Sóng ngầm khuấy động Thái Bình Dương

29/01/2012 00:05 GMT+7

Cuộc tranh đua tại châu Á - Thái Bình Dương đang diễn ra sôi động trong lòng biển cả với sự gia tăng các hạm đội tàu ngầm trên toàn khu vực.

Cuộc tranh đua tại châu Á - Thái Bình Dương đang diễn ra sôi động trong lòng biển cả với sự gia tăng các hạm đội tàu ngầm trên toàn khu vực.

Hiện trong khu vực luôn thường trực một trong những vũ khí lợi hại nhất thế giới: tàu ngầm hạt nhân USS Oklahoma City của Mỹ trị giá 2 tỉ USD với khả năng tàng hình và hệ thống tên lửa có thể hủy diệt những mục tiêu cách hàng trăm km. Những tàu ngầm siêu công nghệ như USS Oklahoma City dưới quyền điều khiển của Đô đốc Andrew Peterson từ lâu là niềm ghen tị của hải quân nhiều nước và là một trong những vũ khí chủ chốt của Mỹ tại Thái Bình Dương. “Chúng tôi thực sự không có đối thủ”, AP dẫn lời ông Peterson tự hào tuyên bố trong chuyến thăm Nhật mới đây.

Tuy nhiên, sự thống trị về tàu ngầm của Mỹ tại Thái Bình Dương đang đối mặt với sự cạnh tranh lớn nhất từ thời Chiến tranh lạnh. Gần như mọi quốc gia có đường bờ biển trong khu vực đang nỗ lực củng cố hạm đội tàu ngầm trong bối cảnh có nhiều diễn biến đang quan ngại trước thái độ và hành động cứng rắn của Trung Quốc.

Thi nhau sắm tàu ngầm

Trung Quốc đang đổ tiền khuếch trương và hiện đại hóa hạm đội của mình trong khi Ấn Độ lên kế hoạch sở hữu tàu ngầm tấn công chạy bằng nhiên liệu hạt nhân. Hồi đầu tuần, RIA-Novosti đưa tin Nga đã chuyển giao chiếc K-152 Nerpa, thuộc lớp tàu ngầm Dự án 971 Shchuka-B cho hải quân Ấn Độ và nó đã được đổi tên thành INS Chakra. Tàu này được Moscow cho New Delhi thuê trong vòng 10 năm với giá gần 1 tỉ USD. Như vậy, Ấn Độ đã trở thành quốc gia mới nhất và là thành viên thứ 6 trong câu lạc bộ tàu ngầm hạt nhân trên thế giới, gồm Mỹ, Nga, Pháp, Anh và Trung Quốc.

Không chịu thua kém, Úc đang nỗ lực thông qua dự án quốc phòng đắt đỏ nhất lịch sử nước này: chương trình tái cấu trúc và đóng mới hạm đội tàu ngầm với chi phí có thể vượt quá 36 tỉ USD, theo tờ The Advertiser. Còn Nhật Bản đang bổ sung thêm 8 chiếc vào hạm đội 16 tàu ngầm hiện tại. Hàn Quốc thì đã giành được thỏa thuận trị giá 1,12 tỉ USD cho việc cung cấp 3 chiếc tàu ngầm lớp 209 trọng tải 300 tấn cho Indonesia, theo báo Korea Times.

Các nước và vùng lãnh thổ khác trong khu vực, từ Malaysia, Philippines, Thái Lan, Singapore, Bangladesh và cả Đài Loan cũng đã hoặc đang thực hiện chiến lược mua sắm tàu ngầm. Ngoài ra, một số nguồn tin cho hay CHDCND Triều Tiên đang sở hữu một hạm đội nhiều tàu ngầm nhỏ, thích hợp hoạt động trong vùng biển hẹp như Hoàng Hải. Hàn Quốc trước nay vẫn cáo buộc miền Bắc dùng một trong số tàu đó để tấn công tàu Cheonan vào tháng 3.2010, khiến 46 thủy thủ thiệt mạng.

Xu hướng này tạo ra động lực lôi kéo mạnh mẽ tất cả các bên liên quan. Khi một nước sắm tàu ngầm, các quốc gia láng giềng đối mặt với áp lực phải chạy theo nếu không muốn mất đi vị thế chiến lược trên mọi mặt trận.


Tàu ngầm INS Chakra được Ấn Độ thuê của Nga trong 10 năm - Ảnh: AFP
 

Mỹ dè chừng Trung Quốc

Hiện Mỹ vẫn giữ vị thế hàng đầu về khả năng điều động một lượng lớn tàu ngầm trên các vùng biển quốc tế. Đây là lợi thế then chốt nếu Washington muốn duy trì vai trò của mình tại các tuyến hàng hải quan trọng như eo biển Malacca ngay cửa ngõ biển Đông.

