Sóng gió quan hệ Mỹ - UNESCO

14/10/2017 07:59 GMT+7

Israel tuyên bố sẽ rút khỏi UNESCO cùng với Mỹ để phản đối “định kiến chống Israel” của tổ chức này.

Reuters ngày 13.10 đưa tin tuyên bố của Israel được đưa ra không lâu sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo sẽ rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) vào cuối tháng 12.2018. Từ thời điểm đó, Mỹ sẽ giữ vai trò quan sát viên nhằm đóng góp ý kiến, quan điểm và chuyên môn cho UNESCO. Theo AFP, nguyên nhân là Washington luôn phản đối mọi hành động của tổ chức trực thuộc LHQ này trong việc công nhận lãnh thổ Palestine là một quốc gia, cho rằng điều này cần phải đợi đến khi đạt được thỏa thuận hòa bình Trung Đông. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm qua đã ca ngợi quyết định của Mỹ là “dũng cảm và đạo đức” và nói thêm ông đã yêu cầu Bộ Ngoại giao Israel “chuẩn bị cho quá trình rút khỏi UNESCO cùng lượt với Mỹ”.
Theo BBC, Mỹ hồi năm 2011 đã cắt viện trợ cho UNESCO nhằm phản đối quyết định công nhận tư cách thành viên của Palestine. Năm ngoái, Israel cũng ngưng hợp tác với UNESCO sau khi tổ chức này thông qua nghị quyết gây tranh cãi với nội dung phủ nhận mối liên hệ giữa người Do Thái với một khu đền thánh ở Jerusalem. Đến đầu năm nay, Thủ tướng Netanyahu chỉ trích UNESCO vì công nhận thành cổ Hebron tại Bờ Tây là Di sản thế giới của Palestine. Lãnh đạo Israel cáo buộc UNESCO phớt lờ mối liên hệ xa xưa giữa người Do Thái cổ với Hebron.
Tổng giám đốc UNESCO Irina Bokova hôm qua gọi quyết định ra đi của Mỹ và Israel là một mất mát lớn. “Vào thời điểm các cuộc xung đột đang tiếp diễn tại nhiều nơi, thật đáng tiếc khi Mỹ rút khỏi tổ chức LHQ có nhiệm vụ thúc đẩy giáo dục vì hòa bình và bảo vệ các nền văn hóa đang bị tấn công”, AFP dẫn lời bà Bokova. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres bày tỏ “tiếc nuối” về những diễn biến trên nhưng khẳng định LHQ sẽ “tương tác hiệu quả với Mỹ trong hàng loạt vấn đề thông qua nhiều tổ chức”.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết “lấy làm tiếc” và nhấn mạnh rằng Mỹ “rời UNESCO vào thời điểm khó khăn và khiến tình hình thêm tồi tệ”. Trong khi đó, Palestine chỉ trích quyết định của Washington “mang đậm chất chính trị”, đồng thời khẳng định UNESCO vẫn tiếp tục hoạt động như trước đây, theo Sputnik. Mỹ từng rời UNESCO vào năm 1984 với cáo buộc tổ chức này nghiêng về Liên Xô và chỉ quay lại vào năm 2002.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.