt từ những vòng ngoài nhưng vẫn gắn mác là "siêu mẫu". Vì thế, chính báo chí và công chúng cần phải khắt khe hơn với những trường hợp này".

Theo đạo diễn Trung Võ, con đường trở thành người mẫu còn tùy khả năng mỗi người. Ít nhất, các cô phải được đào tạo những kỹ năng cơ bản của người mẫu trong 6-12 tháng rồi sau đó phải trau dồi, tích lũy thêm trong quá trình làm nghề. Ngoài ra, tâm huyết với nghề và đạo đức nghề nghiệp là yếu tố giúp người mẫu đứng vững trong nghề này.

Thiên Hương

>> Chuyện tình chàng tí hon và nàng người mẫu
>> Người mẫu hay hình mẫu ?
>> Người mẫu có cột sống chữ S
>> Hiếu Hiền, Phạm Văn Mách bất ngờ làm... người mẫu thời trang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.