Ưu thế của hải quân Mỹ trên các vùng biển, đặc biệt là Thái Bình Dương, nhiều khả năng sẽ tiếp tục được duy trì trong tương lai. Theo tờ Miami Herald, Hạm đội Thái Bình Dương gồm 180 tàu, gần 2.000 máy bay và 125.000 quân nhân. Chỉ huy tàu ngầm USS Oklahoma City là Đô đốc Peterson khẳng định đây là tàu chiến hiện đại nhất trong các tàu cùng loại.

Tuy nhiên, Mỹ cũng không phủ nhận thách thức đến từ Trung Quốc. “Trung Quốc đang đặt trọng tâm phát triển tàu ngầm và kết quả là đội tàu ngầm cùng với tên lửa, là một trong những mũi nhọn hàng đầu trong khả năng quân sự của họ”, AP dẫn lời chuyên gia Lyle Goldstein thuộc Đại học Chiến tranh hải quân Mỹ.

Hiện Trung Quốc sở hữu hơn 60 chiếc tàu ngầm, trong đó có 9 chiếc chạy bằng nhiên liệu hạt nhân, theo báo cáo hằng năm của Lầu Năm Góc đưa ra hồi năm ngoái. Chủ lực của đội tàu ngầm Trung Quốc là tàu lớp Tống chạy bằng diesel nhưng hải quân đang phát triển thêm loại tàu ngầm nguyên tử, bao gồm lớp Kim được trang bị tên lửa tầm bắn đến 7.400 km.

Tuy nhiên, một số chuyên gia vẫn cho rằng còn rất lâu Trung Quốc mới sánh được thực lực của Mỹ hiện nay về mặt tác chiến tàu ngầm. Dù vậy, để phòng xa, Washington quyết định triển khai nhiều tàu ngầm hơn tại Thái Bình Dương so với Đại Tây Dương. Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta mới đây cũng xác nhận cam kết của Tổng thống Barack Obama về chiến lược quân sự trọng tâm tại vùng biển này.

Cuộc đua phức tạp

Trong bối cảnh rối rắm hiện nay, Trung Quốc không phải là “tay chơi” duy nhất trong cuộc chạy đua quân sự đầy phức tạp tại châu Á. “Ai nấy đua nhau sắm tàu ngầm nhưng không phải cùng chung mục đích”, AP dẫn lời ông Owen Cote của Chương trình Nghiên cứu an ninh thuộc Viện Công nghệ Massachusetts nói. Thái Bình Dương là nhà của vô số hòn đảo đang tranh chấp và không dễ gì xác định bên nào đang kiểm soát từng vùng biển. Chẳng hạn, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đang vướng vào cuộc tranh chấp tay ba quyết liệt. Còn biển Đông luôn là điểm nóng trong khu vực suốt nhiều thập niên qua. Theo chuyên gia Cote, Trung Quốc muốn sử dụng tàu ngầm để ngăn chặn tàu trên biển của Mỹ can thiệp vào các cuộc tranh chấp với các láng giềng.

Điều đáng lo ngại là theo một số nhà phân tích, sự lớn mạnh của các lực lượng hải quân có thể kéo theo nguy cơ va chạm. “Cuộc chạy đua vẽ ra viễn cảnh thay đổi cân bằng quyền lực xuyên suốt châu Á - Thái Bình Dương và trên thực tế xu hướng này đã diễn ra”, theo chuyên gia Hugh White của Đại học Quốc gia Úc. 

Vũ khí chống tàu ngầm

Để đối phó với tàu ngầm, hải quân được trang bị các loại vũ khí dò tìm định vị và tấn công. Trong đó, dò tìm định vị chủ yếu dựa trên công nghệ sóng âm (sonar) có khả năng phát hiện tàu ngầm trong khoảng cách hàng chục km. Ngày nay, các hệ thống sonar không chỉ hiện diện trên chiến hạm mà còn được trang bị cho trực thăng và máy bay phản lực săn tàu ngầm. Ngoài ra, quá trình dò tìm còn ứng dụng nhiều công nghệ khác như phát hiện từ những liên lạc giữa tàu ngầm với các trung tâm chỉ huy hay thông qua hệ thống vệ tinh.

Sau khi phát hiện tàu ngầm, đơn vị tác chiến có thể tấn công bằng ngư lôi. Ngày nay, hầu hết các công nghệ hiện đại của tên lửa hầu hết được ứng dụng vào ngư lôi. Hiện một số ngư lôi có tầm bắn lên đến 50 km, điển hình là loại Mart 48 được trang bị trên tàu ngầm tấn công lớp Virginia của Mỹ. Ngoài ra, ngư lôi cũng có thể được khai hỏa từ máy bay.

Bên cạnh đó, tàu ngầm còn đối mặt nguy cơ từ các loại thủy lôi thả lơ lửng trên mặt biển lẫn dưới đáy sâu. Các loại thủy lôi hiện đại được trang bị công nghệ cảm biến tự động nổ khi phát hiện tàu ngầm chứ không cần xảy ra va chạm. Tất nhiên, tàu ngầm cũng có khi phải nổi và khi đó chúng cũng dễ dàng bị phát hiện và tấn công bởi các loại radar, tên lửa trên các loại tàu chiến nổi.

Hoàng Đình
(tổng hợp)

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.