Sóng thần, núi lửa tàn phá Indonesia

27/10/2010 23:16 GMT+7

* Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono cắt ngắn chuyến thăm VN * Tính tới hôm qua, ít nhất 301 người đã thiệt mạng do 2 thảm họa liên tiếp trong chưa tới 24 giờ

Các lực lượng cứu hộ hôm qua tiếp tục vật lộn với thời tiết xấu và giao thông liên lạc đứt đoạn để tìm kiếm người sống sót và chuyển hàng cứu trợ đến các nạn nhân thảm họa.

Theo AFP, khoảng 10 ngôi làng bị xóa sổ hoàn toàn tại các đảo thuộc quần đảo Mentawai, phía tây đảo Sumatra khi những cơn sóng cao tới 6m ập vào và lấn vào bờ có khi tới 600m. Tính đến hôm qua, sóng thần phát sinh từ trận động đất 7,7 độ Richter dưới đáy biển hôm 25.10 đã khiến ít nhất 272 người thiệt mạng và 400 người mất tích.

Tuy nhiên, nhà chức trách cảnh báo con số này sẽ còn cao hơn do nhiều thi thể chưa được tìm thấy. “Hàng ngàn người đã mất nhà cửa và đang cần cứu trợ khẩn cấp”, AFP dẫn lời ông Harmensyah, người đứng đầu cơ quan ứng phó thảm họa tỉnh Tây Sumatra nói, “Chúng tôi cũng phải gấp rút tìm kiếm người mất tích. Nhiều người có thể đang trốn trên núi nhưng đa số bị sóng cuốn mất”. Borinte, 32 tuổi, thẫn thờ kể với AFP rằng anh bất lực nhìn sóng cuốn người vợ và 3 đứa con trên đảo Nam Pagai. “Tôi sợ cứng người khi thấy bức tường nước tiến vào bờ. Tôi không kịp làm gì để cứu gia đình và chỉ sống sót nhờ bám vào một mảnh gỗ”, anh kể. Theo AP, hôm qua, lần đầu tiên máy bay và trực thăng có thể hạ cánh xuống các đảo thuộc Mentawai để chuyển gần 20 tấn lều, thực phẩm và thuốc men cho những người đang sống trong các khu trại dựng tạm.

Trong khi đó, trên đảo Java, số người tử vong do tro bụi độc hại, khí nóng và nham thạch từ núi lửa Merapi đã lên đến ít nhất 29 người. Ngoài ra còn có hàng chục người phải nhập viện vì những vết bỏng nặng. Trong số người thiệt mạng có một em bé 3 tháng tuổi và một thầy pháp được giao nhiệm vụ “canh giữ” núi Merapi, vốn được xem là một ngọn núi thiêng trong vùng. Theo AFP, lực lượng cứu hộ đã phát hiện thi thể ông này trong tư thế đang quỳ cầu nguyện. Hàng chục ngàn người tại tỉnh Yogyakarta đã phải bỏ nhà cửa sơ tán khỏi vùng bị núi lửa ảnh hưởng.

 
Hàng chục ngàn người khác phải bỏ nhà cửa tháo chạy - Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người kiên quyết bám trụ để giữ tài sản, bất chấp nỗ lực kêu gọi của chính quyền. Ngoài ra, hiện nhiều người còn đang tìm cách quay về để xem xét nhà cửa hoặc lấy thêm đồ đạc. Cảnh sát phải rất vất vả chặn dòng người trở về tại các chốt gác quanh các vùng gần núi Merapi. Hôm qua, hoạt động núi lửa tạm thời lắng dịu nhưng các chuyên gia cảnh báo nguy cơ vẫn còn rất lớn và mọi người chưa nên quay về.

Hôm qua, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono đã cắt ngắn chuyến thăm VN và quay về từ Hà Nội để theo dõi tình hình. Chính quyền cũng ban bố tình trạng khẩn cấp ứng phó thảm họa. Nhiều nước như Mỹ và Philippines đã tỏ ý sẵn sàng trợ giúp Indonesia vượt qua thảm họa. Tuy nhiên, AFP dẫn lời Ngoại trưởng Marty Natalegawa nói nước ông vẫn chưa cần đến sự giúp đỡ của quốc tế.

Lê Loan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.