Sống ở Cuba: Thời tem phiếu chưa qua

30/12/2016 09:16 GMT+7

Sáng thứ bảy, bà hàng xóm đập cửa rầm rầm: “Thịt đến, có thịt rồi nhé!”. Nghe được tin vui, cả xóm chộn rộn hẳn lên.

Mira lật đật vào phòng trong lấy cuốn sổ được cất kỹ trong tủ. Nếu như thời bao cấp ở VN có “Sổ mua lương thực” (còn gọi là “sổ gạo”) thì ở Cuba cho tới ngày nay vẫn còn một cuốn tương tự gọi là “Sổ quản lý việc bán thực phẩm”.
Hai lạng thịt rẻ hơn một bao xốp
Đó là cuốn sổ nhỏ bằng bàn tay, bìa giấy ngả vàng, hơi sần sùi được bao bìa và ép plastic kỹ lưỡng. Các trang trong được chia cột: loại thực phẩm (gạo, đường, muối, bánh mì...) và ngày tháng nhận. “Miếng ăn của gia đình mà, phải kỹ chứ. Mất cuốn này làm lại mệt và lâu lắm, cả tháng mới xong. Chưa kể, trong thời gian đợi làm sổ là mất phần thực phẩm trong tháng đó luôn”, Mira cho hay.
Cô làm tôi nhớ đến hồi còn bé ở VN. Mỗi tháng mẹ cũng cầm cuốn sổ đi lãnh gạo. Nhà ăn ít, nên thỉnh thoảng mẹ lại bán bớt gạo lại cho tư thương để mua thêm chút thịt cải thiện. Hồi đó mẹ cũng nâng niu, quý “sổ gạo” còn hơn vàng vì mất sổ gạo là coi như nhịn đói cả tháng hoặc hơn. Ba mươi năm sau, ở một đất nước khác, tôi gặp lại những điều tưởng sẽ mãi là quá khứ.
Cửa hàng phân phối thịt của xóm “bé như cái lỗ mũi”, phía trước treo tấm bảng ghi rõ thực phẩm đợt này có những gì. Thực phẩm phân phối cho cửa hàng 1 lần/tháng nên ngày này rất đông, từ bà già lụm cụm chống gậy cho đến anh thanh niên quần đùi, áo ba lỗ bị vợ sai đi mua đồ. Họ đứng xếp hàng nói cười rôm rả. Người già, tàn tật, phụ nữ mang thai được ưu tiên không cần xếp hàng.
“Thật ra, cũng chỉ muốn lấy được thịt sớm thôi, chứ nếu đến chậm thì phần của mình vẫn còn đó. Tháng nào không lấy, tháng sau vẫn được lấy bù”, chàng thanh niên bận áo ba lỗ nói.
Một trung niên ở xóm trên thấy Mira đến liền nạt chàng trẻ: “Chú kia, xích ra nhường chỗ cho bà bầu đi chứ”. Anh chàng quay lại, nhận ra Mira liền nói to: “Không phải cô ấy có bầu đâu. Bụng bự thôi”. Thế là đám đông phá lên cười. Mira cũng cười theo.
Trẻ em được 30 lít sữa/tháng
Người dân Cuba từ 13 tuổi trở lên sẽ được nhận mỗi tháng 5 quả trứng/người, 30 mẩu bánh mì (bằng bàn tay), 3,5 kg gạo, 2 kg đường, 250 gr dầu ăn, 250 gr đậu, 250 gr muối, 1 gói cà phê 125 gr, 1 hộp diêm quẹt, 700 gr thịt gà, jambon, thịt bằm. Ngoài ra, cứ 3 tháng, mỗi người còn được nhận khoảng 3 xị cồn và 3 lít dầu lửa (dân quê nhận được nhiều dầu và cồn hơn thành thị).
Cuối năm, người dân sẽ nhận được thêm 1 gói miến và 1 gói spaghetti.
Trẻ em nhận được khẩu phần như người lớn (trừ cà phê và jambon). Đặc biệt, trẻ từ 1 - 7 tuổi được nhận thêm 6 bịch sữa bột (tương đương 30 lít sữa/tháng), 7 hộp nước trái cây nguyên chất (mỗi hộp 200 ml), 1/2 kg thịt bò. Trẻ từ 7 - 13 tuổi được thêm 10 lít sữa chua/tháng.
Phụ nữ có thai mỗi tháng sẽ có thêm 700 gr thịt bò, 1/2 kg thịt gà, sữa bột (pha được 15 lít sữa nước) và 1 kg rau củ.
Trong một khu dân cư thường có 2 cửa hàng, một chuyên bán những loại không cần trữ lạnh như gạo, đậu, trứng, bánh mì..., cửa hàng khác chuyên thịt, cá...
Mỗi người dân trong một tháng sẽ có suất thực phẩm được mua với giá ưu đãi rẻ như cho không. Chẳng hạn đường 40 cent/kg (khoảng 400 đồng/kg), gạo 50 cent/kg (600 đồng/kg), thịt 3 peso/kg (3.000 đồng/kg)...
Ở Cuba, bao xốp khá đắt, khoảng 1 peso/cái, với số tiền này người dân có thể mua được... 300 gr thịt. Chỉ tiếc là thực phẩm giá ưu đãi không nhiều.
“Ăn tiện tặn lắm thì được nửa tháng là hết. Còn lại phải mua ở ngoài ăn mới đủ. Giá ở ngoài cao hơn, gạo 9 peso/kg, đường đen 13 peso/kg, đậu 21 peso/kg, bánh mì 5 peso/ổ to 2 người ăn, thịt đùi, sườn heo khoảng 35 peso/kg...”, một người dân cho biết.
Thịt bò: món ngon quý hiếm
Juan, kỹ sư vi tính, mời tôi đến nhà ăn tối với gia đình. Chúng tôi quen nhau vì thường ăn trưa chung ở một quán cơm bình dân. Căn hộ nhỏ chừng 15 m2 ở gần phố cổ Havana là nơi anh và vợ đang sinh sống.
Bữa tối ở nhà Juan cũng chỉ là mấy món ăn phổ biến của người Cuba: cơm đậu đen, trái bơ, khoai lang và thịt. Riêng đĩa của tôi thì cô vợ Juan hấp háy mắt, gương mặt có vẻ khá trịnh trọng: “Ăn đi, có thịt bò nữa đấy”. Tôi cảm ơn nhưng nghĩ bụng: “Thịt bò thôi mà, có cần phải “nghiêm trọng” vậy không?”.
Như đoán được, Juan mới cười giải thích ở Cuba, giết mổ bò bị cấm. Nông dân cũng không được làm thịt con bò của mình. Ngay cả nếu bò chết vì tai nạn hoặc lý do tự nhiên, Bộ Nội vụ sẽ tìm hiểu và điều tra. Giết mổ bò bất hợp pháp có thể bị phạt tù 20 - 30 năm.

