Sông Mê Kông kêu cứu: Tác hại kép từ đập thủy điện

16/03/2017 13:39 GMT+7

Bên cạnh những tác động trực tiếp đến dòng chảy, lượng phù sa và sự phát triển của các loài thủy sinh, các đập thủy điện còn gây hại khi sản sinh lượng lớn khí nhà kính làm biến đổi khí hậu.

Khi xây đập thủy điện, nhiều nhà đầu tư thường biện minh rằng đây là nguồn năng lượng sạch và xanh so với nhiệt điện, và khi vùng đồng bằng ở hạ nguồn bị tác động thì họ giải thích là do biến đổi khí hậu. Thế nhưng điều này không còn hợp lý nữa vì các nhà khoa học vừa chứng minh rằng thủy điện cũng là tác nhân quan trọng làm biến đổi khí hậu. Phát hiện này cho thấy đồng bằng sông Cửu Long đang chịu tác hại kép từ các đập thủy điện ở thượng nguồn.
Khu vực “lý tưởng”
Theo chuyên trang khoa học môi trường Mongabay, không chỉ khu vực sông Mê Kông mà nhiều nơi trên thế giới đang ồ ạt xây đập thủy điện với tổng số khoảng 3.700 dự án, trong đó có 847 dự án có công suất lên đến hơn 100 MW. Trước sự bùng nổ này, một nhóm nhà khoa học thuộc nhiều quốc gia đã nghiên cứu tác động của các hồ thủy điện đối với việc phát thải khí nhà kính.
Họ phát hiện ra rằng các hồ nước này đóng góp 1,3% tổng lượng khí nhà kính do con người tạo ra. Đây là một tỷ lệ đáng kể và tương đương với tổng lượng khí nhà kính tạo ra từ trồng lúa hoặc đốt năng lượng sinh khối trên toàn cầu. Điều này hoàn toàn trái với chương trình khí hậu của LHQ vốn cho rằng các hồ này không tạo ra khí nhà kính.
Theo nghiên cứu “Phát thải khí nhà kính từ các hồ nước” do nhóm các nhà khoa học trên đưa ra, yếu tố địa lý ảnh hưởng rất nhiều đến việc tạo khí nhà kính từ các đập thủy điện, và vùng nhiệt đới như lưu vực sông Mê Kông là khu vực có đủ các điều kiện lý tưởng. Vì sông Mê Kông giàu chất dinh dưỡng và hữu cơ duy trì sự sống cho vi sinh vật và rong tảo nên khí methane, một trong những khí nhà kính có hại nhất, được sinh ra nhiều hơn. Nhiệt độ ấm cũng khiến vi sinh vật và tảo hoạt động nhiều hơn.
Theo chuyên gia Tonya DelSontro tại Đại học Quebec (Canada), đồng tác giả của nghiên cứu, đây là một chu kỳ vòng tròn với sự phát triển của tảo và vi sinh vật tạo khí nhà kính làm gia tăng nhiệt độ toàn cầu, và sự gia tăng nhiệt độ này lại kích thích tảo và vi sinh vật phát triển. “Sự gia tăng dân số, hoạt động nông nghiệp và sử dụng đất có thể gia tăng chất dinh dưỡng vào nguồn nước và tạo ra nhiều khí methane hơn”, bà phân tích.
Nghiên cứu cũng cho thấy còn nhiều yếu tố sản sinh khí nhà kính thường bị bỏ qua khi xây đập thủy điện, chẳng hạn như vùng đất ven sông nơi mực nước trồi sụt cuốn theo các chất dinh dưỡng, hiện tượng phát tán khí nhanh hơn do các tua bin xoay và quá trình phân hủy của cây cối bị ngập nước.
Khí nhà kính bị bỏ lơ
Nhóm nghiên cứu đã theo dõi sự phát thải khí carbon dioxide, methane và nitrous oxide ở 267 hồ thủy điện khắp thế giới với tổng diện tích mặt nước hơn 77.000 km2, tương đương một phần tư diện tích mặt nước tất cả các hồ trên thế giới. Methane và nitrous oxide là khí nhà kính có tác động đến biến đổi khí hậu lớn hơn hàng chục đến hàng trăm lần so với carbon dioxide. Họ phát hiện ra rằng trong 20 năm tới, khí methane là tác nhân chính trong số các loại khí nhà kính do hồ thủy điện phát thải ra gây biến đổi khí hậu.
Trước phát hiện trên, nhiều chuyên gia đã kêu gọi các tổ chức quốc tế nên xem phát thải khí nhà kính là yếu tố cần cân nhắc khi xây đập thủy điện. Chuyên gia Philip Fernside thuộc Viện Nghiên cứu quốc gia Amazon (Brazil) cho rằng vai trò của các đập thủy điện trong phát thải khí nhà kính đã bị “bỏ lơ một cách có hệ thống”.
Bà Kate Horner, Giám đốc điều hành Tổ chức International Rivers, cho biết tổ chức này luôn kêu gọi các quốc gia liệt kê thêm yếu tố hồ thủy điện khi thống kê lượng khí nhà kính. “Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC, thuộc LHQ) không nên tiếp tục thông qua việc xây đập thủy điện nếu thiếu yếu tố này”, bà kêu gọi. Bà Horner cũng cho rằng các dự án đập thủy điện ở Đông Nam Á đã khiến rừng nguyên sinh bị tàn phá. “Thủy điện cũng phải chịu trách nhiệm về tình trạng phá rừng vốn cũng gây biến đổi khí hậu”, bà nói.
Theo bà Horner, ngoài việc phát thải khí nhà kính, thủy điện cũng tạo nên vô số tác động xã hội và môi trường tại khu vực sông Mê Kông như môi trường sống không phục hồi, các loài thủy sản không thể di cư và chu kỳ dòng nước và trầm tích bị thay đổi. “Đến lúc năng lượng gió và năng lượng mặt trời trở nên rẻ và phổ biến thì thiệt hại do lượng khí nhà kính thủy điện phát thải đã không còn hồi phục được”, bà cảnh báo.
Thái Lan hút nước sông Mê Kông
Tờ The Nation ngày 14.3 đưa tin Cục Tưới tiêu Hoàng gia Thái Lan đang xây dựng một đường ống dẫn dài 5 km từ sông Mê Kông đoạn chảy qua tỉnh Nong Khai, nhằm bơm nước đối phó với hạn hán. Dự án trị giá 33 triệu baht (21,25 tỉ đồng) khởi công từ tháng 10.2016 và dự kiến hoàn thành vào tháng 9 năm nay với mục tiêu giải quyết hạn hán dài hạn.
Trước đó vào tháng 1.2016, Thái Lan đã vận hành ba trạm bơm công suất lớn hút nước từ sông Mê Kông mà không hề tham vấn các nước có liên quan. Ông Senglong Youk, Giám đốc Chương trình hành động liên minh ngư nghiệp Campuchia (FACT), cho rằng dự án sẽ ảnh hưởng đến hàng triệu người dân sống dọc sông Mê Kông. Còn Giáo sư Philip Hirsch tại Đại học Sydney (Úc) cảnh báo việc bơm nước quy mô lớn từ sông Mê Kông sẽ là mối đe dọa nguy hiểm cho an ninh nguồn nước vào mùa khô của Campuchia và Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.