Sống thực và nói thực

24/03/2011 17:42 GMT+7

Nhiều hoạt động thiết thực của Lễ hội thanh niên năm 2011 sẽ diễn ra từ 9 giờ đến 22 giờ 30 giờ ngày 26.3 tại Nhà văn hóa Thanh niên và Nhà thi đấu Quân khu 7, TP.HCM. Chương trình do Báo Thanh Niên phối hợp với Thành Đoàn TP.HCM tổ chức với điểm nhấn là chương trình nghệ thuật Khát vọng trẻ lần thứ 3 chào mừng kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đoàn.

Đó là chủ đề buổi đối thoại Tiếng nói của học sinh TP.HCM giữa lãnh đạo Sở GD- ĐT TP.HCM với học sinh THPT diễn ra sáng ngày 23.3.

Ngay đầu buổi đối thoại, lãnh đạo Sở GD- ĐT, đại diện Thành Đoàn TP.HCM thống nhất với học sinh của hơn 100 trường THPT tham dự cùng thẳng thắn trao đổi thực tế giảng dạy và công tác Đoàn - Hội trong trường học.

Về công tác Đoàn, một học sinh nêu vấn đề: “Vì phải trải qua các kỳ thi do vậy phần lớn thời gian học sinh dành cho học trên lớp, học thêm… nên ít thời gian để sinh hoạt Đoàn”. Còn nếu tham gia thì: “Chỉ sôi nổi bề mặt, tham gia cho có tên chứ không có sự tích cực và nhiệt huyết”, Huỳnh Cẩm Mao, trường THPT Linh Xuân thông tin thêm.

Mã Phụng Thi, trường THPT Nguyễn Trãi nêu thực trạng: “Nhiều chi đoàn lớp không tạo được tiếng nói với các đoàn viên. Bên cạnh đó, một số đoàn viên không ý thức được tầm quan trọng của sinh hoạt Đoàn và trách nhiệm của đoàn viên”. Còn bạn Nguyễn Thị Thủy Tiên, trường THPT Nguyễn Công Trứ lại băn khoăn vì: “Một số phong trào, khi xin ý kiến của ban giám hiệu thì không được sự đồng tình nên không biết làm thế nào để duy trì quá trình vừa học vừa hoạt động Đoàn trong nhà trường”.

Đại diện trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, Trần Nguyễn Thanh Tuyền gỡ rối cho Thủy Tiên bằng cách: “Bạn nên xem lại kế hoạch xem có hợp lý hay không hay linh động thực hiện các hoạt động trong dịp nào phù hợp hơn. Bởi lẽ, bản thân mình sẽ không nhìn ra cái thiếu sót trong khi xây dựng chương trình. Đặc biệt, mỗi cán bộ Đoàn phải nâng cao khả năng thuyết phục để bảo lưu ý kiến…”.

Chị Trần Thị Diệu Thúy - Phó Bí thư Thành Đoàn cho biết: “Các lớp tập huấn rèn luyện kỹ năng cho học sinh đều nằm trong chương trình hoạt động của Đoàn nên ban chấp hành các cấp cử các Đoàn viên tham gia  sau đó truyền đạt lại. Trước khi tổ chức hoạt động phong trào nào đó, các em nên xem xét sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của từng trường, của mỗi học sinh”. Đặc biệt, chị Diệu Thúy chia sẻ: “Vào Đoàn khó ai có thể đong đếm được lợi ích trước mắt nhưng sự tự tin, biết thể hiện mình, có khả năng làm việc nhóm thì không ai tạo cơ hội cho mình bằng sinh hoạt Đoàn”.

 
Nguyễn Thị Mai, học sinh trường THPT Phú Nhuận phát biểu tại buổi đối thoại - Ảnh: B.Thanh

Ở góc độ khác, Nguyễn Thị Mai, học sinh trường THPT Phú Nhuận cho rằng: “Tính thực hành trong chương trình sách giáo khoa chưa cao, môn tự nhiên mỗi tháng chỉ được thực hành có 1 lần, còn ngoại khóa phục vụ cho môn học xã hội thì chỉ có 1 - 2 lần/năm. Vì vậy chúng em ít có cơ hội học tập thực tế, không tiếp thu được nhiều kỹ năng sống”.

Cùng chung quan điểm,  Vũ Mai Ngọc Quỳnh, học sinh trường trung học Thực hành ĐH Sư phạm TP.HCM lấy ví dụ: “Vừa qua, sau khi tham quan nhà máy xử lý nước sinh hoạt do nhà trường tổ chức chúng em đã hiểu về tính ứng dụng của các phương trình hóa học mà hàng ngày tiếp xúc trên sách giáo khoa”. Từ đó, Ngọc Quỳnh đề xuất ý kiến: “Tổ chức ngoại khóa cho từng môn học là cần thiết vì đó không chỉ tạo hứng thú trong học tập mà giúp chúng em tiếp nhận kiến thức vững chắc, biết áp dụng thực tế khi gặp tình huống cụ thể”.

Bên cạnh đó, đại diện trường dân lập Úc Châu, Trần Thanh Long đặt vấn đề: “Việc học ngày nay được xác định qua thước đo là các kỳ thi nên với học sinh có định hướng thi các ngành khoa học tự nhiên chắc chắn sẽ lơ là các môn xã hội và ngược lại. Như vậy, để cuốn hút học sinh, tự thân các môn học phải thay đổi chính mình, biết tự làm mới bằng các hoạt động thực tế…”.

Một học sinh đại diện cho trường THPT Lê Thị Hồng Gấm cho rằng: “Đạo đức của học sinh ngày một xuống cấp xuất phát 1 phần từ bộ môn Giáo dục công dân chưa hoàn thành trách nhiệm bởi các nội dung trong sách còn mang nặng tính hình thức, không phù hợp với tâm lý học sinh…”.

Đồng tình với những trao đổi của học sinh, ông Huỳnh Công Minh - Giám đốc Sở GD - ĐT nhìn nhận: “Thực tế, trong các trường phổ thông hiện nay chưa biến nội dung học tập thành hoạt động mà chỉ dừng lại việc chuyển tải bằng chữ dễ gây cho học sinh mệt mỏi. Từ đó, khi ra xã hội, những kiến thức học sinh có được trong nhà trường không đạt hiệu quả cao”.

Bích Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.