tin liên quan

Sống ở Cuba: Tâm linh ở xứ xì gà
Tôi cùng Lismary đi chợ. Vừa ra đầu ngõ, cô chợt khựng lại, hoảng hốt chỉ vào xác con gà cùng lông vương vãi rồi lẩm bẩm: “Biết ngay, bị ếm bùa rồi!”.
“Bò cung cấp sữa và sức kéo. Trẻ em đến 7 tuổi ở Cuba được 30 lít sữa/tháng nên nhu cầu sữa rất cao. Vì thế, việc cấm giết mổ bò cũng dễ hiểu. Bò bị giết mổ thường là bò cho chất lượng sữa không đạt yêu cầu hoặc không thể cung cấp sức kéo”, Juan cho hay.
“Nhà hàng có món thịt bò đấy thôi”, tôi thắc mắc. “Thịt bò vẫn bán bình thường ở các siêu thị nhưng giá từ 8 - 20 CUC/kg (1 CUC = 24 peso). Trong khi thịt heo ngon giá chỉ 60 peso/kg nên thịt bò thường chỉ có du khách hoặc người nào có điều kiện mới có thể ăn được. Ăn 1 kg thịt bò mất gần cả tháng lương, nên người Cuba ít đụng tới lắm. Hai lạng này cũng gần 3 CUC đấy”, Juan hồn nhiên cho biết.
Sống ở Cuba:
Sống ở Cuba:
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.