Sống ở lưng trời

04/01/2012 00:45 GMT+7

Với độ cao 391m so với mặt nước biển, núi Chóp Chài (Phú Yên) thường xuyên bị giông sét, nhưng ở đó vẫn có những người ngày đêm đang làm việc.

Với độ cao 391m so với mặt nước biển, núi Chóp Chài (Phú Yên) thường xuyên bị giông sét, nhưng ở đó vẫn có những người ngày đêm đang làm việc.

Núi Chóp Chài nằm phía tây bắc của thành phố biển Tuy Hòa, lộng gió, mây bao phủ quanh năm thật lãng mạn, nhưng ở đây điều kiện sống cực kỳ khắc nghiệt nên nhiều người gọi nó là vùng đất “trời đánh”. Trên đỉnh núi, có vùng đất bằng khá rộng nên Đài phát thanh, Trung tâm truyền hình Việt Nam tại Phú Yên và cơ quan viễn thông đã lắp đặt trạm tiếp và phát sóng, trạm vi ba ở đỉnh núi này. Ở đây còn có sự đóng chân của những chiến sĩ hải quân Trạm ra đa tầm xa Chóp Chài của Trung tâm ra đa cảnh giới biển tầm xa.

Từ QL1A, chúng tôi đi xe máy qua những khúc đường đèo dốc quanh co trắc trở và mất hơn 20 phút mới lên đến đỉnh Chóp Chài. Anh Nguyễn Đình Chương, kỹ thuật viên Đài phát thanh tỉnh Phú Yên, đưa chúng tôi đi tham quan trạm tiếp phát. Khi đến máy phát sóng FM, anh Chương chỉ vào lỗ thủng trên máy phát nói: “Lỗ thủng đó là do sét đánh. Vỏ máy làm bằng sắt dày 10 cm, nhưng cũng bị sét đánh thủng”.

Theo anh Chương, ở đây thường xuyên chịu tác động của sấm sét. Thời điểm thường xuyên xảy ra giông sét từ tháng 5-7. Anh Chương dẫn chúng tôi đến chân trụ tháp ăng ten thu phát sóng, chỉ vào đồng hồ đếm, trên mặt đồng hồ này đã hiện lên số 43. Anh Chương giải thích:“Trụ này xây dựng hơn 8 năm, nhưng đã thu được 43 cơn sét. Như vậy, bình quân mỗi năm, trạm chịu đựng bình quân 5-6 cơn sét. Đây chỉ là những cơn sét do hệ thống chống sét của trụ ăng ten thu được, còn có những cơn sét đến quá nhanh, nổ bên ngoài nên trụ chưa kịp thu được”.

Sét là nỗi ám ảnh của những người sống ở trên đỉnh Chóp Chài. Sau những lần chứng kiến sét đánh, anh Chương và các đồng nghiệp sống trên đỉnh núi này tự rút ra kinh nghiệm: Những khi trời có giông sét, họ nhanh chóng thực hiện các biện pháp bảo vệ thiết bị, rồi nhanh chân leo lên giường “án binh bất động” chờ đến khi giông sét qua đi thì tiếp tục làm việc.

 
Đỉnh núi Chóp Chài

 
Kỹ thuật viên của Đài phát thanh Phú Yên trong ca trực phát sóng trên đỉnh Chóp Chài - Ảnh: Đức Huy
 

Cùng sống và làm việc trên đỉnh Chóp Chài, anh Lê Minh Toàn, kỹ thuật viên Trung tâm truyền hình Việt Nam tại Phú Yên, cũng chia sẻ kinh nghiệm: “Khi nhìn thấy trời có mây mù, có dấu hiệu giông sét, tụi tui nhanh chóng cắt cầu dao điện lưới, chuyển sang ngay điện máy nổ, cắm thiết bị dẫn điện xuống đất… Những thao tác này phải nhanh chóng trước khi trời bắt đầu có sấm sét, nếu chậm thì rất nguy hiểm cho cả người lẫn thiết bị”. Anh Toàn còn cho biết, hễ trời có giông thì anh em ở trạm rất ngại đi lại, nếu đi lại từ phòng này sang phòng khác cũng phải đội “mũ bảo hiểm” thì mới tạm yên tâm.

Sống ở vùng đất “trời đánh”, những cán bộ, chiến sĩ trên núi Chóp Chài chủ yếu sử dụng nước mưa làm nước sinh hoạt. “Nước máy không thể dẫn lên đây được, còn chở nước từ dưới chân núi lên thì tốn kém nên anh em chủ yếu dùng nước mưa để sinh hoạt”, anh Chương thổ lộ. Còn về lương thực, mỗi ca trực 2 ngày đêm nên khi giao ca đều mang sẵn thức ăn ở thành phố lên.

Đức Huy 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.